Câu hỏi lớn về ngôi nhà Chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong

Thông tin mới nhất cho thấy, Chủ tịch huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm tử vong trong tư thế treo cổ với nguyên nhân sơ bộ là do chết ngạt và chưa có dấu hiệu bất thường.

Tuy nhiên, dư luận còn nhiều băn khoăn về lý do ông Nguyễn Hồng Lâm gửi xe ở đường Trần Duy Hưng trước khi mất tích. Từ Trần Duy Hưng đến ngõ 279 phố Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai là đoạn đường khá dài. Nếu đúng ngôi nhà ở phố Hoàng Mai là của ông Nguyễn Hồng Lâm thì có cần gửi xe ở xa như vậy hay còn những uẩn khúc gì? Tại sao ông Nguyễn Hồng Lâm không di chuyển đến gần phố Hoàng Mai, gửi xe ở đó mà lại gửi xe ở xa như vậy?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm cho rằng, để tìm ra sự thật khách quan, người ta có thể đưa ra rất nhiều giả định với nhiều tình huống khác nhau. Điều này sẽ làm cho quá trình điều tra nhanh hơn, có kết quả chính xác hơn.

Dư luận chưa thỏa mãn với nguyên nhân ban đầu cũng là dễ hiểu. Ngôi nhà ở ngõ 279 phố Hoàng Mai cần được quan tâm để sáng tỏ nhiều vấn đề đằng sau nó. Nhà của ai phải phụ thuộc vào giấy tờ, người đứng tên ngôi nhà đó. Nếu giả dụ con trai đứng tên thì sẽ có cơ sở lần theo những dấu vết bất thường.

Xã hội - Câu hỏi lớn về ngôi nhà Chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai tử vong trong tư thế treo cổ tại ngôi nhà ở phố Hoàng Mai, Hà Nội.

“Tôi cho rằng, việc xác định rõ về ngôi nhà ở ngõ 279 Hoàng Mai có gì liên quan đến ông Nguyễn Hồng Lâm rất quan trọng. Qua xác định ngôi nhà ở phố Hoàng Mai có thể giải đáp nhiều băn khoăn của dư luận. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai treo cổ là tự tử hay là có tác động từ bên ngoài trước khi chết? Nếu tự tử thì là do yếu tố tâm lý hay nguyên nhân xã hội? Thậm chí, sẽ có cả giả định về ngôi nhà đó lấy nguồn tiền ở đâu?”, vị luật sư nói.

Luật sư Phạm Văn Phất cũng cho rằng, băn khoăn của dư luận về ngôi nhà ở ngõ 279 Hoàng Mai là có cơ sở. Xác định rõ về ngôi nhà ít nhiều sẽ có tác dụng cho việc đi tìm đến cùng sự thật.

“Ví dụ, ngôi nhà này do ai mua, được mua cho ai, ai đứng tên? Từ đó, có thể lộ thêm những nguyên nhân về cái chết của Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai. Cái chết có thể do bức xúc, bất lực về công việc hay yếu tố tình cảm, xã hội? Kết luận ban đầu chưa thỏa mãn mối quan tâm của dư luận, bởi chết ngạt không nhất thiết là do tự tử, thì dư luận băn khoăn là bình thường. Còn nếu bị người khác treo cổ thì phải có giằng co, xộc xệch? Chết rồi mới treo cổ hay treo cổ xong mới chết?

Thông báo về kết luận ban đầu, nguyên nhân sơ bộ là như vậy, nhưng tôi nghĩ cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra để làm rõ về nguyên nhân Chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong”, ông Phất đưa ra phân tích.

Cũng theo vị luật sư, cần làm rõ vì sao ông Nguyễn Hồng Lâm lại gửi xe ô tô xa như vậy? Vì sao Chủ tịch huyện Quốc Oai lại có được chìa khóa để vào nhà? Ai đứng tên, ai ký, mua ngôi nhà và mua ở thời điểm nào? Tại sao ông Nguyễn Hồng Lâm lại có mặt ở thời điểm đó? Dây treo cổ là do ông tự mang đến hay có sẵn? Là nhà của gia đình ông Nguyễn Hồng Lâm thì vì sao phải đến 8 ngày sau, khi cơ quan công an vào cuộc điều tra mới phát hiện được? Tại sao không phải là gia đình phát hiện?

“Khi người thân vắng mặt một ngày ở nhà là gia đình đã phải tìm đến các mối quan hệ thân quen để hỏi. Vì sao lại bỏ qua chính ngôi nhà mới mua – nếu giả sử ngôi nhà ở phố Hoàng Mai là của gia đình ông Nguyễn Hồng Lâm, như vậy?”, vị luật sư đặt câu hỏi và hy vọng rằng, các băn khoăn, thắc mắc của dư luận về ngôi nhà ở phố Hoàng Mai – nơi phát hiện Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm treo cổ tự tử sẽ được tiếp tục làm sáng tỏ.

Còn về ý kiến của dư luận cho rằng, ông Nguyễn Hồng Lâm chịu một sức ép từ bên ngoài dẫn đến hành động treo cổ, vị luật sư nêu quan điểm cá nhân và cho rằng, “ép cho người khác chết không phải việc dễ dàng, hơn nữa lại là vị Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm”.

P.Thu