Cây hương thảo | BvNTP

Cây hương thảo có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người như giải nhiệt, lợi tiểu, giảm sưng viêm, hỗ trợ tiêu hóa, có hương thơm giúp tinh thần thoải mái. Khi áp dụng các bài thuốc chữa bệnh bằng cây hương thảo, bệnh nhân cần có sự cho phép của bác sĩ.

Cây hương thảo có nhiều công dụng đối với sức khỏe như thông kinh, lợi tiểu, giảm sưng viêm, lợi mật,...

Cây hương thảo có nhiều công dụng đối với sức khỏe như thông kinh, lợi tiểu, giảm sưng viêm, lợi mật,…

  • Tên khác: Mê điệt hương, trạch lan;

  • Tên khoa học: Rosmarinus Officinalis;

  • Họ: Thuộc họ Húng, họ Bạc hà (Lamiaceae).

 

Mô tả về cây hương thảo

1. Đặc điểm thực vật

  • Thân cây: Cây hương thảo là một loài thực vật thân thảo. Cây nhỏ, cao từ 1 – 2 mét. Cây phân thành nhiều nhánh và thường mọc thành bụi rậm. Toàn cây hương thảo có mùi thơm đặc trưng.

  • Lá cây: Lá cây thân thảo có màu xanh lục, hình dải. Lá cây có chiều dài khoảng 4cm, rộng khoảng 5mm. Mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới có lông và lốm đốm trắng. Lá không có cuống lá và dai chắc.

  • Hoa: Hoa cây hương thảo có màu lam nhạt. Hương thảo còn cho hoa có màu tím cà. Hoa hương thảo xếp dọc ở các vòng lá. Hoa có kích cỡ 1cm.

2. Khu vực phân bố

Cây hương thảo phân bố ở các vùng như Bắc Phi, Tây Á, Nam Âu. Tại Việt Nam, cây hương thảo sinh sống được ở vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có hai mùa mưa và khô rõ rệt. Hương thảo được trồng và mọc nhiều ở miền Trung và miền Nam.

Cây hương thảo có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành.

3. Bộ phận dùng

Các bộ phận của cây hương thảo có thể dùng được đó là lá cây và phần ngọn cây.

4. Thu hái và sơ chế

Cây hương thảo thường được thu hái vào mùa hè. Sau khi thu hái, người thu hoạch sẽ rửa sạch, sau đó mang đi phơi khô hoặc sấy trước khi dùng.

Cây hương thảo mọc thành bụi, được thu hoạch vào mùa hè.

Cây hương thảo mọc thành bụi, được thu hoạch vào mùa hè.

5. Bảo quản

Bảo quản phần lá cây hương thảo đã phơi khô vào túi vải hoặc túi nhựa để sử dụng dần dần. Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, để lá cây không bị ẩm mốc.

6. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chính có trong lá cây là:

  • Tannin;

  • A-pinen;

  • Cineol;

  • Borneol;

  • Terpen;

  • Camphor.

Trong thân cây hương thảo có chứa những thành phần hóa học sao:

  • Citric;

  • Glycolic;

  • glyeeric;

  • Axitrosmarinic;

  • Romasidel;

  • Romarinoside;

  • Axit Saponosid;

  • Choline.

 

Vị thuốc cây hương thảo

1. Tính vị

Theo Đông y, hương thảo có vị cay, hơi đắng, mùi thơm nồng, tính ấm. Hương thảo không độc.

2. Quy kinh

Hương thảo được quy vào kinh can và kinh tỳ.

3. Tác dụng dược lý và chủ trị

Hương thảo có các tác dụng đối với sức khỏe như:

  • Thông kinh;

  • Lợi tiểu;

  • Phá ứ huyết;

  • Lợi mật;

  • Thông ruột;

  • Giảm sưng viêm.

Chính vì những tác dụng trên, vị thuốc hương thảo có thể điều trị được các bệnh lý sau:

  • Điều trị chứng kinh nguyệt không đều;

  • Giảm mất ngủ, mệt mỏi;

  • Chữa mụn nhọt;

  • Điều trị đau khớp;

  • Điều trị chứng đau nửa đầu;

  • Điều trị nhiễm trùng trên da;

  • Giúp tinh thần thoải mái, tăng khả năng tư duy;

  • Xua đuổi muỗi, côn trùng.

Cây hương thảo được dùng để làm thuốc trị mụn nhọt, đau khớp, xua đuổi muỗi, giảm mất ngủ, mệt mỏi,...

Cây hương thảo được dùng để làm thuốc trị mụn nhọt, đau khớp, xua đuổi muỗi, giảm mất ngủ, mệt mỏi,…

4. Cách dùng và liều dùng

Dược liệu hương thảo có thể dùng ở dạng tươi hoặc dạng khô. Người dùng có thể sắc hương thảo tươi hoặc đã sấy khô thành thuốc, uống. Hoặc có thể sắc kết hợp hương thảo với một số loại dược liệu khác để cho ra bài thuốc chữa bệnh.

Khi dùng hương thảo, người dùng nên dùng đúng liều lượng, công thức của bài thuốc, không nên lạm dụng. Dùng hương thảo quá liều có thể gây ra tình trạng chóng mặt, co thắt dạ dày,…

 

Bài thuốc sử dụng cây hương thảo

1. Bài thuốc chữa viêm loét miệng, viêm tuyến nước bọt

Sắc hương thảo và lấy phần nước thuốc để súc miệng. Súc miệng bằng nước hương thảo từ 1 đến 2 lần trong ngày. bài thuốc này có thể giúp các vết loét miệng chóng lành và cải thiện tình trạng viêm tuyến nước bọt.

2. Bài thuốc chữa mất ngủ, chán ăn và mệt mỏi cho phụ nữ sau sinh

  • Chuẩn bị: 20g hương thảo, 20g mạch môn, 6g nhân trần, 10g ngải cứu, 4g rẻ quạt, 4g vỏ bưởi đào phơi khô.

  • Cách thực hiện: Sắc các dược liệu trên với 550ml nước. Sắc thuốc bằng lửa nhỏ, khi nào lượng nước còn khoảng 250ml thì ngưng.

Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày, nên uống khi thuốc còn ấm. Dùng thuốc liên tục trong vòng 10 ngày.

3. Bài thuốc giảm mụn nhọt sưng đau

  • Chuẩn bị: 50g lá hương thảo tươi.

  • Cách thực hiện: Giã lá hương thảo nhuyễn, nát. Sau đó đắp lá hương thảo vào vùng có mụn nhọt trong vòng 10 – 15 phút.

Mỗi ngày, đắp thuốc 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Bài thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng viêm sưng, đau nhức của mụn nhọt (áp dụng trong trường hợp chưa mưng mủ).

4. Bài thuốc giải cảm nắng

  • Chuẩn bị: 100g lá hương thảo.

  • Cách thực hiện: Nấu canh lá hương thảo, ăn trong ngày. Nên ăn canh khi còn ấm nóng. Dùng liên tục trong vòng 3 ngày để giải cảm.

5. Bài thuốc giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa

  • Chuẩn bị: 20g hương thảo.

  • Cách thực hiện: Hái chọn cây hương thảo chưa ra hoa. Thái nhỏ, phơi khô. Hãm 20g hương thảo phơi khô với nước sôi. Uống nước hương thảo thay cho trà hàng ngày. Bài thuốc này giúp lợi tiểu, thận thải bỏ những chất độc, cơ thể thanh nhiệt và hệ thống tiêu hóa làm việc tốt hơn.

​​​​​​​Dùng lá cây hương thảo, nấu canh ăn để chữa cảm nắng.

Dùng lá cây hương thảo, nấu canh ăn để chữa cảm nắng.

6. Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều, giảm đau bụng kinh

  • Chuẩn bị: 20g hương thảo, 20g cỏ nhọ nồi, 20g ngải cứu, 20g ích mẫu, 20g củ gấu.

  • Cách thực hiện: Sấy khô, tán nhỏ các nguyên liệu. Sau đó rây thành bột mịn và trộn lẫn vào nhau. Cho thêm vào bột một chút mật ong, vo thành viên nhỏ như hạt lạc (đậu phộng).

Mỗi ngày uống thuốc 1 lần, mỗi lần dùng từ 15 – 20 viên, trước khi đi ngủ. Dùng thuốc trong vòng 10 – 15 ngày, trước chu kỳ kinh.

 

Một số lưu ý khi dùng cây hương thảo

Cây hương thảo là một vị thuốc có nhiều công dụng đối với sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, khi dùng hương thảo, người bệnh cần lưu ý một vài điều sau:

  • Bệnh nhân cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ nếu có ý định áp dụng các bài thuốc chế biến từ hương thảo. Các bài thuốc có thể sẽ phù hợp hoặc không tương tích với cơ địa và thể trạng của mỗi người. Do đó nếu tùy tiện dùng có thể khiến bệnh nhân gặp phải dị ứng.

  • Hiệu quả của các bài thuốc từ hương thảo thường đến chậm, do đó, người dùng thuốc cần kiên trì.

  • Nếu thấy thuốc không có hiệu quả khi sử dụng trong thời gian dài, cơ thể xuất hiện những triệu chứng lạ, dị ứng, hãy tạm ngưng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.

  • Người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ cần thận trọng khi dùng các bài thuốc từ hương thảo. Hãy hỏi qua ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

  • Các bài thuốc từ hương thảo chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Bệnh nhân không nên tự ý bỏ thuốc tây để chuyển hẳn sang dùng các bài thuốc từ hương thảo. Chỉ được phép bỏ thuốc tây khi có sự chỉ định của bác sĩ.

  • Dùng lá hương thảo quá liều có thể gây ra những tác dụng phụ như chóng mặt, co thắt đường ruột,… Khi gặp phải tình trạng này kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được khắc phục.

Tóm lại, cây hương thảo là một loài thực vật thân thảo, có hương thơm và có nhiều dược tính đối với sức khỏe con người. Trong Đông y, người ta dùng lá và ngọn cây hương thảo để làm ra các bài thuốc thông tiểu, thuốc hỗ trợ tiêu hóa, thuốc chữa cảm nắng, mụn nhọt, rối loạn kinh nguyệt,… Tuy nhiên, trước khi áp dụng điều trị, bệnh nhân cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Bài viết của chúng tôi chỉ nhắm đến mục tiêu giới thiệu cây hương thảo và cung cấp những thông tin tham khảo cho bạn đọc. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên, tư vấn phương pháp điều trị,… thay cho bác sĩ chuyên khoa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp