Câu lạc bộ Sinh viên Tâm Lý

Ái kỷ (Narcissism) bắt nguồn từ câu chuyện về nhân vật Narcissus trong thần thoại Hy Lạp, người đã yêu say đắm hình ảnh phản chiếu của mình trong hồ nước và cứ thế mải mê ngắm nhìn bóng hình đó đến khi chết đi. Ái kỷ lần đầu tiên được định nghĩa bởi Havelock Ellis (1898) để chỉ “một thực thể lâm sàng, theo mô tả là ở trong tình trạng tự khiêu dâm (auto-eroticism) mãnh liệt hoặc một sự say đắm cơ thể nhục dục của mình” (Ellis, 1898).

Nhìn chung, ái kỷ vẫn còn là một định nghĩa gây nhiều tranh cãi. Nhiều lý thuyết về ái kỷ được đưa ra, theo đó ái kỷ có thể là một đặc điểm tính cách, một rối loạn tâm thần hay một giai đoạn phát triển của con người. Bên cạnh đó, mô hình phổ ái kỷ (Krizan & Herlache, 2017) cũng đã được đề ra để giải thích hiện tượng này.

Ái kỷ như một đặc điểm tính cách

Ái kỷ có thể được xem là một đặc điểm tính cách. Theo Wink (1991), có thể chia ái kỷ thành hai loại là ái kỷ công khai (overt narcissism) và ái kỷ khép kín (covert narcissism). Ái kỷ công khai được đặc trưng bởi sự thể hiện thái quá, cho rằng mình quan trọng, tự mãn và khao khát được chú ý (Wink, 1991). Trong khi đó, ái kỷ khép kín lại cực kỳ nhạy cảm với những chỉ trích, thiếu tự tin và thường tách mình khỏi xã hội; tuy nhiên, họ cũng có cảm giác tự mãn giống như ái kỷ công khai (Wink, 1991).

Danh mục nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Inventory – NPI) được đề xuất lần đầu tiên bởi Raskin & Hall (1979), vốn khởi nguồn từ định nghĩa của rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD) trong DSM-III (APA, 1980), dùng để đo lường các đặc điểm ái kỷ công khai không theo lâm sàng, sau này Raskin & Terry (1980) đã đề xuất phiên bản được cải tiến hơn. Danh mục này gồm các cặp câu nhận định khác nhau liên quan đến quyền lực, cảm nhận về khả năng cũng như tầm quan trọng, đặc quyền của chính mình, và xu hướng thể hiện bản thân. Người làm bài kiểm tra này cần chọn nhận định họ cảm thấy phù hợp với bản thân nhất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những khuyết điểm của NPI bởi nó không thực sự xác định được các đặc điểm ái kỷ. Nghiên cứu của Ackerman, Witt, Donnellan, Trzesniewski, Robins, & Kashy (2010) đã đề xuất rằng NPI không thể hiện rõ những đặc điểm thích nghi phù hợp (adaptive) hoặc không thích nghi phù hợp (maladaptive) trong ái kỷ.

Bên cạnh NPI, Thước đo ái kỷ nhạy cảm cực độ (Hypersensitive Narcissism Scale – HSNS), được đề xuất bởi Hendin & Cheek (1997), lại đo lường các đặc điểm ái kỷ khép kín. Arble (2008) đã kết luận rằng HSNS là một bài kiểm tra tương đối hiệu quả, tuy nhiên cần có cách diễn dịch những nhận định tinh vi hơn để xác định các đặc điểm chính xác, tránh nhầm lẫn sai lệch với đặc điểm khác.

Ái kỷ như một rối loạn tâm thần

Theo DSM-5 (APA, 2013), rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder – NPD) là một chuỗi các hành vi hay ảo tưởng về sự vĩ đại, khao khát được kính trọng, đối xử đặc biệt và thiếu hụt sự thấu cảm.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn nhân cách ái kỷ theo DSM-5 (APA, 2013):

1. Tự mãn về tầm quan trọng của bản thân.

2. Ảo tưởng không ngừng về thành công, sức mạnh, sự vĩ đại, sắc đẹp hay tình yêu lý tưởng.

3. Tin rằng bản thân “đặc biệt” và độc nhất và chỉ có thể được thấu hiểu bởi, hay chỉ nên kết giao với những người (hoặc tổ chức) đặc biệt hay có địa vị cao khác.

4. Cần sự nể trọng một cách vô độ.

5. Kỳ vọng vô lý về việc được đối xử đặc biệt hay được thỏa mãn ngay lập tức những mong muốn của bản thân.

6. Lợi dụng người khác để có lợi cho bản thân.

7. Thường ghen tị với người khác hoặc nghĩ rằng người khác ganh ghét với mình.

8. Có hành vi hay thái độ tự cao, kiêu căng.

Các phương pháp trị liệu tâm thần cho NPD được dựa trên các lý thuyết về phân tâm học/tâm động học và nhận thức hành vi (cognitive-behavioural).

Ái kỷ như một giai đoạn phát triển

Freud (1914) cho rằng ái kỷ là một giai đoạn phát triển bình thường ở trẻ em bởi khi sinh ra, chúng ta không có cái tôi (ego). Cái tôi được hình thành và xây dựng trong quá trình lớn lên. Tuy nhiên, ái kỷ trở thành một rối loạn khi nó vẫn tồn tại sau giai đoạn dậy thì. (Freud, 1914).

Mô hình phổ ái kỷ của Krizan & Herlache (2017)

Mô hình phổ ái kỷ của Krizan & Herlache (2017) đã chỉ ra (a) các mức độ nghiêm trọng khác nhau và biểu hiện khác nhau, (b) có sự giao thoa các đặc điểm ái kỷ với nhau đặc trưng ở từng cá nhân, và (c) các biểu hiện khác nhau được gây ra bởi nhiều quá trình phát triển khác nhau. (Krizan & Herlache, 2017). Như vậy, có thể thấy, không thể phân chia ái kỷ một cách rạch ròi thành ái kỷ công khai và ái kỷ khép kín mà cần có cái nhìn rộng mở hơn để nhìn nhận hiện tượng này một cách chính xác.

Nguồn gốc của ái kỷ

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của ái kỷ. Kohut (1971) cho rằng khi một đứa trẻ không nhận được sự yêu thương của cha mẹ đầy đủ, sẽ buộc phải tự tạo dựng một hình ảnh vĩ đại để bảo vệ bản thân. Đây được gọi là “mô hình thiếu hụt” (deficit model). Kernberg (1984) lại quan tâm đến những xung đột trong nguồn gốc của ái kỷ hơn. Kernberg (1984) cho rằng trong môi trường bị bỏ mặc hay gia đình mâu thuẫn quá nhiều, đứa trẻ sẽ giận dữ và ghen tị với người khác bởi chúng không thể tự tạo ra những điều tốt đẹp, từ đó hình thành cảm giác mình đặc biệt. Đây được gọi là “mô hình xung đột” (conflict model), và những đứa trẻ này thường ít cảm nhận nỗi buồn hay cảm giác cắn rứt. Nghiên cứu của Brummelman, Thomaes, Nelemans, Orobio de Castro, Overbeek, & Bushman (2015) lại chỉ ra rằng việc phụ huynh quá đề cao con cái thì đứa trẻ sẽ học theo, phản chiếu lại các hành vi đó của cha mẹ và dẫn đến biểu hiện ái kỷ.

Tổng kết

Hiện tại, định nghĩa ái kỷ phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là sự tự mãn bản thân, cho rằng bản thân đặc biệt, yêu cầu được nể trọng, và xem thường cũng như lợi dụng người khác. Tuy đã có nhiều nghiên cứu về ái kỷ nhưng các nghiên cứu này vẫn chưa thực sự phổ quát bởi các đối tượng được lựa chọn nghiên cứu còn hạn chế. Bên cạnh đó, các khái niệm cũng như lý thuyết được đặt ra vẫn còn thiếu chính xác và chưa thể hiện rõ bản chất của ái kỷ. Đây là một hiện tượng cần được nghiên cứu và kiểm chứng kỹ càng hơn.

Nguồn tham khảo: https://bit.ly/39mteUL

Người thực hiện: Nguyễn Hạnh Trân

Người edit: Đinh Võ Phương Thanh

Người design ảnh: Đặng Lê Thiên Tứ

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…