Chăm sóc đúng cách để cây mít đạt hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, cùng với các loại cây ăn quả khác, cây mít cũng đã trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao của người dân. Do đó, việc chăm sóc đúng kỹ thuật ngay từ đầu mùa để cây mít đạt năng suất, chất lượng quả cao đã được bà con nông dân chú trọng.

Cây mít đang vào giai đoạn phát triển thân cành, chuẩn bị cho mùa quả vào cuối tháng 10. Trước đây, nhiều người cho rằng, mít là loại cây dễ tính, nên chủ yếu trồng xen và không chú trọng chế độ chăm sóc, phân bón, phòng bệnh. Do vậy, vườn cây chỉ cho năng suất cao ở những năm đầu và tuổi thọ ngắn. 

Để mít đậu nhiều quả, bà con cần quan tâm chăm sóc đúng kỹ thuật

Hiện nay, nhiều người đã đúc kết được kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh để mít cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà con đã thực hiện quy trình bón phân theo giai đoạn sinh trưởng của mít như: Thời kỳ dưỡng cây, ra hoa, tạo quả, nuôi quả… Điều này giúp cho vườn mít luôn dôi dào sức tăng trưởng, tỷ lệ đậu trái cao hơn hẳn.

Hơn 4 năm trước, gia đình ông Mai Văn Phúc, thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), trồng xen 50 cây mít Thái trong vườn cà phê. Theo ông Phúc, so với giống mít địa phương, mít Thái ít xơ, xơ có thể ăn được, múi ngọt đậm và thơm. Mít Thái được nhiều người ưa chuộng, tiêu thụ tốt hơn. Giá mít Thái được các thương lái đến vườn mua từ 20 – 30.000 đồng/kg tùy theo phân loại. Nếu giá mít luôn ổn định như thế này, mỗi vụ người trồng mít cũng có lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng/ha. “Thị trường tiêu thụ mít cũng khá rộng, kể cả trong nước hoặc xuất khẩu. Do đó, cây mít luôn là sự lựa chọn của người dân trong việc chuyển đổi cây trồng, cải thiện kinh tế gia đình. Vì vậy, chúng tôi đã chú trọng và chăm bẵm cây mít hơn so với trước”, ông Phúc cho biết.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thôn 12, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), cũng trồng xen 700 mít Thái và nhiều loại cây ăn quả khác trên 3,6 ha đất. Theo ông Thành, cây mít Thái thích nghi rất tốt với đất đai, thời tiết tại Đắk Nông. Loại cây trồng này rất nhanh cho quả, chỉ sau 18 tháng sẽ cho thu bói. Ông Thành cho biết: “Để vườn mít đạt năng suất, tôi luôn chú trọng đến việc chăm sóc và phòng bệnh cho mít. Tôi thường xuyên cắt tỉa cành hư, trừ nấm, không để rêu xanh bám vào cây mít. Mùa ra hoa, đậu quả thì tỉa bớt trái non, bọc trái bằng túi chuyên sử dụng cho trái mít…”.    

Gia đình ông Nguyễn Văn Thành thôn 12, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) luôn chú trọng việc chăm sóc và phòng bệnh đúng cách cho vườn mít

Lâu nay nhiều nhà vườn trồng mít có thói quen để cho cây ra quả rải vụ. Tức là ra quả quanh năm. Trong khi mùa khô cây mít thường phải dồn sức để phát triển và chống chịu nắng hạn, sâu bệnh. Do đó, nếu để mít nuôi quả nữa sẽ bị mất sức. Cùng với đó, khi quả chín sẽ nhạt, mất mùi vị, thối quả, chất lượng kém.

Theo ông Ngô Quang, thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), việc để mít ra quả rải vụ là sai lầm của các hộ trồng mít. Nếu hiểu đúng về quá trình sinh trưởng của cây mít, tháng 6 mới tập trung chăm sóc, tháng 8 cho cây ra hoa và thu hoạch vào tháng 12. Thời điểm thu hoạch mít, các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ… đã thu hoạch xong, nên không phải cạnh tranh với các loại hoa quả khác, dễ tiêu thụ.

Theo các hộ trồng mít lâu năm, việc chăm sóc mít phải hết sức cẩn thận, chăm chỉ. Cây mít trưởng thành vào năm thứ 2 trở đi cần tưới nước vào giai đoạn bón phân và những tháng khô hạn. Mít là cây rất sợ ngập úng, nên vào mùa mưa phải kiểm tra, tạo mương rãnh chống úng. Vườn mít cần làm sạch cỏ để tạo thông thoáng và tỉa cành từ 2 – 3 lần/năm.

Ngoài một số bệnh hại thì đáng sợ nhất với cây mít là hiện tượng xơ đen. Khi gặp loại bệnh này, trái mít dù vẫn lớn bình thường, nhưng bên trong có nhiều xơ đen, nên không có giá trị thương mại. Để phòng bệnh xơ đen cho mít, theo kinh nghiệm của các nhà vườn, bà con cần bổ sung thêm ka li trắng, can xi trước và trong giai đoạn cây ra hoa. Nếu dùng can xi lỏng phun và tưới gốc định kỳ 2 tháng 1 lần sẽ giảm được hiện tượng xơ đen cho mít.

Bà con cần bón phân theo nhu cầu của cây, cây khỏe bón ít, cây yếu bón nhiều, với các loại phân khác nhau. Cây mít cũng thường xuất hiện các loại sâu hại như: Sâu đục thân, sâu đục quả, ruồi đục quả… Do đó, các nhà vườn nên bao quả sớm bằng bao lưới, túi nilon ngay sau khi cây kết thúc rụng quả sinh lý. Bà con có thể sử dụng các loại thuốc Regent 800 EG, Furadan 3H nhào trộn với đất rồi bít kín lỗ sâu đùn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đúng theo hướng dẫn và tuân thủ thời gian cách ly sản phẩm trước khi thu hoạch…