Cây lanh trong đời sống đồng bào dân tộc Mông
Cây lanh trong đời sống đồng bào dân tộc Mông
Lượt xem: 149
Trồng lanh, dệt vải là nghề truyền thống mà bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng đều biết để phục vụ cuộc sống hàng ngày của gia đình. Đây còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm chất của người phụ nữ dân tộc Mông.
Phụ nữ xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên nhuộm chàm vải lanh để may trang phục truyền thống.
Để trồng lanh, bà con chọn những nơi đất tơi xốp, bằng phẳng, ít đá, sau khi làm đất, bón phân chuồng, rắc cỏ lên trên chờ khô rồi đốt lấy tro để đất thêm màu mỡ; chọn hạt giống chắc, mẩy để gieo, tiếp tục bón phân, chăm sóc 4-5 tháng thì được thu hoạch. Sau khi thu hoạch. cây lanh phơi nắng từ 7-10 ngày rồi đem tước sợi. Sợi lanh đưa vào cối giã mềm và nối lại với nhau. Mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn tròn và mang đi giặt. Sau đó, cho lanh vào luộc bằng nước tro, bỏ thêm sáp nến đun trong 1 ngày, đến khi lanh mềm, trắng thì mang ra phơi, rồi guồng chia sợi. Lúc này, những sợi lanh đã xoắn kết lại thành một sợi dài và dai. Lanh được mắc vào khung cửi để dệt vải.
Sau khi dệt thành vải, bà con phơi trên phiến đá, dùng đá cuội đập cho vải mềm, bóng, mịn. Sau đó, đem nhuộm chàm dùng để may váy cho phụ nữ và quần áo cho nam giới. Đối với đồng bào Mông ngành mông đen, họ vẽ sáp ong trên vải trắng, với những đường hoa văn theo ý muốn, sau đó đem nhuộm chàm rồi mới thêu hoa văn, ghép vải màu trang trí. Mô tuýp hoa văn chủ yếu là những hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy, gam màu chủ đạo xanh, đỏ, tím, vàng trên nền vải lanh đen. Phụ nữ dân tộc Mông dùng vải lanh để may váy, áo, tạp dề, xà cạp quấn chân và các đồ dùng sinh hoạt như chăn, địu, gối, túi…
Chị Vàng Thị Cha, Chủ tịch Hội LHPN xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên cho biết: Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi tuyên truyền hội viên trồng lanh, truyền dạy kỹ thuật se lanh, dệt vải cho các thế hệ. Đồng thời, thành lập 2 tổ liên kết thêu, may trang phục truyền thống của phụ nữ tại bản Hua Noong và bản Hồ Sen. Các sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình, mà còn có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, người Mông sử dụng cây lanh cho nhiều mục đích trong đời sống hàng ngày, lá cây lanh có thể làm thuốc, thức ăn cho gia súc và làm phân bón; sợi lanh là một trong những vật linh thiêng được sử dụng trong cưới xin, đám tang, cúng, giỗ… Trong đó, trang phục của cô dâu, chú rể hoặc quần áo, giày, dép của người quá cố đều phải làm từ vải lanh.
Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú, thông tin: Trước đây, nhân dân se lanh, dệt vải để may trang phục. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vải chất liệu tốt, giá thành rẻ, nên bà con mua vải sẵn về may trang phục truyền thống sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Việc se lanh, dệt vải được phụ nữ Mông ở các bản trên địa bàn xã duy trì để may các bộ trang phục dùng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc.
Chàng trai Mông khi đi hỏi vợ họ rất để ý xem gia đình người con gái có se lanh, dệt vải không. Bởi theo họ, những người con gái biết se lanh, dệt vải là người khéo tay, chăm chỉ, chịu khó. Đồng bào dân tộc Mông có câu hát “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Trai khỏe không giỏi làm nương cũng hèn”, “Cuối nhà là nơi em dệt lanh, thêu váy/Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, nhảy khèn”.
Những vuông vải chàm thổ cẩm rực rỡ sắc màu làm ngẩn ngơ, say đắm bước chân du khách trong mỗi dịp ghé thăm bản, tham gia phiên chợ vùng cao. Những công đoạn làm nên loại vải thổ cẩm từ cây lanh của đồng bào Mông ở vùng cao đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, rất cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.