Cây sáo trúc và niềm tự hào dân tộc

Chọn theo nghiệp gia đình

Nhiều người nói Minh may mắn khi sinh ra trong gia đình có nhiều thế hệ đam mê nghệ thuật âm nhạc dân tộc, nhưng với anh đó không phải là điểm tựa để cứ mãi dựa vào mà không có sự trui rèn, bứt phá của bản thân. Năm chín tuổi, cậu bé Minh bị cuốn hút bởi âm thanh phát ra từ cây sáo trúc nên bắt đầu tìm hiểu. Một ngày kia, cầm sáo đứng trước mặt bố và nói với chất giọng đầy tự tin: “Bố ơi! Hãy chỉ cho con cách thổi sáo ra nốt, ra tiếng với nhé!”. Sau cái gật đầu của bố, Minh bước vào cuộc phiêu lưu cùng sáo trúc đến tận bây giờ.

Năm 12 tuổi, Minh được UBND Thành phố Hồ Chí Minh cử đi học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) theo diện học bổng tài năng trẻ của Nhà nước. Năm 2011, anh xuất sắc giành giải thưởng quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp. Đó là Giải nhất độc tấu sáo trúc trong cuộc thi Trình diễn nhạc cụ dân tộc và nhạc dân ca của Lễ hội Văn hóa nghệ thuật lần thứ 16 tại Học viện Quảng Tây. Bảy năm sau, Minh tốt nghiệp cử nhân Âm nhạc tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Từ cột mốc này, bên cạnh việc biểu diễn chuyên nghiệp, anh dành khá nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, tìm cách lan tỏa nét đẹp của âm nhạc dân tộc đến cộng đồng. “Với tôi, đã bước vào lĩnh vực nghệ thuật thì bắt buộc phải rèn luyện, nuôi dưỡng lửa nghề. Nghệ thuật âm nhạc dân tộc là lĩnh vực đặc thù nên sẽ khó khăn nhiều mặt từ tài chính, tinh thần đến sự đón nhận cái mới từ người thưởng thức. Vậy nên, tôi chọn đam mê, sáng tạo nhưng không biến chất”, Minh cho hay.

Hơn 15 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật sáo trúc, Minh đã chinh phục hơn 10 giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. Thế nhưng, đó chưa phải là điều khiến mọi người ấn tượng nhất ở nam nghệ sĩ sinh năm 1996 này. Sự đam mê và luôn tìm tòi cái mới để đưa âm nhạc dân tộc đến gần với công chúng trẻ đã tạo nên dấu ấn trong hành trình thăng hoa cùng sáo trúc của Minh. Anh được nhiều khán giả yêu mến với các phần biến tấu sáng tạo khi kết hợp sáo trúc cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác trên nền âm nhạc điện tử, đem lại trải nghiệm đầy mới mẻ, thú vị.

Trách nhiệm với âm nhạc dân tộc

Công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, nhiều năm liên tiếp, Minh được cử tham gia biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới nhằm quảng bá nghệ thuật âm nhạc dân tộc đến đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế. Năm 2023 là năm đầu tiên anh quay lại chương trình lưu diễn sau thời gian dài tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhìn gương mặt rạng rỡ của kiều bào khi thưởng thức chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc, Minh kể lại: “Được hòa mình vào không gian trong những ngày xuân, tôi cảm nhận rõ nỗi nhớ quê hương Việt Nam cũng như tình yêu với âm nhạc dân tộc từ các kiều bào, thân thương lắm”.

Niềm tự hào với âm nhạc dân tộc tiếp tục được Nhật Minh gửi gắm thông qua nhiều chương trình biểu diễn phục vụ khán giả quốc tế ngay tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2004, gia đình anh còn thành lập một chương trình biểu diễn phục vụ riêng cho khách để giới thiệu về nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Hiện nay, Minh và gia đình cũng duy trì những lớp học chơi nhạc cụ truyền thống miễn phí tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn chung tay giữ gìn, lan tỏa tình yêu và lòng tự hào với nhạc cụ dân tộc.

Nhật Minh nói, nếu chỉ dành tâm sức cho việc biểu diễn, tổ chức các tiết mục độc đáo tham gia tranh tài thì chưa thể hiện trọn vẹn sự đam mê với lĩnh vực này. Điều anh luôn ấp ủ là làm sao đưa âm nhạc dân tộc, nhạc cụ dân tộc đến thật gần với giới trẻ. “Tôi muốn đưa sáo trúc và nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác đến với các sân khấu học đường nhiều hơn. Tôi mong có thể thấy nhiều bạn trẻ tự hào mặc chiếc áo dài biểu diễn với nhạc cụ dân tộc tại những buổi lễ tại trường. Trong năm 2023, tôi sẽ tiếp tục các dự án làm mới âm nhạc dân tộc và chuẩn bị cho album trình diễn sáo trúc theo phong cách mới mẻ nhưng vẫn giữ âm hưởng Việt Nam”.