Cây đinh lăng lá nhỏ 05
Được biết đến như một loại rau ăn kèm, cây đinh lăng lá nhỏ đã nổi tiếng từ rất lâu. Về sau này, những lợi ích của củ được lan truyền càng làm chúng thêm giá trị. Nhiều nơi có cả những dự án riêng về loài thực vật này để tận dụng hết dược tính đồng thời đem lại thu nhập cho người trồng. Điều gì làm cho chúng càng ngày càng được đánh giá cao đến vậy? Mời các bạn cùng Mộc Nhiên tìm hiểu nha!
-
Tên khoa học
:
Polyscias fruticosa
-
Tên tiếng anh
: Ming aralia
-
Tên gọi khác:
cây gỏi cá, nam dương sâm.
Thông tin chung về cây đinh lăng lá nhỏ
Đặc điểm của cây đinh lăng
Đinh lăng được biết đến với 3 công dụng lớn: làm cảnh, dùng trong ẩm thực và là một vị thuốc Đông y. Thân của chúng nhẵn và chỉ cao tới khoảng 1,5m. Chúng phân nhiều nhánh từ dưới lên trên và rất xum xuê lá.
Lá thuôn dài hoặc tròn tùy theo loại. Riêng loại đinh lăng lá nhỏ này có lá dài và chẻ khía. Chúng có răng cưa nhọn, đầu nhọn. Lá mỏng, nhẵn, màu lá đậm.
Cây đinh lăng có hoa và quả nhưng ít khi xuất hiện. Hoa màu trắng xám hoặc lục nhạt. Quả dẹt màu trắng bạc.
Có rất nhiều loại đinh lăng nhưng chỉ có loại lá nhỏ được dùng làm thuốc. Chủ yếu người ta chú ý tới phần lá và rễ (củ) vì 2 bộ phận này được sử dụng phổ biến. Cây từ khoảng 5 tuổi trở lên thì mới dùng được rễ. Rễ nhỏ thì dùng toàn bộ rễ, còn nếu rễ củ đã lớn thì chỉ sử dụng phần vỏ.
Từ thân cây sẽ mọc ra rất nhiều nhánh lá nhỏ. Trên mỗi nhánh này, lá mọc trên nhánh và chụm vào nhau ở đầu mỗi cành thành một bó lá nhỏ. Lá đinh lăng có mùi thơm dễ chịu, vị ăn hơi đắng.
Nguồn gốc và đặc tính sinh trưởng
Đinh lăng được trồng rất nhiều ở nước ta. Chúng có những loại chỉ dùng để trang trí, với sắc lá rất đẹp. Cũng có loại được trồng cả trong vườn thuốc vì chúng được coi là một loại thuốc bổ. Ngoài ra, vì còn là loại ra gia vị nên chúng còn được trồng ở mỗi gia đình để tiện sử dụng.
Chúng có khả năng thích nghi khá tốt, chịu được nhiều loại đất và khí hậu khác nhau, vì thế phân bố rất rộng rãi.
Giá trị kinh tế của đinh lăng lá nhỏ
Nước tăng lực không gây tăng đường
Nước tăng lực đinh lăng là một sản phẩm mới xuất hiện, được Cục Sở Hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào tháng 10/2021. Loại nước này giải quyết được vấn đề lượng đường trong các sản phẩm tăng lực. Chúng sử dụng chất ngọt tự nhiên trong cỏ ngọt, bảo đảm không tăng lượng đường trong máu. Với 80% dịch chiết là từ cây đinh lăng lá nhỏ, 10% chất làm ngọt từ cỏ ngọt stevia, 10% nước, đây quả thực là một sản phẩm chất lượng đảm bảo an toàn về sức khỏe. Chúng chứa nhiều saponin quý, vì thế rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Saponin là một chất mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ ung thư, hỗ trợ tăng cường sức khỏe của xương và hệ miễn dịch. Saponin được tìm thấy chủ yếu ở các loại thảo mộc, đặc biệt ở củ/rễ của các loại nhân sâm. Củ đinh lăng được sánh với nhân sâm của người nghèo chính là nhờ lý do này.
Làm giàu từ củ đinh lăng
Tại Nam Định
Những năm 2000, ở một số vùng phía Bắc và cao nguyên rộ lên xu hướng làm ăn từ cây đinh lăng. Thậm chí nhiều người đã tận dụng giá trị của củ và rễ, chuyển hướng làm nông nghiệp từ trồng lúa sang trồng đinh lăng. Xét về kỹ thuật trồng không quá khó, mà nhu cầu tìm kiếm củ/rễ để làm thuốc và ngâm rượu rất cao. Không chỉ thế, nếu biết cách thu hoạch cây tươi rồi sấy khô, người ta có thể đem bán cho những tiệm thuốc Nam và tăng thu nhập rất nhanh.
Khai thác những ứng dụng hiệu quả của đinh lăng, người dân ở khu vực Nam Định đã tính xa tới việc trồng cây để thu hoạch và cung cấp cho công ty dược Traphaco làm dược liệu. Mỗi năm họ cung cấp 100 tấn đinh lăng cho công ty. Việc liên kết này vừa chứng minh hiệu quả thực sự của chúng, vừa đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Phương hướng phát triển này đã lan rộng tới một số khu vực khác. Người ta học cách trồng cây, nhân giống, tạo ra những dự án kết hợp giữa việc trồng và sản xuất sản phẩm ở cùng một vùng.
Vùng cao phía Bắc
Ở khu vực Thái Nguyên, đất trồng làm tăng dinh dưỡng củ đinh lăng so với các vùng khác. Chất lượng củ có thể cao hơn tới 20%. Chúng lại dễ trồng và gần như không thu hút sâu bệnh. Trà đinh lăng và cao đinh lăng là 2 sản phẩm phổ biến nhất ở khu vực Thái Nguyên.
Ở đây đã phát sinh 2 dự án lớn để khai thác giá trị của cây: dự án “Liên kết trồng, chế biến các sản phẩm từ cây đinh lăng theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thị xã Phổ Yên” và dự án “Trồng cây dược liệu quý và cây thuốc quý”. Đời sống người dân được cải thiện nhờ những dự án này. Từ đó việc trồng loại thực vật này được đánh giá là mở ra hướng đi mới cho sự phát triển kinh tế vùng nông thôn, đặc biệt là vùng cao.
Sản phẩm từ cây đinh lăng
-
Trà đinh lăng:
loại trà này có sự góp mặt của cỏ ngọt để tạo vị ngọt tự nhiên. Vì thế trong thành phần chúng có 80% lá đinh lăng, 15% củ và 5% còn lại là cỏ ngọt.
-
Cao đinh lăng
được làm bằng phương pháp cô đặc. Sau khi sơ chế, rửa sạch, chúng được nấu trong nồi áp suất, sau đó chắt lấy nước và cô đặc lại. Có hai loại: cao cứng và cao mềm.
Ban đầu, các sản phẩm này chủ yếu được làm ra và tiêu thụ tại các khu vực phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh. Sau này chúng bắt đầu phổ biến ở Thành phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn sẽ càng ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Công dụng của cây đinh lăng đối với sức khỏe
Công dụng chung
-
Lá: thuốc sắc từ lá có thể hiệu quả để chữa cảm sốt, giã nát đắp thì cầm máu, chữa mụn nhọt, sưng đỏ, có tác dụng an thần.
-
Thân, cành: hiệu quả với bệnh khớp, đau nhức lưng, xương khớp.
-
Rễ: nhiều chất bổ, giúp tăng cường sức khỏe, trị suy nhược, lợi tiểu; hỗ trợ tiêu hóa, trị bệnh viêm đại tràng mãn tính.
Một số bài thuốc hay từ cây đinh lăng
Các bài thuốc với rễ
-
Chữa ho lâu ngày:
sử dụng rễ đinh lăng, rau húng chanh, rễ cây dâu, đậu săn, bách bộ, nghệ vàng : mỗi thứ 8gr, 4gr gừng khô, 6gr củ xương bồ. Tất cả nguyên liệu sắc với 600ml, tới khi còn 1/3 thì dừng. Uống ngày 2 lần khi còn nóng.
-
Ho khan kéo dài :
12 gr các vị sau : trần bì, cát cánh, đại táo ; 16gr các vị : cam thảo, tía tô, mạch môn ; 20gr các vị : củ đinh lăng, rau má, lá xương sông, xa tiền thảo.
Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.
-
Sốt lâu ngày, nhức đầu, tức ngực, nước tiểu vàng:
30gr đinh lăng tươi – rễ hoặc cành, 20gr sài hồ, 30gr cam thảo dây hoặc đất, 20gr vỏ canh, 30gr rau má tươi, 10gr vỏ quýt, 20gr lá tre tươi, 20gr me chua đất. Cắt nhỏ tất cả rồi sắc với nước, tới khi còn khoảng 250ml thì ngưng. Uống ngày 3 lần.
-
Chữa viêm gan:
12 gr các vị: rễ đinh lăng, biển đậu, ngũ gia bì, rễ cỏ tranh, chi tử, xa tiền tử, hoài sơn, 16gr ý dĩ, 20gr nhân trần, 8gr các vị: ngưu tất, nghệ, uất kim. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang.
-
Chữa thiếu máu:
100gr các vị: rễ đinh lăng, thục địa, hà thủ ô, hoàng tinh, 20gr tam thất. Tất cả đem tán bột rồi sắc uống. 1 ngày dùng 100gr hỗn hợp này.
-
Chữa sốt rét:
20gr rễ đinh lăng, 16gr rau má, 12gr cam thảo, 12gr lá tre, 20gr sài hồ, 8gr bán hạ sao vàng, 6gr gừng. Sắc nước uống.
Các bài thuốc với lá, thân và cành
-
Tiểu ra nước đỏ, đái dắt, đái buốt:
sắc hỗn hợp lá đinh lăng, kim tiền thảo, xa tiền thảo, liên tiền thảo, uống đều vài ngày.
-
Sưng đau cơ khớp, vết thương do té ngã:
40gr lá đinh lăng tươi, giã nát đắp vào vết thương, nơi đau nhức. Làm như vậy 2 lần/ngày, dần dần vết sưng đau sẽ giảm.
-
Chữa đau lưng mỏi gối:
sắc nước từ thân và cành đinh lăng. Mỗi lần sắc khoảng 30gr. Có thể thêm cam thảo, rễ cây xấu hổ, cam thảo để tăng tác dụng.
-
Chữa mồ hôi trộm bằng lá đinh lăng :
Sắc hỗn hợp 50gr lá đinh lăng, 20gr râu ngô, 30gr cây xấu hổ với 1,5 lít nước. Sắc tới khi còn ½ nước thì chắt ra uống. Nước loãng nên có thể thay thế nước lọc.
-
Chữa mẩn ngứa do dị ứng:
đối với người có da mẫn cảm dễ dị ứng, có thể nấu nước lá đinh lăng tươi hoặc khô để tắm.
-
Giúp bồi bổ sức khỏe cho sản phụ
-
Nước lá đinh lăng giúp sản phụ sau sinh hồi phục sức khỏe. Chỉ cần sắc uống mỗi ngày, hoặc hãm như hãm trà.
-
Nếu bị tắc tia sữa, thì sử dụng phần rễ sắc uống.
-
Lá đinh lăng còn hỗ trợ chữa rối loạn kinh nguyệt, lưu thông khí huyết, giảm các cơn đau vùng bụng dưới, giảm đau cổ tử cung ở phụ nữ sau sinh.
Lưu ý khi sử dụng
Rễ cây đinh lăng chứa nhiều saponin, điều này tuy rất tốt nhưng cũng có thể làm vỡ hồng cầu và gây xung huyết nếu sử dụng quá liều. Nếu sử dụng để chữa bệnh, nên hỏi ý kiến thầy thuốc. Đặc biệt phụ nữ mang thai và cho con bú, những ai bị bệnh về huyết áp tuyệt đối không nên tự ý sử dụng.
Những cách dùng đinh lăng
Bào chế cây
-
Đinh lăng tươi: hoặc là dùng sống, muốn để lâu phải sấy khô hoặc tán bột.
-
Đinh lăng chế rượu gừng và mật: 100kg đinh lăng cần tới 5 lít rượu gừng 5% và 5lít mật ong. Trộn rượu cho thấm rồi sao qua lần 1. Sau đó tẩm mật ong rồi sao vàng lần nữa.
Lá đinh lăng có tác dụng gì?
Dùng lá đinh lăng trong ẩm thực
Lá được dùng như rau ăn kèm. Món gỏi cá với lá đinh lăng rất nổi tiếng ở nước ta. Ngoài ra, chúng có thể nấu nước uống như trà, có tác dụng chữa mệt mỏi và an thần.
Sử dụng gối đinh lăng chống mất ngủ
Thu hái lá non xong, rửa sạch, phơi khô ở nơi thoáng mát. Căn lá khô vừa tới thì lấy vào, giữ độ dẻo của lá, tránh để chúng bị giòn gãy. Sao vàng lên rồi hút ẩm. Lấy lượng lá vừa đủ trộn với bông gòn để làm ruột gối. Để ý mùi thơm vừa phải, nhiều quá sẽ bị hắc. Sử dụng gối này kê đầu ngủ sẽ dễ chịu và chữa dần tình trạng khó ngủ.
Ngoài ra, có thể chế biến lá đinh lăng làm thành món ăn. Chúng phù hợp với món trứng chiên, hoặc làm rau gia vị của món cá kho và cháo. Những món ăn có đinh lăng giúp tăng sức đề kháng, chống suy nhược, nhờ đó cũng cải thiện giấc ngủ.
-
Phòng co giật ở trẻ:
phơi khô lá đinh lăng, lót dưới gối hoặc rải trên giường cho trẻ nằm lên.
Gối đinh lăng giúp bé ngủ sâu và thoải mái hơn, kích thích sự phát triển não bộ khi bé ngủ đủ giấc.
Gối đinh lăng phù hợp sử dụng cho những bé bị mồ hôi trộm
Mùi hương dễ chịu giúp chúng ta thấy thoải mái nhưng lại hỗ trợ xua đuổi các loại côn trùng.
Tắm lá đinh lăng cho trẻ sơ sinh
Dân gian sử dụng lá đinh lăng để tắm cho em bé sơ sinh. Với cách sử dụng này, không nên lấy lá già. Có thể để tươi hoặc phơi khô. Trước khi dùng nên rửa lá qua nước muối. Nấu lá cho sôi khoảng 10 phút, lấy nước pha cho ấm rồi tắm cho bé. Nếu trẻ nhỏ bị rôm hay dị ứng mề đay đều có thể dùng loại nước này để tắm.
Cây đinh lăng chỉ nên dùng làm gối và tắm cho trẻ, không nên cho trẻ sử dụng qua đường ăn hoặc uống.
Dưỡng da
Tắm lá đinh lăng thường xuyên sẽ giúp bạn có làn da trắng mịn. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, chỉ cần nấu sôi lá lấy nước. Nếu có thể ngâm bồn thì sẽ hiệu quả hơn.
Nếu da bị mụn, giã nhuyễn lá, trộn với muối và đắp lên vùng bị mụn. Làn da sẽ nhanh phục hồi.
Củ của cây đinh lăng
Nhưng bộ phận làm cho cây đinh lăng giá trị nhất chính là rễ. Rễ càng nhiều tuổi giá càng cao. Có những thương lái tìm kiếm khắp các vùng nông thôn với hy vọng mua lại được những bộ rễ lâu năm. Mức giá hàng chục triệu đồng được đưa ra để mua cho bằng được.
Rễ đinh lăng có tác dụng gì mà quý đến vậy?
Đa phần người ta mua rễ để ngâm rượu. Có hai kiểu sử dụng rễ: 1 là để làm rượu thuốc, 2 là để sưu tập. Nhiều người có đam mê sưu tập các loại rượu ngâm, từ ngâm tê tê, bìm bịp, rắn… cho tới các loại rễ quý. Với thông tin rễ đinh lăng tốt như nhân sâm, chúng càng ngày càng giá trị.
Những tin đồn về “thần dược” rễ đinh lăng
Trước đây, củ (hay rễ) đinh lăng được sánh ví với nhân sâm của người nghèo. Người ta tìm củ ở trong rừng, trồng cây ở vườn để lấy củ. Có người đem bán ở ngoài chợ với giá khá rẻ vì chúng thông dụng. Chúng được truyền miệng về các tác dụng tăng cường thể lực, tăng cường sinh lý cho nam giới. Đặc biệt, nếu được ngâm rượu thì tác dụng bồi bổ càng cao. Tuy nhiên nếu không uống được rượu ngâm thì chỉ cần dùng tươi hay khô cũng rất tốt.
Rễ cây đinh lăng có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Chúng được uống dưới dạng nước sắc, trà hoặc ngâm rượu. Tuy nhiên, chúng không phải nhân sâm như nhiều người đồn thổi. Tác dụng tốt là có thật nhưng không phải thần dược diệu kỳ.
Các cách sử dụng củ đinh lăng
-
Phơi khô, sao lên bảo quản khi tẩm mật ong hoặc rượu
-
Ngâm rượu
-
Dùng tán bột và làm thuốc viên, trộn với mật ong
-
Làm cao đinh lăng
-
Nấu nước tăng lực.
Thí nghiệm thực hiện với củ cây đinh lăng
Năm 1991, khoa Dược lý, Dược liệu và Giải phẫu bệnh lý của Viện y học quân sự Việt Nam đã làm một số thí nghiệm để nghiên cứu về rễ đinh lăng. Kết luận được đưa ra là chúng làm tăng sức bền của cơ thể tương tự như nhân sâm. Một số thí nghiệm về viên bột tán từ củ đinh lăng giúp cho bộ đội tăng sức chịu đựng trong quá trình luyện tập.
Củ đinh lăng có vị hơi đắng, tính mát, ngửi có mùi thơm. Chúng chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Rượu làm từ củ đinh lăng có tác dụng điều trị các chứng bệnh về đau nhức, bồi bổ sức khỏe.
Cách ngâm rượu đinh lăng
Công dụng của rượu cây đinh lăng
Tăng khả năng miễn dịch, cải thiện hệ thần kinh, tăng sức khỏe tim mạch, tốt cho hệ tiêu hóa và quá trình trao đổi chất. Người mệt mỏi, chán ăn nếu dùng rượu củ đinh lăng thì sẽ dễ ngủ hơn, thèm ăn hơn, giảm tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.
Chọn mua cây đinh lăng ngâm rượu
Củ để ngâm rượu chỉ nên là những củ có tuổi từ 5 – 10 năm, nhiều hơn cũng không tốt vì cây đã già cỗi và lão hóa dần. Ở độ tuổi này, củ đã lớn và khá nặng, khoảng 1,5 – 5kg/ củ.
Bề mặt củ khi đào lên thường bóng nhẵn và có màu vàng nhạt, có mùi thơm. Rễ uốn éo nhiều. Nên ngâm củ tươi ngay lập tức. Nếu không kịp ngâm thì nên thái lát rồi phơi khô. Tuy nhiên, thời gian ngâm củ khô sẽ lâu hơn so với củ tươi.
Tỷ lệ: 1 ký đinh lăng cần 3 – 4 lít rượu. Ngâm rượu ngập rễ.
Chọn rượu ngâm đinh lăng
Loại rượu phù hợp nhất để ngâm là rượu nếp với nồng độ khoảng 30 – 40 độ. Nên chọn mua ở những lò rượu truyền thống để có được chất lượng tốt nhất. Rượu truyền thống được nấu thủ công, dư vị rất thơm và để lại dư âm lâu.
Cách chọn bình ngâm rượu
Bình là một yếu tố lớn để giữ được chất lượng rượu. Ngoài ra chúng còn có tính thẩm mỹ và thể hiện đẳng cấp của gia chủ.
Nên chọn bình thủy tinh hoặc bình sành sứ, không nên dùng chất liệu nhựa. Tuy vậy, bình sành sứ thì không nhìn được vẻ đẹp của rễ, củ, và nếu rượu hư cũng khó nhìn thấy. Vì vậy, nhiều người có kinh nghiệm sẽ chọn bình thủy tinh để quan sát được quá trình lên men của rượu.
Thời gian lên men khoảng 1 tháng, không nên rút ngắn. Nên để bình ở chỗ mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi rượu ngả vàng là dùng được.
Ngâm rượu đinh lăng khô
Cách thông thường
-
4kg củ đinh lăng tươi đem phơi khô sẽ cần 7 – 8 lít rượu. Sau khi phơi còn 1kg đinh lăng khô. Cần phơi khoảng 5 ngày.
-
Sao vàng đinh lăng khô khoảng 5 phút. Đợi nguội, bỏ vào bình ngâm rượu. Thời gian ngâm cho đinh lăng khô là khoảng 3 tháng, lâu hơn so với loại tươi khá nhiều.
Cách ngâm của Đông y
-
4kg đinh lăng tươi cần 10 – 12 lít rượu
-
1 chén nước vo gạo (chọn gạo nếp)
-
Sau khi rửa sạch củ và rễ, thái nhỏ, phơi nắng 5 lần, phơi trong mát 2 lần. Sau đó sao trong chảo. Khi sao vẩy nước vo gạo lên. Sao trong khoảng 5 phút. Tới khi có màu vàng thì lấy ra. Đợi nguội ngâm như bình thường.
-
Thời gian ngâm: 3 tháng.
Rượu đinh lăng ngâm với gì tốt?
Rượu đinh lăng còn có thể ngâm với mật ong hoặc chuối hột sẽ cho những vị thơm ngon hơn. Có người ngâm với các vị thuốc Đông y hoặc ngâm với rượu tắc kè.
Cách dùng rượu đinh lăng tốt cho sức khỏe
-
Rễ đinh lăng chỉ nên uống mỗi ngày với một lượng nhỏ, khoảng 3 – 4 ly nhỏ. Vì đây là một loại rượu thuốc có chứa saponin, nếu lạm dụng có thể gây vỡ hồng cầu.
-
Không sử dụng rượu đinh lăng trước khi đi ngủ vì chúng gây hưng phấn và khó ngủ.
-
Muốn thấy hiệu quả, cần phải dùng lâu dài và đúng cách, đúng liều lượng.
Dùng cây đinh lăng làm cây trang trí
Đối với rất nhiều người, trồng đinh lăng còn để trang trí vì lá của chúng rất đẹp. Loại để làm thuốc chỉ có 1 nhưng để trang trí thì rất nhiều kiểu dáng lá và màu sắc khác nhau. Mộc Nhiên Farm hiện đang có những kiểu dáng và màu sắc đẹp nhất. Bảo đảm chúng mang lại cho không gian vườn sự nổi bật rất ấn tượng.
Cách trồng và chăm sóc cây đinh lăng
Đất trồng
Đinh lăng có thể thích nghi với nhiều loại đất, nhưng vì chúng là một vị thuốc nên sẽ phát triển và hấp thu dinh dưỡng tốt nhất với hỗn hợp đất tơi thoáng. Nên sử dụng phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai để trộn giá thể.
Kỹ thuật trồng
-
Đối với trồng chậu, nên chọn chậu bằng sành hoặc đất nung để rễ phát triển tốt nhất.
-
Đối với việc hạ thổ, nên lót đáy hố bằng miếng PE hoặc nylon để bao trọn bầu rễ. Vì cây đinh lăng được trồng để lấy rễ nên cách này sẽ giúp bứng trọn bầu rễ khi thu hoạch. Tuy nhiên nếu bạn chỉ có nhu cầu trồng làm cảnh hoặc lấy lá thì không cần chú ý tới việc lót PE.
-
Nếu trồng nhiều, mỗi cây hạ thổ nên cách nhau khoảng 50cm. Không thả phân bón quá sát hom. Nếu thả cây giống vào hốc đất, nên đắp cao và xẻ rãnh thoát nước. Nếu cây còn nhỏ, nên phủ mát gốc để giữ ẩm cho cây.
Nhân giống cây đinh lăng lá nhỏ
-
Cách tốt nhất là giâm cành.
-
Chọn nhánh to khoảng 1,5cm. Mỗi đoạn giâm nên có chiều dài khoảng 20cm. Tỉa bớt lá trên cành giâm.
-
Có thể ngâm vào dung dịch kích rễ trước khi đặt vào hốc hoặc khay.
-
Trong thời gian chờ ra rễ, luôn giữ ẩm cho cành giâm và giá thể. Khoảng 30 ngày thì cành bắt đầu nhú lá non, là dấu hiệu đã bắt đầu có rễ.
-
Khoảng sau 2 tháng, khi lá dài khoảng 10cm thì hãy đem cành giâm vào chậu mới.
Ánh sáng
Cây đinh lăng thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng hoặc bán râm.
Bón phân
Ưu tiên bón phân hữu cơ cho các cây để lấy lá ăn và làm thuốc. Bón định kỳ theo tháng hoặc mỗi 2 tuần.
Thu hoạch
Khi thu hoạch, lưu ý lấy phần mủ nhựa ở vỏ cây và rễ vì dược chất tập trung vào phần nhựa rất nhiều. Đối với rễ nhỏ, có thể lấy hết. Nhưng nếu rễ lớn, chỉ cần lấy phần vỏ rễ. Rễ tốt nhất nên ở độ tuổi 5 – 10 năm, nếu già quá thì chúng đã lão hóa không còn nhiều dinh dưỡng nữa.
Để giữ được lâu, khi lấy lên cần rửa sạch, bóc vỏ, thái mỏng rồi phơi khô. Để giữ được dưỡng chất, nên phơi chỗ mát chứ không phơi nào nóng. Khi thu hoạch rễ nên phân loại theo kích cỡ:
-
Đường kính trên 10mm: bóc vỏ
-
Đường kính dưới 10mm: không bóc vỏ
-
Đường kính dưới 2mm: để nguyên không thái lát
Lá phơi khô ở chỗ mát hoặc sấy khô.
Cây đinh lăng có mấy loại?
Đinh lăng lá nhỏ
Đinh lăng có rất nhiều loại, trong đó chỉ có đinh lăng lá nhỏ dùng làm vị thuốc, còn những loại khác được trồng làm cảnh.
Đối với loại trồng làm cảnh, chúng có những đặc điểm khác biệt về dáng lá và màu sắc lá, ví dụ như các loại sau:
Đinh lăng cẩm thạch
Phổ biến nhất là đinh lăng cẩm thạch, hiện đang được tìm kiếm rất nhiều. Màu lá xanh trắng pha trộn làm cho cây nổi bật và cũng làm sáng tươi hẳn góc vườn. Loại cẩm thạch này cũng chia làm nhiều loại. Mộc Nhiên hiện đang có 3 loại như ảnh sau:
Các loại khác
-
Cây đinh lăng lá to (còn gọi là đinh lăng ráng hay đinh lăng tẻ)
-
Cây đinh lăng lá tròn (đinh lăng vỏ hến)
-
Cây đinh lăng lá kim
-
Cây đinh lăng lá bạc (đinh lăng viền, đinh lăng trổ)
-
Cây đinh lăng lá đĩa
-
Cây đinh lăng lá vằn
-
Đinh lăng lá răng
Tổng kết
Như vậy, cây đinh lăng quả thật mang lại rất nhiều giá trị về công dụng. Càng tuyệt vời hơn khi chúng cũng là một loại cây xinh xắn để có thể vừa trang trí vừa sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Chăm sóc đinh lăng không khó, mà chúng lại rất hữu ích. Nếu bạn yêu thích có những loại cây ích lợi như thế ở vườn nhà, đừng bỏ qua loài thực vật thú vị này nhé!
©Copyright by Moc Nhien Farm