Chăm sóc cây măng cụt ra hoa sớm, ít sượng trái
KHPTO – Măng cụt là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, thích hợp nhiều vùng đất từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên. Chăm sóc cây măng cụt không quá khó, vấn đề gặp phải ở cây măng cụt là cây hai bỏ vụ (cho trái cách năm), trái thu hoạch cuối mùa hay bị mủ và sượng, mất phẩm chất. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc để cây măng cụt khỏe mạnh, thì chăm sóc để cây cho trái hàng năm, trái đạt chất lượng rất quan trọng.
Cây măng cụt trồng tốt ở vùng đất thịt, sét giàu hữu cơ tầng canh tác dày, thoát nước tốt, gần nguồn nước tưới, không bị nhiễm mặn. Trồng được quanh năm, nhưng thường được trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới cho vườn cây.
Cây măng cụt là cây ưa bóng, cây con khó sống ngoài trảng nên cần được che mát trong 4 – 5 năm đầu vì ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có thể làm cây chậm phát triển. Hàng năm, vào mùa nắng cần vét bùn ở mương lên bồi liếp nhằm nâng cao mặt liếp và cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây. Nhưng chỉ bồi một lớp bùn mỏng khoảng 3 – 4 cm. Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn, đồng thời do hệ thống rễ cây không có lông hút và phát triển kém nên rễ măng cụt khi tiếp xúc với đất khó hút nước vì vậy cần tưới nước thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cây con và cây đang mang trái.
Giai đoạn cây ra hoa và mang trái cần tưới nước cách ngày cho cây, nhất là lúc sau khi cây trổ hoa, đậu trái giúp hoa phát triển tốt, đậu trái nhiều và trái nhanh phát triển. Trong giai đoạn cây mang trái nên chú ý tưới đều vừa đủ ẩm, tránh trường hợp vườn quá khô lại quá ướt bất thường sẽ đưa đến hiện tượng rụng trái non. Một số kinh nghiệm của nhà vườn khi trái măng cụt hết giai đoạn phát triển trái thì ngưng tưới nước, giảm mực thủy cấp trong mương và kết hợp với việc đậy gốc khi có mưa nhiều sẽ giảm đi hiện tượng mủ trái và sượng trái măng cụt.
Tỉa cành tạo tán cho cây măng cụt phải được chú ý thực hiện sớm và thường xuyên để có được tán cây cân đối và cây cho năng suất cao sau này. Khi cây còn nhỏ, cần tỉa bỏ các cành mọc dày đặc, cành vượt mọc đứng trong thân, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, chỉ giữ lại các cành mọc ngang, cành khỏe mạnh để tạo cho cây có tán thông thoáng và cân đối. Khi cây đã cho trái, sau khi thu hoạch xong phải tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho trái, cành vô hiệu nằm trong tán cây.
Theo khuyến cáo của Sở khoa học và công nghệ Bến Tre, cây măng cụt cho trái cách năm rất thường xảy ra, chủ yếu là do việc bón phân cho cây hầu như chưa được quan tâm. Quy trình bón phân để người trồng tham khảo như sau, giai đoạn cây cho trái: ngay sau khi thu hoạch xong cần tỉa cành, tạo tán bón 20 – 30 kg phân chuồng hoai cho mỗi cây kết hợp với phân vô cơ có hàm lượng đạm cao để giúp cây nhanh ra đọt mới. Bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái. Cũng có thể bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ theo công thức như sau N:P:K 16-16-8 hoặc N:P:K 20:20:10. Lần 2: trước khi cây ra hoa 30 – 40 ngày, giai đoạn này nên sử dụng phân vô cơ có hàm lượng lân và kali cao. Tránh bón nhiều phân đạm sẽ làm cho cây ra lá giảm sự ra hoa. Bón phân chuyên dùng cây ăn trái hoặc N:P:K 8-24-24. Lần 3: sau khi đậu trái lúc trái khoảng 2 cm, bón phân có hàm lượng kali cao, bón phân với công thức N:P:K 13-13-21. Liều lượng phân: 0,5 – 4 kg/lần/cây với tuổi cây từ 10 tới trên 30 năm tuổi, có thể tăng giảm hoặc thay đổi tùy thuộc vào điều kiện đất trồng, đường kính tán, năng suất thu hoạch vụ trước và tình hình sinh trưởng của cây. Giai đoạn trái phát triển cần bón thêm Ca(NO3)2 hoặc bón vôi Dolomite 2 kg/cây sẽ tăng được phẩm chất trái.
Đa số nhà vườn xới xung quanh gốc bón theo tán cây vì vậy việc bón phân cho cây măng cụt chưa phát huy hết hiệu quả khi sử dụng phân bón. Cây măng cụt do đặc tính bộ rễ phát triển kém so với các loại cây trồng khác, vì vậy hiệu quả nhất nên giới hạn bón phân ở 2/3 hình chiếu tán tính từ gốc trở ra. Tốt nhất nên đào rãnh xung quanh gốc ở 2/3 tán, sâu 15 – 20 cm, rộng từ 20 – 30 cm, bón phân vào rãnh, lấp đất lại hoặc cũng có thể xới xung quanh cách gốc khoảng 40 – 50 cm đến 2/3 tán cây bón phân vào và tưới nước đầy đủ sau khi bón.
Cây măng cụt rất ưa phân chuồng. Hạn chế của trái măng cụt là trái bị sượng. Cách tốt nhất là thu hoạch trước mùa mưa, vì vậy cần cho cây ra hoa sớm. Đặc tính của măng cụt là ra hoa trên đầu cành đọt mới nên việc cho măng cụt ra hoa sớm, trước hết phải làm cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt. Xử lý ra hoa cũng đòi hỏi trình độ nông dân và biết “canh” thời điểm, sử dụng phân bón phù hợp. Có hai cách bắt cây ra hoa sớm và đồng loạt, thứ nhất, khi đọt non 9 tuần thì xiết nước (tạo khô hạn, rút nước trong mương và phủ nylon trên mặt liếp). Khoảng 2 – 4 tuần thấy lá non có biểu hiện héo thì tưới thật nhiều, 5 – 7 ngày sau tưới lần nữa để mặt liếp đủ ẩm. Thứ hai, là khấc gốc (khoanh vỏ). Cách làm này chỉ áp dụng cho những vườn khó tạo khô hạn, thì khi đọt được 9 – 10 tuần tuổi, khoảng ngày 15/10 (âm lịch), tiến hành khấc gốc xung quanh thân. Chỉ khấc phần vỏ, không được chạm vào gỗ trong thân, vết khấc cách mặt đất khoảng 1 mét. Sau khi lá tươi trở lại hoặc khấc gốc 2 hoặc 3 ngày là cho cây ra hoa đồng loạt bằng cách dùng thuốc kích thích ra hoa phun sương đều hai mặt lá cây một lần. Khoảng 10 – 20 ngày sau khi tưới nước lại và phun thuốc, cây sẽ nhú chồi hoa.