Cha mẹ không nên giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi

Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng, từ này 01/01 đến thời điểm hiện tại đã xử lý trên 50 trường hợp vi phạm người điều khiển xe chưa đủ tuổi điều khiển các loại phương tiện xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên đường, phạt tiền trên 25 triệu đồng.


Học sinh chưa đủ tuổi cấp GPLX vẫn điều khiển mô tô tham gia giao thông.

Khi chúng ta tham gia giao thông trên các tuyến đường, không khó để bắt gặp các thanh thiếu niên đi xe dàn hàng ngang, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe với tốc độ cao, nẹt pô, rú ga gây mất trật tự công cộng và nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường. Nhìn vào chúng ta cũng đủ biết các em chưa đủ tuổi để điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy …Trong các hành vi vi phạm vừa nêu trên nhiều nhất phải kể đến hành vi chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên đường. Tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định độ tuổi, sức khỏe của người lái xe như sau: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3”; “Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên” với điều kiện sức khỏe phải đảm bảo và phải có giấy phép lái xe theo quy định.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019 được sửa đổi bổ sung một số Điều tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 có hiệu lực ngày 01/01/2022 cụ thể như sau:

Hành vi “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy”, hình thức xử lý là phạt Cảnh cáo (tạm giữ xe tối đa đến 07 ngày làm việc), ngoài ra còn phạt Chủ phương tiện từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng với hành vi “Giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật giao thông đường bộ điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông” (Nếu người điều khiển không phải là chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký).


CSGT mời người vi phạm và cha mẹ để tuyên truyền, nhắc nhở cha mẹ không nên giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật

Hành vi “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên”, hình thức xử lý là phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, (tạm giữ xe tối đa đến 07 ngày làm việc), đồng thời phạt Chủ phương tiện từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng với hành vi “Giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật giao thông đường bộ điều khiển xe mô tô tham gia giao thông” (Nếu người điều khiển không phải là chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký).

Hành vi “Điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe theo quy định” Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, (tạm giữ xe tối đa đến 07 ngày làm việc), phạt Chủ phương tiện từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng với hành vi “Giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật giao thông đường bộ điều khiển xe mô tô tham gia giao thông” (Nếu người điều khiển không phải là chủ xe đứng tên trong giấy đăng ký).

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc. Nhẹ thì chỉ thiệt hại về tài sản, nặng thì để lại thương tật suốt đời hoặc thậm chí là mất cả tính mạng, để lại biết bao đau thương, tiếc nuối cho những người thân vì tai nạn giao thông đã khép lại những giấc mơ dang dở, để lại bao nỗi tiếc thương, xót xa. tai nạn giao thông xảy ra đã để lại trong các em sự tổn thương về tâm lý, tinh thần và những nỗi ám ảnh, sợ hãi, âu lo… 

Nhưng một số gia đình vẫn cho các em sử dụng xe mô tô, xe gắn máy dù chưa đến tuổi quy định, không nhắc nhở con cái chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, thậm chí còn tìm đủ mọi cách để con được “lách” luật như cho con em đứng tên đăng ký phương tiện. Chính việc các bậc phụ huynh thiếu quan tâm, thậm chí là dung túng, tiếp tay khi trang bị phương tiện cũng chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thanh thiếu niên hiện nay vẫn ở mức cao.

Một số học sinh chính vì thấy bạn bè ai cũng có xe đi, cứ có suy nghĩ họ đi được thì mình cũng đi được, nên tình trạng học sinh chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường còn rất phổ biến. Để hạn chế tình trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị các trường học trên địa bàn toàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động, kiểm tra học sinh chấp hành nghiêm về pháp luật giao thông đường bộ, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tới trường nếu như chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô, xe gắn máy theo quy định. Đồng thời cần có hình thức kỷ luật (như hạ bậc hạnh kiểm,…) khi phát hiện học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Nhằm hạn chế tình trạng thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đúng độ tuổi thì cùng với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, của nhà trường, vai trò của gia đình là hết sức quan trọng. Cha mẹ và người thân cần cân nhắc khi mua xe, giao xe cho con, do khi chưa đủ độ tuổi quy định, khả năng xử lý tình huống của các em sẽ không đảm bảo, dễ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông. Việc nghiêm khắc của gia đình sẽ góp phần làm giảm nhiều hệ lụy đáng tiếc khi có sự cố xảy ra. Hãy là những phụ huynh sáng suốt trước khi quyết định giao xe, đưa xe cho con em mình sử dụng.

Hoàng Liệt