Chăm sóc cây chanh dây trong mùa mưa
Hiện nay, chanh dây đang là loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao nên có nhiều hộ nông dân đang khôi phục trồng lại chanh dây. Tuy nhiên, vào mùa mưa chanh dây bị nhiều loại sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Một số biện pháp kỹ thuật cần lưu ý:
1. Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành lá: Cần khơi thông và thoát nước tốt cho vườn chanh dây, dọn sạch cỏ xung quanh vườn và cắt tỉa cho giàn cây thông thoáng, nên làm thường xuyên tạo ra các cành thứ cấp mới phân bố đều trên mặt giàn giúp cho cây ra hoa đậu trái được tốt hơn. Sau khi cắt tỉa cần thu gom toàn bộ cành lá đem ra khỏi vườn tiêu hủy.
Khi cây đã lên giàn cần tạo hình, tỉa lá thường xuyên, đặc biệt là tỉa bớt lá già, lá bị sâu bệnh, tạo vườn thông thoáng, hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cây ra nhiều nụ, đậu nhiều trái.
Khi cây kín giàn thì kéo các nhánh xuống phía dưới để chủ động tạo nhiều tầng sinh trưởng, nhằm tăng diện tích giàn, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Sau thu hoạch đợt quả của một năm, vào khoảng tháng 11, 12 bà con nên cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Chăm sóc để cây ra chồi mới, phân cành cấp 2,3 và các cành quả cho năm tiếp theo.
Tỉa bỏ nụ hoa: Chỉ để lại những nụ trên cành nhánh to khỏe, tỉa bỏ nụ và cành nhỏ, yếu, để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
2, Bón phân: Giai đoạn mùa mưa cũng là thời gian cây chanh dây trong giai đoạn cho hoa, trái do vậy nhu cầu dinh dưỡng lớn đặc biệt là nguyên tố Kali do vậy cần bổ sung dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý.
Phân hữu cơ: Bón 2 lần vào mùa mưa vào thời điểm đầu và giữa mùa mưa, mỗi lần bón 10 kg phân chuồng/gốc; bổ sung phân lân 2 lần vào đầu và giữa mùa mưa với lượng khoảng 0,4 kg/gốc/lần bón.
Phân hóa học: Thường 15 ngày bón một lần với lượng 50g ure + 100g kali/gốc hoặc dùng 100g phân NPK 16-8-16 + 40g kali/gốc.
Phân bón lá: Cần phun thêm các loại phân bón chứa nguyên tố trung vi lượng như Ca, Mg, S, B, Mo, Fe,… nhằm thúc đẩy cây sinh trưởng phát triển, kích thích ra hoa, đậu trái sau các lần thu hoạch, có thể sử dụng phân fetrilon – combi, 30 ngày phun một lần; Canxi – bo, Growmore… định kỳ 7-10 ngày một lần.
3. Phòng trừ sâu bệnh hại: Vào mùa mưa cây chanh dây thường mắc một số sâu bệnh như:
– Ruồi đục trái: Đặc điểm ruồi đục trái tạo ra các vết thương trên quả làm quả non bị rụng, quả lớn có những vết đục làm quả bị thối hoặc làm quả biến dạng.
Vệ sinh vườn, cắt tỉa lá già, bệnh, thu gom những trái rơi rụng đem chôn sâu, có khử trùng bằng vôi. Thu hái trái sớm hơn bình thường, không để trái chín quá lâu trên cây. Sử dụng biện pháp bao trái bằng túi giấy hoặc báo trước khi trái chín để hạn chế ruồi trưởng thành đẻ trứng trên trái. Có thể dùng chất Pheromon dẫn dụ với tên thương mại là Vizubon – D để làm bẫy dẫn dụ và tiêu diệt con trưởng thành đực (con ruồi đực). Biện pháp này muốn có kết quả cao nên vận động nhiều nhà vườn cùng tiến hành đồng loạt trên diện rộng.
Biện pháp hoá học: Sử dụng Protein thủy phân trộn chất độc làm bả diệt ruồi đục trái. Cách làm như sau: pha 100 ml Protein thủy phân với 3-5 ml thuốc trừ sâu Regent 5SC, pha loãng với 1 lít nước rồi đem phun cho mỗi cây trên diện tích khoảng 1m2 tán lá với lượng 50ml hỗn hợp. Mỗi tuần phun 1 lần lúc 8-10 giờ sáng, ruồi sẽ đến ăn và chết làm giảm được số lượng, hạn chế gây hại cho vườn chanh dây.
– Bọ xít: Bọ xít gây hại bằng cách tấn công (chích hút) vào hoa, đọt non và quả non làm cho quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm cho quả rụng.
Biện pháp phòng trừ: Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại, phát quang bờ lô, bụi rậm, bón cân đối N-P-K, dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Kiểm tra vườn phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu huỷ.
Nếu mật độ cao có thể tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất như: Abamectin (Shertin 5.0EC); Azadirachtin (Vineem 1500EC); Matrine (Wotac 16EC),… sử dụng theo liều lượng khuyến cáo.
– Bệnh đốm dầu do vi khuẩn: Bệnh gây hại trên lá, thân và quả. Trên lá, bệnh tạo nên những vết thương từ màu ô liu tới màu nâu, thường bao quanh bởi quầng sáng màu vàng nhạt, bệnh nặng dẫn đến rụng lá, trên thân còn non, dấu hiệu đầu tiên của sự xâm nhiễm là những vết lõm màu xanh đen, mọng nước. Sau sẽ phát triển thành màu nâu sáng, có viền rõ ràng với phần không bị bệnh.
Trên thân gỗ già, triệu chứng ban đầu là những đốm nhỏ hình tròn có màu xanh đen, hơi lõm xuống, sau đó lan rộng ra và có màu nâu tối, những vết bệnh này bao quanh chồi non và gây chết cây. Những dấu hiệu đầu tiên của sự nhiễm bệnh trên trái là trái nhỏ, màu xanh tối, vết bệnh phát triển thành những vòng tròn, thô nhám, mảng lốm đốm mọng nước, làm trái rụng sớm và thối trái. Đốm dầu thường xảy ra vào mùa thu và mùa khô.
Biện pháp phòng trừ: Biện pháp canh tác: Sau khi thu hoạch, thu gom sạch tàn dư của cây, đặc biệt là những cây bị bệnh và cỏ trên vườn đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu trên đồng ruộng cho vụ sau. Không nên trồng dày để vườn luôn thông thoáng, giảm bớt độ ẩm trong ruộng. Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, tăng cường bón thêm phân hữu cơ, vôi bột và phân kali hoặc tro trấu cũng có tác dụng làm giảm tác hại của bệnh. Kiểm tra vườn để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh đem tiêu hủy để tránh lây lan ra cây khác. Sau khi nhổ bỏ, bón vôi bột vào chỗ vừa nhổ để khử trùng đất.
Biện pháp hoá học: Tham khảo sử dụng một trong những loại thuốc có các hoạt chất: Copper hydroxide (Champion 57.6DP), Copper Oxychloride + Kasugamycin (Newkasuzan 16.6BTN); Copper Oxychloride 50% + Metalaxyl 8% (Viroxyl 58BTN); Ningnanmycin (Ditacin 8L) phun xịt khi cây chớm bệnh.
– Bệnh đốm xám: Bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, và quả. Trên lá, vết bệnh thường không có hình dạng cố định, chỉ là những đốm nhỏ màu nâu sáng, nhanh chóng lan rộng và làm lá rụng. Trên thân, vết bệnh xuất hiện tương tự như ở trên lá. Nhưng có đặc điểm vết bệnh thường lõm sâu vào trong thân. Trên quả, vết bệnh đầu tiên cũng là những đốm nhỏ, tương tự như trên lá và thân. Sau đó những đốm này tạo thành những vết thương tổn lớn gây nên hiện tượng rụng lá và quả. Bệnh thường xuất hiện phát triển mạnh trong suốt mùa mưa.
Phòng trừ: Cần vệ sinh vườn thường xuyên, tạo vườn cây thông thoáng, tăng cường bón phân hữu cơ và phân ka li, khi cây bị bệnh cần ngừng bón phân đạm. Có thể sử dụng một số thuốc hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC); Mancozeb + Metalaxyl – M (Ridomil GoldÒ 68WP); Carbendazim (Carbenvil 50SC); Cuprous Oxide (Norshield 86.2WP) phun khi bệnh mới xuất hiện. Khi phun cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời cần sử dụng bép phun tạo ra tia thuốc có hạt nhỏ để thuốc được tiếp xúc với toàn bộ cây.
– Bệnh héo rũ: Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, nấm bệnh phát triển nhanh, vết bệnh có thể xuất hiện trên cả cổ rễ và thân. Đầu tiên cây có biểu hiện vàng lá sau đó thân lá và trái héo rũ xuống và chết dần. Ở phần thân, nơi tiếp xúc với mặt đất, các bó mạch dẫn bị nấm tấn công tạo các vết bệnh nâu đen vòng quanh thân làm cho nước và dinh dưỡng không thể truyền được từ rễ lên, gây hiện tượng héo rũ thân lá dẫn đến chết cây.
Biện pháp phòng trừ: Biện pháp canh tác: Hạn chế việc tạo vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc, bón phân, tỉa cành, làm cỏ, giữ cho vườn luôn sạch sẽ. Phòng trừ tốt các loại bệnh do nấm và các loài sên nhớt cắn thân, gốc. Phần gốc cây cần được bảo vệ chống lại ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ và đặt các viên thuốc để dẫn dụ sên nhớt đến tiêu diệt. Những cây bị bệnh cần được đào và di chuyển cẩn thận, đem ra khỏi vườn phơi khô và đốt.
Biện pháp hoá học: Sử dụng các loại thuốc Trichoderma với lượng 3kg/1000m2 trộn với phân chuồng hoặc phân vi sinh bón vào đất. Hoặc có thể sử dụng các loại chế phẩm nấm Trichoderma để tưới vào gốc.
Nguyễn Thị Thùy – TTKN Lâm Đồng