Cây xạ đen: Tác dụng, bài thuốc và những lưu ý khi sử dụng • Hello Bacsi

Bộ phận dùng của cây xạ đen

Lá và cả cành, thân cây đều có thể sử dụng trong các bài thuốc. Bạn có thể dùng tươi hay khô.

Khi thu hái, lá cây trưởng thành có thể lấy bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đối với thân và cành, người ta thường đợi đến khi cây già mới thu hoạch để có dược tính cao.

Sau khi thu hoạch, các phần của cây xạ đen được rửa sạch rồi để ráo nước. Có thể cắt thành từng đoạn ngắn, phơi hoặc sấy khô. Sơ chế xong cho vào túi nilon để nơi thoáng mát, khô ráo để sử dụng dần.

Thành phần hóa học trong cây xạ đen

Các thành phần được nghiên cứu và tìm thấy trong loài cây này gồm:

  • Các polyphenol: rutin, kaempferol 3-rutinoside, axit rosmarinic, axit lithospermic và axit lithospermic B.

  • Các sesquiterpene và triterpene: estar agarofuran sesquiterpene, 1b, 2b, 6a, 15b-tetracetoxy-8b, 9a-dibenzoyloxy-b-dihydro agarofuran (celahin D), axit glucosyringic, emarginatine E,

    loranthol, lupenone, friedelinol

    , celasdin-A, celasdin-C, celasdin-B, cytotoxic.maytenfolone-A…

  • Các nhóm hợp chất khác như flavonoid, quinon, tanin, axit amin…

Tác dụng, công dụng

Tác dụng, công dụng của cây xạ đen là gì? Cây xạ đen chữa bệnh gì?

Các tác dụng dược lý của cây xạ đen được nghiên cứu và ghi nhận gồm:

– Tác dụng chống khối u:

  • Các hợp chất flavonoid, polyphenol, quinone có tác dụng chống hình thành khối u, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, làm cho tế bào ung thư hóa lỏng dễ tiêu hủy và hạn chế sự di căn

    ung thư

    .

  • Tác dụng chống ung thư được chứng minh trong đề tài “Nghiên cứu tác dụng chống ung thư của cây xạ đen” tại Học viện Quân y từ năm 1987-1999.

– Tác dụng chống oxy hóa: các hoạt chất trong cây đều có khả năng chống gốc tự do và làm giảm tác hại của gốc tự do với tế bào.

– Chống nhiễm khuẩn: hợp chất saponin triterpenoid

Theo Đông y, cây xạ đen có vị đắng, hơi chát, tính hàn và có công dụng giải độc, trị viêm gan, các bệnh ung bướu, tiêu viêm, mụn nhọt, vàng da, hoạt huyết, giảm đau, tăng sức đề kháng cho cơ thể, an thần,…

Dược liệu này được dùng trong nhiều bài thuốc với công dụng:

  • Điều trị

    xơ gan

    , viêm gan

  • Chữa ung thư

  • Hỗ trợ điều trị

    gan nhiễm mỡ

  • Giúp ổn định huyết áp

  • Giải tỏa căng thẳng

  • Điều trị mất ngủ

  • Chữa mụn nhọt, ngứa, loét da

  • Điều trị các bệnh về cột sống, xương khớp

Liều dùng

Liều dùng thông thường của cây xạ đen là bao nhiêu?

Liều dùng cây xạ đen

Liều lượng cần dùng sẽ thay đổi tùy theo từng bài thuốc hay dạng dược liệu sử dụng, như chỉ dùng lá xạ đen hay thêm thân, cành, dùng tươi hay khô. Theo khuyến cáo, bạn chỉ nên dùng tối đa 70g xạ đen/ ngày.

Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để dùng đúng liều lượng cần thiết.

Một số bài thuốc có cây xạ đen

Xạ đen được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  1. Thông kinh, lợi tiểu, thanh nhiệt:

Xạ đen 15g, kim ngân hoa 12g, phơi khô, sao vàng rồi hãm uống trong ngày như nước chè.

  1. Giảm căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch:

Xạ đen 15g, giảo cổ lam 15g, nấm linh chi 15g. Sắc chung tất cả để lấy nước uống hàng ngày.

  1. Hỗ trợ điều trị bệnh gan:

Xạ đen (lá và thân) 50g, cà gai leo 30g, mật nhân 10g. Tất cả đem nấu với khoảng 2 lít nước, sôi tầm 15 phút thì tắt bếp, lọc lấy nước dùng uống hàng ngày.

  1. Bài thuốc giúp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe:

Xạ đen (lá và thân) 70g đem đun với khoảng 1,5 lít nước. Sau khi sôi thì đun lửa nhỏ khoảng 20 phút. Để nguội, uống thay nước lọc hàng ngày.

  1. Điều trị mụn nhọt, cầm máu vết thương:

Lấy 3-5 lá xạ đen tươi đem giã nát, đắp lên vùng bị thương rồi băng lại. Trước khi đắp thuốc nên vệ sinh sạch sẽ vùng da tổn thương để tránh nhiễm trùng.

  1. Dùng trong điều trị ung thư:

Cây xạ đen 40g, bạch hoa xà 30g, bán chi liên 20g. Tất cả đem sắc với 1,5 lít nước. Đun lửa nhỏ đến khi còn khoảng 600ml. Để nguội rồi chia ra uống trong ngày, nên uống sau khi ăn 15 phút.

Bạn cũng có thể dùng sản phẩm trà tam thất xạ đen hàng ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế sự hình thành và phát triển tế bào ung bướu.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây xạ đen, bạn nên lưu ý những gì?

Dù đây là một dược liệu khá lành tính nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, như:

  • Chóng mặt, hoa mắt do

    hạ huyết áp

    khi dùng quá liều.

  • Đầy bụng, đi ngoài (thường xảy ra khi uống thuốc để qua đêm).

  • Ngủ gà, ngủ gật do tác dụng an thần, giúp ngủ ngon của vị thuốc này.

Lưu ý, người mắc bệnh thận không nên sử dụng vị thuốc này vì có thể làm suy giảm chức năng thận.

Tùy từng trường hợp, các vị thuốc trong bài thuốc có thể cần gia giảm cho phù hợp. Do đó, tốt nhất bạn không nên tự ý phối hợp các loại dược liệu. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của xạ đen

Không dùng dược liệu này cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi. Trong trường hợp muốn sử dụng xạ đen để chữa trị khối u hay bệnh lý khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Tương tác có thể xảy ra với xạ đen

Một số thực phẩm có thể làm giảm tác dụng của dược liệu này nên bạn cần chú ý tránh dùng chung, bao gồm rau muống, đậu xanh, măng chua, cà pháo, đồ uống có cồn…

Khi dùng các bài thuốc có cây xạ đen để điều trị ung thư phổi hay các loại ung thư khác, bạn có thể dùng bên cạnh các loại thuốc Tây y khác. Tuy nhiên, để tránh tương tác và giúp thuốc phát huy hiệu quả tối đa, bạn nên uống cách nhau ít nhất 30 phút, đừng sử dụng cùng một lúc.

Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể không phù hợp khi sử dụng dược liệu này như người có bệnh ở thận. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.