Cây Sachi – Hé lộ thông tin, cách trồng và chăm sóc | Canh Điền

Nhiệt độ trái đất ngày càng nóng dần lên cùng với mức độ đô thị hóa nhanh kéo theo hiện tượng hiệu ứng nhà kính, làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn. Khi đó, ngôi nhà với kiến trúc xanh là giải pháp tốt để góp phần chống chọi với tình hình đó. Bạn hãy chọn cây dây leo sachi nhé chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.

I. Giới thiệu về cây Sachi

Tên thường gọi:

Cây sachi

Tên gọi khác:

Cây sacha inchi, đậu sacha, lạc núi, lạc inca

Tên khoa học:

Plukenetia volubilis

Họ thực vật:

Cây thuộc họ Đại kích Euphorbiaceae (cùng họ với cây thầu dầu)

Nguồn gốc xuất sứ:

Cây sachi có nguồn gốc từ vùng Nam Mỹ nhiệt đới, cây đã được tộc người Ashaninca tại các quốc gia Nam Mỹ: Ecuador, Peru trồng và khai thác cách đây hàng trăm năm trước

Nơi sống:

Cây thường mọc ở nhiều nơi như rừng nhiệt đới và mọc rải rác ở nơi đất cát bãi bồi ven sông

Phân bố:

Cây sachi xuất hiện nhiều ở các nước thuộc khu vực Nam Mỹ như: Ecuador, Venezuela, Braxin, Colombia, các đảo nhỏ thuộc vùng biển Caribe. Ở châu Á cây được trồng nhiều ở Thái Lan, ở Việt Nam có các tỉnh vùng Tây Nguyên, Hòa Bình, Điện Biên…

Tuổi thọ:

Là cây sống lâu năm, tuổi thọ cây có thể lên đến 15 – 20 năm

Thời gian nở hoa:

Cây ra hoa gần như quanh năm và màu sắc hoa chủ đạo là màu trắng

Cây Sachi

II. Đặc điểm của cây Sachi

  • Hình dáng bên ngoài:

    Cây sachi thuộc nhóm cây dây leo, bám vào các giá đỡ hoặc các cây khô bằng cách xoắn tay non mọc ra từ kẽ lá hoặc ngọn để leo lên. 

  • Kích thước:

    Cây sachi  có thể leo rất cao nếu không đốn ngọn, cây được ngắt ngọn hãm chiều cao khoảng  2 – 3m.

  • Lá:

    Lá sachi hình tim, to bản, lá mọc so le dài khoảng 10 – 12cm, rộng khoảng 6 – 10cm, mép lá có răng cưa, chóp lá nhọn có nhiều lông tơ bao phủ trên bề mặt lá, khi sờ vào gây cảm giác thô ráp.

  • Hoa:

    Hoa sachi là dạng chùm dài mọc ra từ kẽ lá, từ ngọn của dây, cả hoa đực và và hoa cái đều mọc xen lẫn nhau cùng một chùm. Hoa cái có tỉ lệ ít hơn hoa đực và mọc ở đầu chùm (gần cuống), hoa đực nhỏ li ti màu trắng kết thành những chùm dài. Hoa sachi thường nở quanh năm. 

  • Cành:

    Cây sachi khi còn non là dạng dây leo khi già tuổi các nhánh dây leo dần hóa gỗ, dây mọc nhiều nếu được ngắt ngọn, trên cùng một dây có rất nhiều các nhánh dây có tuổi thọ khác nhau.

  • Quả:

    Quả sachi chia thành năm cạnh có  hình dáng giống ngôi sao, khi non có màu xanh lục rồi chuyển màu nâu khi già và khi chín vỏ khô đổi màu đen. Bên trong lớp vỏ quả là hạt, hạt màu nâu dẹp, hình ôvan có chứa từ 5 – 8 hạt, trong hạt có chứa phôi mầm màu trắng.

III. Tác dụng của cây Sachi

1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh

Cây sachi bò leo rất cao nên một số địa phương hay gặp nắng nóng khắc nghiệt thường trồng để dây leo lên mái nhà tạo bóng mát, xua đi cái nắng gắt của mùa hè. Cây thường tươi tốt quanh năm nên ngoài việc tạo bóng mát cây còn giúp chắn gió đông rất tốt. 

Ở nơi đô thị không có nhà gỗ nên dùng các giá sắt, giàn leo, tường rào để dây leo hoặc trồng chậu trên sân thượng để phủ xanh mái hiên tạo cho ngôi nhà của bạn không khí  thêm trong lành, mát mẻ. 

Ngoài ra, cây sachi cũng được trồng ở cổng nhà leo lên hai chiếc giá sắt tạo nên vòm kín cổng cao tường rất đẹp mắt. Đặc biệt hình dạng quả sachi giống như ngôi sao năm cánh treo dưới vòm cổng trông như chiếc chuông rung trong gió rất sinh động và độc đáo.

2. Giá trị dinh dưỡng và tác dụng phòng bệnh

Bộ phận chính của cây có giá trị dinh dưỡng là hạt, tinh dầu hạt sachi có chứa nhiều Omega 3, 6, 9, đây là các chất béo không no (không bão hòa) rất tốt cho cơ thể. Những chất béo này có tác động trực tiếp đến hệ tim mạch, làm giảm mỡ máu, ổn định nhịp tim, tăng cường tuần hoàn máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.

Bên cạnh đó, hạt sachi này còn chứa viatmin A và chất xơ có tác dụng tốt đến não bộ và mắt, giúp tăng chỉ số IQ, tăng khả năng tập trung, giảm thiểu tình trạng loạn thị ở tuổi học đường, tăng sức đề kháng cho cơ thể và ngăn ngừa ung thư.

3. Tác dụng khác

Hạt cây sachi có chứa vitamin E  thường dùng để sản xuất kem dưỡng da, bào chế thành các sản phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

Hạt sachi  được luộc chín rồi  rang vàng làm món ăn vặt cũng rất béo ngậy mùi vị thơm giống như hạt dẻ..

Cây Sachi

IV. Cách trồng và chăm sóc cây Sachi

1. Cách trồng cây

  • Nhân giống và chọn giống

Cây sachi được nhân giống bằng cách gieo hạt và giâm cành, hai phương pháp này đều rất khả thi vì nhân giống được nhanh.

Nếu là hạt giống, chọn những hạt chắc mẩy màu nâu hoặc khi khô có màu đen và được ngâm trong nước sạch trong 24 giờ. Sau đó vớt ráo và được tưới bằng thuốc kích thích nảy mầm rồi ủ đợi hạt nứt nanh rồi đem ươm.

Chọn cây sachi giống có thân mập mạp, không bị trầy xước, không sâu bệnh, lá xanh tốt, rễ nhiều và dài màu vàng nhạt hoặc màu trắng.

  • Đất trồng  

Cây sachi có thể trồng trên nhiều chất  đất như: Đất đỏ bazan, đất nâu đen, đất pha cát bồi ven sông, đất phù sa trên bờ kênh rạch,… nhưng thích hợp nhất vẫn là chân đất đồi ẩm ướt có lớp thực bì dày khoảng 5 – 10cm. 

Trước khi trồng cây sa chi cần làm sạch cỏ dại, đối với đất mới chưa từng canh tác thì không cần xử lý nhiều chỉ cuốc hố với kích thước khoảng 20 x 20cm rồi kéo lớp thực bì mục xuống lót là được. 

Đối với chân đất đã canh tác lâu năm chất dinh dưỡng trong đất đã cạn kiệt cần phải xử lý bằng vôi bột hoặc chế phẩm sinh học. Chất này có tác dụng khử chua và làm đất tơi xốp đất.

Nếu là chân đất bằng phẳng cần phải đắp mô trồng cao khoảng 30cm và  khơi rãnh thoát nước cẩn thận. Trồng cây với kích thước hàng cách hàng là 6 – 7m, cây cách cây là 5m.

  • Cách trồng

Cuốc hố, rắc vôi bột ủ khoảng 15 ngày để khử chua đất sau đó lót phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh, đảo đều với đất, đặt cây giống sachi xuống hố, vùi đất xung quanh bầu, nén nhẹ tránh làm đứt rễ cây, vùi đất không quá mặt bầu 3cm để rễ cây không bị nghẹt rễ.

2. Cách chăm sóc cây

Sau khi trồng cần tưới luôn cho cây sachi để cây và đất giữ ẩm được tốt. Khi cây hồi lại và bắt đầu bén rễ nên tưới thuốc siêu ra rễ cho bộ rễ cây khỏe mạnh, mập mạp mới làm tốt nhiệm vụ hút dinh dưỡng nuôi cây. Nên tưới thuốc định kỳ hai lần cách nhau 5 – 7 ngày, tưới lên cả lá đều được.

Thăm nom vườn thường xuyên nếu có cây chết trồng dặm ngay để đảm bảo mật độ cây đồng đều. Những cây còi cọc có thể nhổ bỏ và trồng dặm bằng cây khác tránh chênh lệch về độ tuổi của cây giúp chăm sóc dễ dàng. 

Khi cây sachi bắt đầu leo bò cần đóng cọc bê tông hoặc đóng cọc tre theo hàng cây trồng làm giàn cho cây. Cọc cao khoảng 2,4m, chôn sâu 40cm, dùng dây thép không gỉ buộc nối đỉnh các cây cọc lại, dây thứ hai buộc dưới dây thứ nhất khoảng 50cm, dây thứ ba buộc dưới dây thứ hai cũng với khoảng cách như trên.

 Khi giàn đã xong cần vắt chéo những ngọn dây sachi lên giàn để bắt đầu leo bám. Nếu dây dây bò quá dài phải ngắt ngọn để hãm chiều cao giúp thu hoạch quả dễ dàng. 

Kết hợp với làm cỏ, bỏ phân vun xới đất để cây được hấp thụ dinh dưỡng hoàn toàn. Loại phân có thể dùng là Nitex 16 – 8 – 16, Quế Lâm 12 – 6 – 12 hoặc dùng phân cung cấp đủ các yếu tố đa – trung – vi – lượng để chất lượng quả tốt nhất. 

3. Thu hoạch

Khi vỏ quả sachi chuyển sang màu nâu báo hiệu quả đã già, đây là lúc thu hoạch quả. Chỉ thu những quả còn treo trên cây đã tách vỏ hoặc quả màu nâu và phải thu lúc trời nắng ráo. Trời mưa ẩm thu quả sẽ rất khó bảo quản.

Hạt thu về cần phải phơi nắng trực tiếp hoặc sấy khô bằng máy để đảm bảo hạt khô đều và phải bảo quản trong hai lớp túi bóng và một lớp bao vải ở bên ngoài. Bảo quản tốt thì thời hạn sử dụng là một năm, nếu hỏng mốc phải vứt bỏ, nếu ăn phải đây sẽ là mầm mống gây bệnh cho con người.

Hạt sachi có tác dụng rất tốt đối với cơ thể con người, hơn nữa cây cũng có tác dụng tốt với môi trường xung quanh làm tăng ôxy cho môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. do cây sachi đích thực là giải pháp bền vững đem lại không gian xanh cho ngôi nhà của bạn. 

5/5 – (3 bình chọn)