Cấu tạo của một đôi giày chạy bộ

Trước tiên thì chúng ta có thể hiểu giày chạy bộ chính là những đôi giày được thiết kế riêng cho việc chạy bộ và nó đảm bảo bảo vệ tốt nhất cho chân bạn khi được sử dụng đúng mục đích. Tôi biết nhiều người vẫn luôn có suy nghĩ rằng hoàn toàn có thể đem một đôi giày chạy để sử dụng song song với các hoạt động khác như tập gym chẳng hạn. Xét khía cạnh nào đó thì điều này chấp nhận được nhưng nó không đem lại hiệu quả cao nhất hoặc dễ gây chấn thương khi tập luyện ở mức độ nặng và cường độ cao.

Ngày nay thì trên thị trường có đến hàng trăm những nhãn hiệu giày chạy khác nhau từ lớn đến bé. Nhưng dù là đến từ hãng nào thì một đôi giày chạy bộ cũng sẽ được cấu tạo bởi 3 phần chính: (i) Upper (ii) Midsole và (iii) Outsole. Ngoài 3 phần chính này ra thì còn vô vàn các chi tiết nhỏ được tuỳ chỉnh bởi từng nhà sản xuất nhằm tạo ra sự khác biệt như mũi giày, dây, lưỡi gà, hông giày, gót giày, lót giày. Trong bài viết này sẽ cố gắng sẽ đưa ra nhiều thông tin nhất để các bạn có thể có cái nhìn tổng quát nhất về cấu tạo một đôi giày.

Cấu tạo của 1 đôi giày chạy bộ

“Upper”- Thân trên

Upper của một đôi giày chạy bộ là tổ hợp các bộ phận bao bọc phần trên cùng của bàn chân vận động viên hay nói một cách dễ hiểu thì upper là toàn bộ phần còn lại của đôi giày nếu không tính phần đế. Phần thân trên của giày làm nhiệm vụ cố định và bảo vệ chân, tạo sự thông thoáng và thoải mái khi di chuyển. Ngoài ra, màu sắc của phần thân trên cũng là điểm gây ấn tượng mạnh khi nhìn vào một đôi giày nên nó thường được các hãng sản xuất rất chú ý.

Upper của giày chạy bộ

Về mặt chất liệu thì thường thường các đôi giày chạy được sử dụng vật liệu lưới (Mesh). Mesh được làm từ nylon, polyester hoặc cotton. Với chạy bộ, chân phải hoạt động với cường độ cao trong một thời gian dài nên nhiệt lượng sinh ra ở phần chân là rất cao sinh ra đổ mồ hôi, ngoài ra mồ hôi và nước cũng có thể chảy từ trên xuống khiến chân rất dễ bị phồng rộp (blister) khi chân tiếp xúc với giày. Do vậy, vật liệu để làm thân trên phải nhẹ,  thông thoáng và không thấm nước.

“Midsole”- Đế giữa

Đế giữa được coi là bộ phận quan trọng nhất trong một đôi giày chạy bộ. Nó là phần xốp nằm giữa thân giày với đế ngoài. Sức mạnh trong từng bước chạy, độ êm ái, thoải mái khi vận động phần lớn đến từ bộ phận này. Nhiệm vụ của đế giữa chính là hấp thụ và chuyển hồi động năng trong từng bước chạy để tránh lực tác động ngược theo định luật 3 Newton (lực thay vì chạy ngược lại chân gây chấn thương cổ chân, đầu gối thì sẽ được chuyển hướng để hỗ trợ cho vận động viên tiến về phía trước. Ngoài ra thì một tác dụng quan trọng nữa của Midsole chính là nó được tuỳ chỉnh để phù hợp với các kiểu bàn chân như lật trong (overpronation), lật ngoài (underpronation), bình thường (neutral). Do vậy, khi chọn lựa một đôi giày thì đây chính là bộ phận đầu tiên bạn cần quan tâm   

Midsole của giày chạy bộ

Vật liệu để làm phần đế giữa cũng rất đa dạng và các hãng thể thao đã chi hàng tỉ đô la cho việc nghiên cứu nghiêm túc các vật liệu này. Có thể liệt kê một số vật liệu cơ bản thường thấy như sau:

  • EVA (Etylen-Vinyl axetat):  EVA mềm dẻo ở nhiệt độ thấp, bền xé, trong suốt, dễ gắn và dán ở nhiệt độ thấp, có khả năng phối trộn với lượng lớn các chất độn. Đây là một vật liệu phổ thông, giá thành rẻ, độ đàn hồi tốt nhưng nhược điểm là độ bền kém, mất khả năng đàn hồi sau một thời gian sử dụng nên thường thấy trong các đôi giày thể thao giá rẻ.

  • PU (Polyurethane):  PU có kết cấu phân tử dày đặc nên cứng hơn, nặng gấp đôi và bền chắc hơn so với EVA. PU cũng ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ.  Do vậy, vật liệu PU thường được sử dụ cho các đôi giày đòi hỏi tính ổn định và độ bền cao

  • TPU(Thermoplastic polyurethane): TPU là một vật liệu có độ bền cao hơn, mềm dẻo hơn và độ bền cao hơn so với EVA và PU. Hiện nay TPU thường được Adidas và Saucony sử dụng cho những đôi giày chạy của mình. Hạn chế của TPU là nó vẫn nặng hơn EVA.

  • Pebax: Đây là chất liệu được sử dụng để tạo nên đôi giày đình đám nhất hiện nay của Nike là Vaporfly 4%. Vật liệu này nhẹ hơn 20% so với TPU và mềm dẻo, độ đàn hồi cao cũng như khả năng hấp thụ và chuyển hồi động năng lớn hơn nhiều so với các vật liệu kể trên. Có thể nói đây là một vật liệu cao cấp và có mặt ở các đôi giày chạy đắt tiền.

Ngoài ra thì ngày nay các hãng sản xuất còn đưa ra ngày càng nhiều những loại đế giữa dựa trên công nghệ không phải đế xốp mà là đế khí (airbags) của Nike hoặc Gel của Asics nhằm tăng khả năng bảo vệ và độ bền của đế giữa.

“Outsole”- Đế ngoài

Đế ngoài chính là phần đáy của giày chạy bộ và tiếp xúc trực tiếp với đường chạy. Do vậy, đây chính là lớp bảo vệ đầu tiên cho đôi chân của bạn. Ngoài ra, đế ngoài làm tăng độ bám, lực kéo cho đôi chân khi chạy. Hình dáng của đế ngoài thì rất đa dạng từ thẳng đến cong. Đế thẳng thường cứng và phù hợp với những người có bàn chân lật trong (overpronation). Đế cong thường sử dụng tốt với những người có bàn chân bình thường (neutral) hoặc lật ngoài (underpronation)

Đế ngoài của giày chạy bộ

Đế ngoài thường được làm bằng cao su (thường là pha trộn giữa cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp). Có hai loại cao su thường được sử dụng để cấu tạo nên lớp bảo vệ đôi giày với bề mặt đường chạy như sau:

  • Cao su carbon (Carbon rubber): rất bền, đây là loại cao su tương tự với bánh xe tải nên thường được sử dụng cho các đôi giày chạy ngoài đường road hoặc trail

  • Cao su thổi (Blown rubber): đây là loại cao su được bơm thêm không khí nên mềm hơn, nhẹ hơn, linh hoạt hơn so với cao su carbon. Tuy nhiên, đánh đổi lại thì nó lại không được bền như cao su carbon nên thường sử dụng cho các đôi giày luyện tập.

 

Ngoài 3 phần chính của một đôi giày ra thì còn rất nhiều những chi tiết nữa cũng rất quan trọng mà các bạn cần quan tâm như:

“Tongue of the shoe”- lưỡi gà

Lưỡi gà là một trong những bộ phận không thể thiếu trên giày thể thao nói chung và giày chạy nói riêng. Nhiệm vụ của nó là dùng để bảo vệ phần mu bàn chân, đồng thời giúp giảm áp lực gây bởi dây giày tác động lên bàn thân. Ngoài ra, lưỡi gà còn giúp ngăn không cho nước đổ trực tiếp vào giày có thể khiến chân bị blister.

Lưỡi gà của giày chạy bộ

Vật liệu làm lưỡi gà cũng tương tự như phần upper khi chủ yếu được cấu thành từ các lớp foam mềm mại. Hiện nay trên thị trường còn một số dòng giày như Nike free flykit thậm chí còn loại bỏ luôn phần lưỡi gà mà thay vào đó là phần upper sẽ được liền thành một khối.                                                                                                 

“Heel Counter”- đệm lót gót giày

Đệm lót gót giày là phần ôm trọn vẹn gót của vận động viên. có tác dụng cố định phần gót chân và tránh bị tụt giày khi vận động. Ngoài ra nó đóng vai trò bảo vệ gân gót chân Achilles. Do vậy, đệm lót gót giày thường được cấu tạo bởi một miếng nhựa cứng (thường là chất liệu TPU) và được bọc bên ngoài bởi 1 lớp foam mềm.

Gót giày chạy bộ

“The toe box”- mũi giày

Mũi giày là phần phía trước của đôi giày, bảo vệ các ngón chân. Khi chạy, bàn chân có xu hướng đưa lên phía trước, mũi chân vì thế cũng sẽ chịu nhiều lực tác động. Ở giày chạy bộ, mũi giày thường có thêm một lớp cao su cố định để tăng khả năng bảo vệ.

Mũi giày chạy bộ

Kiểm tra độ thoải mái của mũi giày đôi khi thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, đây chính là một trong những sai lầm tai hại có thể khiến đôi giày của bạn bị ruồng rẫy hắt hủi, cả năm nằm mốc meo trên kệ giày bởi bỏ thì thương, vương thì tội.

“Sockliner”- lót giày

Lót giày của giày chạy bộ khá quan trọng vì nó tạo cảm giác êm ái, thấm hút mồ hôi, tạo độ khô thoáng khi vận động và quan trọng nhất là nó ôm gọn lòng bàn chân để giày và người chạy thành một khối thống nhất. Vật liệu để làm lót giày thường là các miếng foam EVA nhằm nâng cao khả năng đàn hồi, giúp bật nảy và tiếp đất  êm ái hơn.

Lót giày chạy bộ

“Shoelaces”- Dây giày

Dây giày giúp điều chỉnh độ rộng của thân giày dựa theo kích cỡ bàn chân. Các cách buộc dây giày chạy bộ có lẽ là điều được ít người quan tâm nhất vì hầu hết mọi người đều cho rằng dây giày chỉ có tác dụng giúp cho giày vừa khít hơn với chân của họ. Nhưng nếu bạn thực sự quan tâm đến chạy bộ và kết quả tập luyện của bản thân có một số kiểu buộc dây bạn cần phải biết đặc biệt khi chân bạn hay gặp những vấn đề lệch trong hoặc lệch ngoài nhiều. Có 3 loại dây phổ biến:

– Dây buộc truyền thống: Thao tác lâu nhưng có thể buộc chặt lỏng theo ý mình, phù hợp với việc chạy dài.

– Dây buộc cao su: Sẽ cố định 1 vị trí cỡ của mình mỗi khi đi bạn chỉ cần kéo dãn ra khi xỏ vào thì dây co thiết lại giữ chân, phù hợp với các hoạt động chạy ngắn, kết hợp đi chơi, tập GYM…

Cách buộc dây giày

– Dây buộc kiểu khóa vặn (BOA): Sử dụng công nghệ của hãng khoa BOA bản quyền xoáy siết dây thép nhỏ lại chính xác từng mili, khi tháo chỉ cần rút kéo khóa lên dây sẽ tự bung – Phù hợp với các hoạt động chạy trail, trekking để kiểu chỉnh độ thở của chân trên từng địa hình

Dây giày kiểu khóa BOA

Tài liệu tham khảo

https://www.runnersworld.com/gear/a26654722/running-shoe-anatomy-parts/

Cấu tạo giày thể thao – [Phần 1] – Giới thiệu tổng quan

Các thuật ngữ cần biết trong một đôi giày chạy bộ

https://www.verywellfit.com/athletic-shoe-anatomy-3436349

 

Người viết: Ryuu Marathoner