Cây cao su lại “lên ngôi” – Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Năm 2005, trên địa bàn Thanh Hóa đã có hơn 2.000 ha cao su cho khai thác mủ, năm 2006, sẽ có trên 3.000 ha đưa vào khai thác và diện tích cây cao su đến tuổi khai thác sẽ tăng dần vào các năm sau, sản lượng nhựa mủ từ 1 tấn đến 1,5 tấn/ha, chế biến được 0,5 tấn nhựa mủ khô, chất lượng cao hơn do sản xuất bằng công nghệ tiên tiến được tín nhiệm trên thị trường trong và ngoài nước.

Cây cao su Thanh Hóa lần đầu tiên được gây trồng trên các dải đất phì nhiêu ở vùng phía tây của  tỉnh từ những năm 1956 – 1958 tại các nông trường quân đội ở Vân Du, Phúc Do, Lam Sơn, Thống Nhất, Bãi Trành… với diện tích hơn 3.000 ha. Sau 10 năm chăm sóc, bảo vệ, chiều cao bình quân đạt từ 8 đến 12 mét, đường kính gốc từ 20 đến 30 cm, năng suất mủ từ 2 đến 3 kg một cây/năm. Một ha cao su mật độ bình quân 550 cây, một năm cho sản lượng thu hoạch từ 1 đến 1,5 tấn nhựa mủ. Thời gian từ lúc bắt đầu gây trồng đến khi bắt đầu khai thác mủ là 8 năm. Sau hơn 40 năm tuổi, cây cao su bước vào giai đoạn già cỗi, không còn khả năng phát triển. Đến năm 1996 – 2000, toàn bộ diện tích hơn 3.000 ha cao su trồng từ năm 1956 – 1958 được chuyển sang thời kỳ khai thác, chế biến gỗ. Các loại sản phẩm hàng hóa chế biến từ gỗ cao su rất dễ dàng tiêu thụ, cả thị trường trong nước và quốc tế đều mến mộ.

 

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, thực hiện công cuộc đổi mới, Thanh Hóa chủ trương phát triển mở rộng vùng cây cao su quy mô lớn, với diện tích hơn 10.000 ha, đầu tư từ nguồn vốn vay của ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 327 của Chính phủ về trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, mỗi ha trồng cây cao su được đầu tư từ 10 đến 12 triệu đồng trong thời gian 7 năm xây dựng cơ bản (1 năm trồng và 6 năm chăm sóc, bảo vệ). Cán bộ, công nhân viên (CNV) các nông trường quốc doanh và các hộ gia đình nhận khoán trồng cao su ai ai cũng hăng hái, phấn khởi thực hiện chỉ tiêu kế hoạch được giao với sự chỉ đạo, hướng dẫn đến từng hộ gia đình của Công ty Cao su và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm tỉnh. Từ năm 1992 đến năm 2000 toàn tỉnh  trồng được hơn 7.000 ha cao su giống mới. Do được đầu tư giống tốt và chăm sóc, bón phân đầy đủ theo quy trình kỹ thuật, cây cao su sau khi trồng tỷ lệ sống cao hơn 90% và phát triển xanh tốt, người trồng cao su biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng cây cao su, trồng cây dứa gai, lạc, đậu theo cơ cấu nông – lâm kết hợp, tạo thêm nguồn thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/ha/năm.

 

Đến năm 2000, sau khi Chương trình 327 của Nhà nước kết thúc và không còn vốn hỗ trợ gây trồng mới và chăm sóc số diện tích cao su đã trồng, giá cả cao su biến động, ngành cao su Thanh Hóa lâm vào  tình cảnh lao đao, khốn đốn. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật và nông vụ phải nghỉ việc, nhiều hộ gia đình nhận khoán không còn thiết tha với cây cao su nữa do vậy nhiều diện tích cao su không được chăm sóc, bảo vệ, một số bị chết, một số bị các hộ gia đình chặt đi để trồng cây khác, gây thiệt hại không nhỏ đến vùng cây cao su, công sức của dân và nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

 

Một số diện tích đến tuổi khai thác mủ nhưng do thiếu vốn đầu tư, nhà xưởng và công nghệ lạc hậu, sản phẩm chế biến kém chất lượng, tiêu thụ khó khăn nên hiệu quả kinh tế thấp kém, thua lỗ. Trong lúc đang lúng túng tìm cách tháo gỡ khó khăn, mở đường cho cây cao su phát triển trong cơ chế thị trường vươn lên hội nhập và cạnh tranh, thì giá cao su trên thị trường thế giới ngày càng tăng cao, lại được sự giúp đỡ của Tổng Công ty Cao su Việt Nam, ngày 12-12-2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 197 đồng ý cho Công ty Cao su Thanh Hóa là thành viên của Tổng Công ty Cao su Việt Nam và giao cho Công ty Cao su Thanh Hóa chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích cao  su  trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi là thành viên, năm 2005, Tổng Công ty Cao su Việt Nam đã đầu tư cho Công ty Cao su Thanh Hóa trồng mới 300 ha, chăm sóc hơn 5.000 ha diện tích cao su đã trồng từ các năm trước, đầu tư 20 tỷ đồng giai đoạn 1 để xây dựng Nhà máy Chế biến nhựa mủ cao su công suất 3.000 tấn/năm tại huyện Cẩm Thủy.

 

Để thống nhất quản lý và sớm phát huy hiệu quả đầu tư kinh doanh cao su, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho các nông trường trong tỉnh có cơ sở chế biến cao su thống nhất tập trung đấu mối vào Tổng Công ty Cao su Việt Nam theo Thông báo số 2793/TB-UB ngày 15-7-2005 và giao cho Công ty Cao su Thanh Hóa – thành viên của Tổng Công ty Cao su Việt Nam trực tiếp quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ trước đây các cơ sở chế biến cao su rải rác, nhỏ lẻ với công nghệ thô sơ, chất lượng sản phẩm kém, không đủ tiêu chuẩn tiêu thụ, cạnh tranh trên thị trường, nay tập trung lại một đầu mối, thống nhất quản lý kinh doanh, có nhà máy chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, giảm được chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm cao, khả năng tiêu thụ và cạnh tranh thị trường thuận lợi, hiệu quả cao hơn trước. Giá bán mủ cao su hiện nay đang ở mức từ 15 đến 18 triệu đồng một tấn, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, cán bộ, CNV các nông trường và bà con nông dân trồng cao su có thu nhập dần dần cao lên càng yên tâm phấn khởi, gắn bó, chăm sóc cho cây cao su ngày càng xanh tốt.

 

Năm 2005, trên địa bàn đã có hơn 2.000 ha cao su cho khai thác mủ, năm 2006, sẽ có trên 3.000 ha đưa vào khai thác và diện tích cây cao su đến tuổi khai thác sẽ tăng dần vào các năm sau, sản lượng nhựa mủ từ 1 tấn đến 1,5 tấn/ha, chế biến được 0,5 tấn nhựa mủ khô, chất lượng cao hơn do sản xuất bằng công nghệ tiên tiến được tín nhiệm trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Ông Đỗ Viết Liêm, Giám đốc Công ty Cao su Thanh Hóa cho biết: Từ nay đến năm 2010 sẽ hoàn thành việc phát triển vùng cao su với diện tích ổn định hơn 10.000 ha và tập trung đầu mối về Công ty Cao su Thanh Hóa thuộc Tổng Công ty Cao su Việt Nam quản lý. Từ khi tổ chức và cơ chế quản lý được đổi mới (năm 2004) đến nay, đã khôi phục và tạo việc làm ổn định cho 700 cán bộ, CNV của công ty và hàng ngàn hộ gia đình nông dân. Cây cao su Thanh Hóa khi “lên ngôi” đang được hồi sinh và phát triển. Với tinh thần năng động, quyết tâm vượt khó, cộng với sự giúp đỡ kịp thời có hiệu quả của Tổng Công ty Cao su Việt Nam đã giúp cho ngành cao su Thanh Hóa thoát khỏi muôn vàn khó khăn và đang vươn lên thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.