Cây gai xanh AP1 hướng đi mới trong phát triển kinh tế của nông dân Cao Bằng
Gia đình chị Vương Kiều Thư, ở xóm Hồng Sơn, xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng sắn, ngô hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây gai xanh. Chị Thư cho biết: Đây là giống cây gai xanh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép trồng diện rộng trên cả nước.
Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; được HTX thương mại và dịch vụ Thành Công (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc… nên cây gai xanh phát triển tốt, giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cây ngô, sắn.
Cây gai xanh AP1 được bà con trồng tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
“Gia đình tôi trồng được 3 ha, sau khi thu hoạch đợt một nhà tôi thu hoạch được 3,5 tạ vỏ gai khô/ha, sản phẩm vỏ gai được thu mua với giá 35.000 đồng/kg nên vụ này gia đình tôi thu về hơn 40 triệu đồng. Cây này một năm thu hoạch được 4-5 lứa, so với cây ngô, cây lúa thì cây gai xanh mỗi đợt thu hoạch hiệu quả gấp 4 lần” – chị Vương Kiều Thư chia sẻ.
Cây gai xanh không kén đất, không yêu cầu quy trình chăm sóc đặc biệt và có vòng đời khai thác 10 năm, mỗi năm thu hoạch 4-6 đợt; cây ít bị sâu bệnh nên cũng không cần sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như các cây trồng khác.
Anh Nông Minh Thuận, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Thành Công – đơn vị đầu tiên đưa cây gai xanh AP1 về trồng thử nghiệm tại tỉnh Cao Bằng cho biết: HTX đã liên kết với HTX lâm nghiệp Tiên Thành triển khai được khoảng 20ha, chủ yếu ở huyện Thạch An và huyện Quảng Hòa. Dự kiến mỗi ha có thể mang lại lợi nhuận 80-100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Cây gai xanh sau một tuần thu hoạch.
“Tôi thấy các tỉnh khác triển khai mô hình trồng cây gai xanh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhận thấy ở địa phương mình có quỹ đất trống cũng khá nhiều nên tôi đã đi tham khảo học hỏi sau đấy về bàn cùng với 3 anh em thành lập HTX để đưa cây gai xanh về trồng ở địa phương mình. Dự định sang năm HTX sẽ trồng được khoảng 100 ha cây gai xanh, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống” – anh Nông Minh Thuận nói.
Không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất tốt. Sau khi thu hoạch phần vỏ, thân và lá cây sẽ được rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ; lá cây gai xanh còn có thể làm thức ăn chăn nuôi, lõi cây gai thì có thể dùng làm làm giá thể trồng nấm…
Ông Nguyễn Duy Khánh kỹ thuật viên tập đoàn An Phước – Viramie cho biết: “Mục tiêu là phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1, tại Cao Bằng, chúng tôi đã ký kết hợp tác với HTX thương mại và dịch vụ Thành Công, hiện tại đã triển khai được 20 ha. Cây gai trồng ở Cao Bằng cho sản lượng cũng như độ dày của vỏ là rất tốt, tốc độ sinh trưởng sau 5-7 ngày chặt thì cây đã mọc lên 45cm. Trong thời gian sắp tới về phía tập đoàn sẽ tiếp tục kết hợp với HTX để chuyển giao kỹ thuật cho bà con từ lúc mình kiểm tra đất, thứ 2 là trồng và chăm sóc đến thu hoạch, hướng dẫn bà con bó buộc, bảo quản sản phẩm để nhập về nhà máy”.
Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cây ngô, cây sắn.
Hiện, cây gai xanh đang được trồng tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng…
Ông Đinh Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng cho biết: Việc liên kết sản xuất với nhà sản xuất và được hưởng những chính sách ưu đãi giúp bà con có thể yên tâm mở rộng diện tích cây gai xanh.
“Chúng tôi đã mạnh dạn đưa cây gai xanh AP1 vào triển khai trên địa bàn xã. Hiện tại có khoảng 10 hộ triển khai trồng với diện tích 1,5 ha. Những hộ trồng trước cây đang mọc lên tốt nên bà con trong các xóm cũng quan tâm đến tìm hiểu, bà con rất hưởng ứng. Dự kiến hết năm 2022 chúng tôi sẽ triển khai trồng khoảng 20 ha cây gai xanh trên địa bàn xã Tiên Thành. Hy vọng đây sẽ là loại cây giúp xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân trên địa bàn” – ông Đinh Quang Vũ nói.
Cây gai xanh AP1 với chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, hiệu quả kinh tế lại cao và được bảo đảm bao tiêu sản phẩm lâu dài hứa hẹn sẽ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp cho bà con vùng cao nói chung và bà con miền biên giới Cao Bằng nói riêng có thể thoát nghèo bền vững./.