Cây quế đem lại thu nhập cao cho đồng bào vùng cao An Toàn

Xác định kinh tế đồi rừng là mũi nhọn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã vùng cao An Toàn của huyện An Lão đã chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, đặc biệt là phát triển rừng quế. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Những ngày giữa tháng 5.2022, có dịp đến thăm xã An Toàn, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là những cánh rừng quế xanh bạt ngàn, hút tầm mắt trên những sườn đồi hai bên đường. Những đồi trọc, đồi cây bụi để hoang trước kia đã được người dân phủ xanh bằng những rừng quế.

d

Với giá bán từ 55.000 – 60.000 đồngkg vỏ quế khô, bà con nông dân xã An Toàn thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã, chúng tôi đến thăm mô hình trồng quế của gia đình ông Đinh Văn Thẩng, thôn 2, xã An Toàn, đây là một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình trồng quế ở xã. Ông Thẩng vừa phơi vỏ quế vừa chia sẻ: Cách đây hơn 5 năm, tôi trồng hơn 1.000 cây quế trên diện tích khoảng 1 ha. Đến nay, cây đã cho thu hoạch, tôi bán lá quế, vỏ quế phơi khô và cả gỗ quế sau khi bóc thu về hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2020, tôi quyết định đầu tư trồng thêm 02 ha quế, nhờ tìm hiểu và chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng quế phát triển tốt. Tôi dự kiến sẽ thu hoạch bán từng đợt, thu hồi vốn và quay vòng trồng gối rừng mới chứ không bán hết một lượt.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: Trồng quế ở xã An Toàn xuất hiện từ hơn 10 năm trước đây, nhưng chỉ có vài hộ trồng lẻ tẻ để phủ xanh đất trống. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó mũi nhọn là trồng cây quế. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Nhà nước để hỗ trợ người dân phân bón, cây giống, tập huấn kỹ thuật.

Trồng quế chỉ vất vả trong 3 năm đầu khi thường xuyên phải chăm sóc, phát cỏ còn các năm sau không mất công là mấy, cứ vào rừng tỉa cành, tỉa lá, bóc vỏ là có tiền. So với các cây trồng khác, cây quế có đầu ra ổn định bởi đang có nhiều doanh nghiệp muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm quế với người dân lâu dài.

Theo tính toán của người dân nơi đây, tất cả các bộ phận của cây quế đều có thể bán được và có nguồn thu nhập quanh năm như: hiện tại giá mỗi kg cành, lá quế được thu mua ngay tại rừng với giá 1.500 đồng/kg, vỏ quế tươi từ 25.000-30.000 đồng/kg, gỗ quế sau khi bóc vỏ cũng bán được trên dưới 2 triệu đồng/m3 tùy vào đường kính cây gỗ. Trong đó, người dân nơi đây chủ yếu bóc vỏ quế về phơi khô để bán cho thương lái

với giá từ 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Đến thời điểm hiện nay toàn xã có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số chọn cây quế là cây trồng chủ lực, trung bình mỗi hộ trồng khoảng 2 ha, nâng tổng diện tích trồng quế toàn xã lên gần 60 ha; Dù chỉ có một số khoảnh rừng quế trên 5 năm tuổi bắt đầu cho tỉa cành, lá, tỉa thưa nhưng đã có nhiều hộ có thu nhập ổn định. Với giá bình quân mà thương lái đang thu mua trên địa bàn hiện nay thì đối với những hộ bán tỉa cây cũng cho nguồn thu từ 30 triệu đồng/đợt bán, những hộ bán theo ha cũng thu được từ 200 triệu đồng/ha trở lên. Đây là một số tiền không nhỏ đối với bà con xã vùng cao An Toàn.

Để đưa quế trở thành cây trồng chủ lực của xã, cấp ủy, chính quyền xã An Toàn đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trong đó có hỗ trợ vốn vay, tập huấn, tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi giống cây trồng. Qua đây, người dân được trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nói riêng, rừng quế nói chung.