Câu nghi vấn là gì? Ví dụ và bài tập minh họa Ngữ văn lớp 8

Trong giao tiếp chúng ta thường sử dụng nhiều câu từ khác nhau, đó có thể là câu đơn, câu ghép, câu cảm thán, câu trần thuật hay là câu nghi vấn. Vậy câu nghi vấn là gì? Câu nghi vấn có chức năng như thế nào và biểu hiện ra sao? Bạn hãy cùng Luật Minh Khuê đến với bài chia sẻ ngay dưới đây để hiểu hơn về câu nghi vấn, cũng như cùng xem xét phân tích một số ví dụ, bài tập minh họa Ngữ văn lớp 8 để hiểu rõ hơn về câu nghi vấn nhé!

1. Câu nghi vấn là gì? (có ví dụ minh họa)

Câu nghi vấn về thực chất là một dạng câu với mục đích là hỏi để được giải đáp những điều mình chưa biết, đang thắc mắc hoặc nghi vấn để tìm ra lời giải đáp, câu trả lời. Cùng với câu trần thuật thì câu nghi vấn là loại câu vô cùng quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong giai tiếp cuộc sống hàng ngày, và trong văn học. 

Thông thường câu nghi vấn sẽ nêu lên quan điểm của bản thân người nói về một sự vật, hiện tượng nào đó, tuy nhiên quan điểm này dựa trên suy đoán cá nhân và có phần không chắc chắn. Vì thế dấu hiệu nhận biết câu nghi vấn là sự xuất hiện của các từ để hỏi, các từ để hỏi thường xuất hiện kèm là các từ như: sao vậy, như thế nào, rồi, hả, sao, sao rồi,bao nhiêu, bấy nhiêu…Thông thường nếu câu nghi vấn được diễn đạt bằng con chữ thì cuối câu nghi vấn thường sử dụng dấu hỏi, nếu ở dạng nói thì thường có ngữ điệu lên cao ở cuối câu (ngữ điệu nghi vấn).

Một số ví dụ minh họa:

  • Bạn đã làm bài tập này trong bao nhiêu lâu?
  • Tại sao bạn lại kết luận vấn đề theo chiều hướng như vậy?
  • Gia đình bác đã ăn cơm chưa ạ?
  • “Mình về mình có nhớ ta? Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mình về mình có nhớ không. Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?” (“Việt Bắc”- Tố Hữu)

 

2. Chức năng của câu nghi vấn (có ví dụ minh họa)

Thông thường chúng ta thường cho rằng mục đích chính của câu nghi vấn là dùng để hỏi, nhưng bên cạnh đó câu nghi vấn còn được dùng vào nhiều mục đích khác nhau đó là:

– Câu nghi vấn dùng để hỏi và giải đáp thắc mắc một vấn đề nào đó: Chức năng này là chức năng thường dùng nhiều nhất, và chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Kiến thức là vô tận, các mối quan hệ xung quanh chúng ta cũng vô cùng đa dạng,…nên việc chưa kịp tiếp thu, nắm bắt thông tin là điều đương nhiên. Do đó câu nghi vấn sẽ được dùng với mục đích để hỏi, làm rõ thông tin.

Ví dụ minh họa:

  • Tại sao nước biển lại mặn?
  • Làm thế nào để chúng ta có thể hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy trong một khoảng thời gian ngắn?
  • Tác phẩm này có phải được viết bởi Hàn Mặc Tử không?

– Câu nghi vấn có chức năng khẳng định sự việc và hành động: Trong nhiều trường hợp, câu nghi vấn sẽ dùng để khẳng định sự việc, hành động đó không phải do mình làm hoặc chắc chắn mình sẽ thực hiện trong một thời gian sắp tới.

Ví dụ minh họa:

  • Em đã xin lùi lịch nộp bài tập, chứ không phải là em không làm bài tập đâu? → ý nói, trong một khoảng thời gian nhất định, học sinh sẽ hoàn tất bài tập cho giáo viên.
  • “Nhà cháu đã túng lại phải đóng cả suất sưu của chú nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu?” (“Tắt đèn”- Ngô Tất Tố) → ý nói, chị Dậu sẽ nộp tiền sưu thuế cho nhà nước trong thời gian tới chứ không phải là trốn sưu thuế.

– Câu nghi vấn có chức năng cầu khiến: Đôi khi câu cầu khiến lại được thể hiện dưới hình thức là câu nghi vấn. Chức năng này được đánh giá là rất khó để nhận biết được, nên khi xét đến một hoàn cảnh cụ thể thì nó có thể dùng để ra lệnh, yêu cầu hay đề nghị việc gì đó. 

Ví dụ minh họa: 

  • “Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!” (“Tắt đèn”- Ngô Tất Tố) → Câu nói “Còn sống à?” vừa mang ý nghĩa hỏi rằng chồng chị Dậu vẫn còn sống hay không, vừa là câu cầu khiến.
  • Cả lớp có thể tập trung hơn vào bài giảng này giúp cô không?

– Câu nghi vấn có chức năng phủ định: Nghi vấn và phủ định là hai chức năng của câu từ làm cho nhiều người nhầm lẫn. Phủ định ở đây là phản bác hay loại bỏ ý kiến mà người khác đưa ra và nghi ngờ sự thật về câu nói đó.

Ví dụ minh họa:

  • “Hắn tự hỏi rồi lại trả lời: vì có ai nấu cho ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một tay “đàn bà”. (“Chí Phèo- Nam Cao) → dùng để phủ định, biểu hiện sự không có thật, không có một ai chăm sóc, yêu thương, công nhận Chí Phèo là người.
  • Sáng nay em đi học đúng giờ mà, tại sao cô lại bảo em đi học muộn ạ?

– Câu nghi vấn có chức năng bộc lộ tình cảm, cảm xúc: Chức năng này giúp câu nghi vấn được nói ra bộc lộ cảm xúc vui, buồn, giận dỗi, hờn, ghen, tiếc nuối, tức giận,…và các cung bậc cảm xúc khác nhau của con người. Chức năng này của câu nghi vấn thường được khai thác tối đa, triệt để trong văn học, thơ ca.

Ví dụ minh họa:

  • Mẹ ơi! Sao mẹ đi làm lâu thế? Con chờ mẹ từ sáng tới giờ? → thể hiện một trạng thái chờ đợi mòn mỏi, chờ đợi lâu dài của đứa con khi mong mẹ về.
  • “những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?” (“Chí Phèo”- Nam Cao) → sự xúc động, tủi thân, cảm động của Chí Phèo khi được Thị Nở quan tâm, khi lần đầu tiên biết mùi vị của cháo.

 

3. Những lưu ý khi sử dụng câu nghi vấn (có ví dụ minh họa)

– Không dùng từ “hoặc” trong câu nghi vấn vì nó sẽ làm sai cú pháp hoặc biến câu nghi vấn trở thành một câu trần thuật.

Ví dụ minh họa:

  • Chị quét nhà hoặc em quét nhà → câu này mang ý nghĩa khẳng định chứ không phải là nghi vấn.
  • Bạn có thể sử dụng bộ luật dân sự hoặc luật thương mại → tương tự, câu này cũng mang ý nghĩa là khẳng định.

– Nhiều từ có hình thức, âm thanh tương tự như câu nghi vấn nhưng lại không được sử dụng với mục đích là nghi vấn.

Ví dụ minh họa:

  • Ai đó đã làm đổ chậu cây của tôi → từ “ai” là đại từ phiếm chỉ chứ không phải là đại từ nghi vấn

– Trong một số trường hợp, ví trí của từ nghi vấn thay đổi sẽ ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc, ý nghĩa trong câu.

Ví dụ minh họa:

  • Khi nào thì anh ấy mới tới? & Anh ấy tới khi nào vậy?→ Với câu hỏi thứ nhất thì ta sẽ hiểu là: thời gian anh ấy tới là khi nào, tức lúc hỏi thì anh ấy chưa xuất hiện. Còn ở câu hỏi thứ hai thì ta sẽ hiểu theo chiều hướng: khi ta hỏi thời gian anh ấy tới là anh ấy đã có mặt và đến đó trước rồi.

 

4. Bài tập minh họa câu nghi vấn Ngữ văn lớp 8

– Bài tập 1: Đoạn văn sau có sử dụng câu nghi vấn không.  Nếu có cho biết chức năng của câu nghi vấn được dùng

a. Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt ly. Vậy thì sự biệt ly không chỉ có một nghĩa buồn rầu, khổ sở. Sao ta không ngắm sự biệt ly theo tâm hồn của một chiếc lá nhẹ nhàng rơi?

b. Vâng, thử tưởng tượng một quả bong bóng không bao giờ vỡ, không bao giờ mất, nó cứ còn mãi như một vật lì lợm… Ôi, nếu thế thì con đâu là quả bóng bay?

Hướng dẫn trả lời: 

  • a. Câu nghi vấn là: “Sao ta không ngắm sự biệt ly theo tâm hồn của một chiếc lá nhẹ nhàng rơi?”. Có chức năng chính là: dùng để cầu khiến.
  • b. Câu nghi vấn là:  “Ôi, nếu thế thì con đâu là quả bóng bay?”. Có chức năng là dùng để phủ định và bộc lộ tình cảm, cảm xúc.

– Bài tập 2: Đặt câu nghi vấn với những từ sau: Ai, làm gì, cái gì, vì sao, bao giờ, thế nào, ở đâu.

Hướng dẫn trả lời: 

  • Có ai biết làm bài tập trên bảng không?
  • Bạn đang làm gì với cuốn vở đó thế?
  • Mẹ đang làm cái gì vậy ạ?
  • Vì sao bạn lại ăn đồ ăn của tớ?
  • Bao giờ mới đến lịch trực nhật của bàn tớ thế?
  • Bài toán này được giải như thế nào hả cô?
  • Bạn đã để dụng cụ học tập ở đâu thế?

– Bài tập 3: Một số câu hỏi trắc nghiệm câu nghi vấn

Câu 1: Dấu hiệu nhận biết câu nghi vấn thế nào?

A. Có từ “hay” để nối các vế có quan hệ lựa chọn.

B. Có các từ nghi vấn.

C. Khi viết ở cuối câu có dấu chấm hỏi.

D. Một trong các dấu hiệu trên đều đúng.

Đáp án đúng: D

Câu 2: Câu nghi vấn nào không có mục đích để hỏi

A. Bạn đã ăn cơm chưa thế?

B. Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?

C. Bao giờ bạn được nghỉ lễ?

D. Ai bị điểm kém trong buổi hoc hôm trước?

Đáp án đúng: B

Câu 3: Chức năng câu nghi vấn là gì?

A. Dùng để yêu cầu

B. Dùng để hỏi

C. Dùng để bộc lộ cảm xúc

D. Dùng để kể lại sự việc

Đáp án đúng: B

Câu 4: Trong các đáp án dưới đây, đáp án nào không phải là câu nghi vấn

A. Gặp một đám trẻ chăn trâu đang chơi trên bờ đầm, anh ghé lại hỏi: “Vịt của ai đó?”

B. Lơ lơ cồn cỏ gió đìu hiu / Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

C. Nó thấy có một mình ông ngoại nó đứng giữa sân thì nó hỏi rằng: – Cha tôi đi đâu rồi ông ngoại ?

D. Non cao đã biết hay chưa? / Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Đáp án đúng: B

Câu 5: Câu nghi vấn nào không có mục đích để hỏi?

A. Mẹ đi chợ chưa ạ?

B. Ai là người đã sáng tạo tác phẩm này?

C. Trời ơi! Sao tôi khổ thế này?

D. Bao giờ bạn đi Hà Nội?

Đáp án đúng: C

Trên đây là những vấn đề liên quan về câu nghi vấn mà Luật Minh Khuê muốn chia sẻ tới các bạn. Hy vọng bài viết đã giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về câu nghi vấn, cũng như hiểu rõ một số ví dụ về câu nghi vấn trong phạm vi Ngữ văn lớp 8.