Chăm sóc đặc biệt là gì, khi đó bệnh nhân được điều trị thế nào?

Thứ Tư 08/04/2020 , 07:31 (GMT+7)

Chăm sóc tích cực là khu vực điều trị cho các bệnh nhân nặng, có nhiều hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống, bao gồm liệu pháp ôxy và dùng máy thở.

Hình ảnh mô phỏng một bệnh nhân được chăm sóc tích cực. Ảnh: The Australian.

Hình ảnh mô phỏng một bệnh nhân được chăm sóc tích cực. Ảnh: The Australian.

Chăm sóc tích cực là gì?

Chăm sóc tích cực, ICU (Intensive Care Unit), hay còn gọi chăm sóc đặc biệt, là khu vực điều trị cho các bệnh nhân nặng, có đội ngũ bác sỹ, y tá chuyên khoa theo dõi thường xuyên từng bệnh nhân.

Tại đây, máy móc được sử dụng để theo dõi mọi chỉ số của bệnh nhân, từ nhịp tim, thân nhiệt đến tỉ lệ oxy trong máu.

Trong buổi chiều 6/4, tình hình sức khỏe của Thủ tướng đã xấu đi, và theo lời khuyên từ đội ngũ y tế, thủ tướng đã được đưa vào khu vực chăm sóc tích cực – ICU tại bệnh viện.

Theo các quan chức Anh, Thủ tướng Boris Johnson chưa cần phải thở máy. Có thể ông được chuyển vào ICU để theo dõi các chỉ số quan trọng, đồng thời hỗ trợ thở oxy qua mặt nạ. Theo một nguồn tin, ông Boris Johnson đã phải sử dụng tới 4 lít oxy khi chuyển vào ICU.

Derek Hill, giáo sư về chiếu chụp y học ở trường University College London, nói ông Johnson nhiều khả năng phải nhập viện vì khó thở. Và nếu sức khỏe tiếp tục xấu đi, việc can thiệp bằng máy thở có thể trở nên cần thiết.

Một khu vực chăm sóc tích cực. Ảnh: Euro Weekly.

Một khu vực chăm sóc tích cực. Ảnh: Euro Weekly.

Bệnh nhân được chăm sóc tích cực thế nào?

Ngay cả khi được chăm sóc tích cực, các bệnh nhân cũng có thể có tình trạng sức khỏe khác nhau, người khỏe hơn, người yếu hơn. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân vẫn còn tỉnh, áp lực đường thở dương liên tục hoặc chỉ cần sử dụng máy thở áp lực riêng liên tục.

Khi đó, đầu bệnh nhân được đặt trong mũ trùm hoặc dùng mặt nạ ôm khít để cung cấp oxy áp suất cao, giúp đường thở luôn mở. Điều này đặc biệt hữu hiệu trong các trường hợp điều trị bệnh nhân viêm phổi.

Tuy nhiên, ở các trường hợp nặng hơn, khi người bệnh đã hôn mê, các bác sỹ sẽ phải dùng phương pháp trợ thở xâm nhập. Khi đó, ống thở đặt vào khí quản giúp bệnh nhân hô hấp và các cơ quan như tim, phổi, nội tạng sẽ được đội ngũ nhân viên y tế theo dõi liên tục. Thuốc và các loại hóa chất sẽ được truyền ngay khi cần thiết.

Các loại máy thở dùng trong khu vực chăm sóc tích cực sẽ dùng phầm mềm và cảm biến chuyên dùng để điều chỉnh mức oxy cần thiết cho bệnh nhân, tùy vào người đó tỉnh hay hôn mê.

Ngoài ra, với các trường hợp nghiêm trọng hơn, các bác sỹ có thể chỉ định sử dụng máy oxy hóa ngoài cơ thể – ECMO. Khi đó, máu sẽ được đưa ra ngoài cơ thể, loại bỏ CO2 và tiếp O2 bằng máy trước khi đưa vào người bệnh nhân. ECMO sẽ được sử dụng trong các trường hợp bệnh nhân có phổi hoạt động không bình thường.

Theo Daily Mail, một khi phải vào khu vực chăm sóc tích cực, bệnh nhân sẽ cần 1 tuần để phục hồi sau khi dừng điều trị. Tùy vào sức khỏe từng người, có bệnh nhân chỉ cần chăm sóc tích cực 1 ngày rồi phục hồi, nhưng có người phải ở ICU đến 3 tuần.