Cây cao su đảm bảo thu nhập cho người dân tỉnh Kon Tum
Một thời, cây cao su mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Vào thời kỳ “hoàng kim”, giá mủ cao su lên tới 45.000 – 47.000 đồng/kg, giúp nhiều gia đình “đổi đời”. Thế nhưng, sau một thời gian giá cả tăng “nóng”, mấy năm gần đây, mủ cao su liên tục rớt giá, có lúc chỉ còn 5.000 – 6.000 nghìn đồng/kg. Nhiều gia đình phải ngừng khai thác, thậm chí bỏ vườn cây vì nguồn thu không đủ bù đắp các khoản chi phí khác. Không ít gia đình lao đao theo cây cao su, hoang mang trước giá trị mà loại cây này mang lại. Có những người không đủ kiên trì và niềm tin với cây cao su đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Giá mủ cao su tăng trước vụ khai thác mang đến niềm vui cho người nông dân trồng cao su của
tỉnh Kon Tum. Ảnh: TH
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thị trường mủ cao su bắt đầu có những tín hiệu khả quan, giá mủ tăng dần từ 8.000 – 9.000 đồng/kg, rồi 10.000 – 11.000 đồng/kg. Hiện giờ, giá mủ cao su trong nước tăng vọt lên tới 370 đồng/độ TSC, tương đương với mức giá 12.000 đồng/kg với mủ chén ướt, 14.000 – 15.000 đồng/kg đối với mủ đông. So với thời điểm cuối vụ khai thác trước, giá mủ đã tăng tới 35 – 40 đồng/độ TSC, tương đương mức tăng khoảng 3.500 đồng/kg với mủ chén ướt, 5.000 đồng/kg với mủ đông. Có thể nói, đây là tin vui đối với người trồng cao su khi vụ khai thác mới đang bắt đầu. Theo đánh giá của người trồng cao su, với giá cả hiện tại, mỗi ha cao su, nếu được chăm sóc tốt và người dân tự bỏ công cạo mủ, không phải thuê mướn nhân công, bình quân có thể thu về từ 13 – 14 triệu đồng/tháng. Như vậy, một gia đình chỉ cần có 1 ha cao su khai thác thì đã đảm bảo thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Cường (thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cho biết, dù không thể so được với thời điểm đỉnh cao giá mủ cao su, nhưng so với các năm trước thì mức giá hiện nay đã là một niềm mơ ước của người dân trồng cao su. “Như nhà tôi, chỉ trồng có hơn 1 ha cao su, các khâu gia đình đều tự làm được, lấy công làm lời nên ngay cả khi giá mủ cao su thấp thì cũng không quá khó khăn. Còn nếu giá mủ cao su tăng cao như hiện nay thì cầm chắc thắng lợi. Người dân chúng tôi chỉ mong giá mủ cao su tăng và giữ ổn định để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, yên tâm gắn bó với vườn cây.
Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Kon Tum. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh hiện đạt 75.412 ha; tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Hà, thành phố Kon Tum…
Việc giá mủ cao su tăng cao ngay đầu vụ khai thác là tín hiệu mừng giúp nông dân trồng cao su tỉnh Kon Tum có thêm động lực khai thác, chăm sóc và củng cố niềm tin với loại cây đã từng được coi là “vàng trắng” này.
Giá mủ cao su lên cao không chỉ mang lại niềm vui cho các hộ dân trồng cao su mà các doanh nghiệp, công ty cao su cũng phấn khởi. Bởi giá mủ cao su cao sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua những khó khăn của thời gian trước, đồng thời đời sống của công nhân, những người làm cao su cũng được nâng lên.
Thiên Hương (Báo Kon Tum), nguồn:
https://danviet.vn/trong-thu-cay-truoc-day-nha-nao-cung-keu-chan-nay-cao-mu-ban-ai-nay-deu-bao-lam-giau-duoc-20210512223917264.htm
, ngày 13/5/2021 (VQ trích dẫn)