Câu 6 Khái niệm dân tộc và cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin

Câu 6 Khái niệm dân tộc và cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin?

6.1 Khái niệm dân tộc
– Dân tộc là sản phẩm của một quá trình lâu dài của xã hội loài người. Trước khi xuất hiện, loài người trải qua những hình thức cộng đồng từ thấp đến cao: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc.
– Cho đến nay, khái niệm dân tộc được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có hai nghĩa được dùng phổ biến nhất:
+ Một là, dân tộc chỉ một cộng đồng người có mỗi liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa đặc thù, xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc. Với nghĩa này, dân tộc là một bộ phận của quốc gia – quốc gia nhiều dân tộc.
+ Hai là, dân tộc chỉ cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ, quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung và có ý thức về sự thống nhất quốc gia của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung suốt quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước. Với nghĩa này, dân tộc là toàn bộ nhân dân của quốc gia đó – quốc gia dân tộc.
6.1.1 Nội dung cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin
– Căn cứ đề ra cương lĩnh dân tộc:
+ Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp.
+ Kinh nghiệm của việc giải quyết các vấn đề dân tộc ở nước Nga.
+ Hai xu hướng khách quan của sự phát triển dân tộc:
• Xu hướng thứ nhất: công đồng dân cư muốn tách ra để hình thành cộng đồng dân tộc độc lập.
• Xu hướng thứ hai: các dân tộc trong từng quốc gia, thậm chí các dân tộc ở nhiều quốc gia muốn liên hiệp lại với nhau.
– Nội dung cương lĩnh dân tộc:
Lênin đã khái quát Cương lĩnh dân tộc như sau: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc.”
– Một là, các dân tộc hoàn toàn bình đẳng:
+ Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc, không phân biệt dân tộc lớn hay nhỏ, ở trình độ phát triển cao hay thấp. Các dân tộc đều có nghĩa vị và quyền lợi ngang nhau trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, không dân tộc nào được giữ đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa.
+ Trong quan hệ xã hội cũng như trong quan hệ quốc tế, không một dân tộc nào có quyền đi áp bức, bóc lột dân tộc khác. Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc phải được thể hiện trên cơ sở pháp lý, nhưng quan trọng hơn nó phải được thực hiện trên thực tế.
+ Để thực hiện được quyền bình đẳng dân tộc, trước hết phải thủ tiêu tình trạng áp bức giai cấp, trên cơ sở đó xóa bỏ tình trạng áp bức dân tộc; phải đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc.
→ Ý nghĩa: Bình đẳng dân tộc là quyền thiêng liêng của dân tộc và là mục tiêu phấn đấu của các dân tộc trong sự nghiệp giải phóng. Nó là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các dân tộc.
– Hai là, các dân tộc được quyền tự quyết:
+ Đó là quyền các dân tộc tự quyết lấy vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự lựa chọn chế độ chính trị và con đường phát triển của dân tộc mình.
+ Quyền tự quyết dân tộc bao gồm quyền tách ra thành lập một quốc gia dân tộc độc lập, đồng thời có quyền tự nguyện liên hiệp với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.
+ Quyền tự quyết dân tộc không đồng nhất với “quyền” của các tộc người thiểu số trong một quốc gia đa tộc người, nhất là việc phân lập thành quốc gia độc lập. Kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của thế lực phản động, thù địch lợi dụng chiêu bài “dân tộc tự quyết” để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, hoặc kích động đòi lỳ khai các dân tộc.
→ Ý nghĩa: Quyền dân tộc tự quyết là một quyền cơ bản của dân tộc. Nó là cơ sở để xóa bỏ sự hiềm khích, thù hằn giữa các dân tộc, phát huy tiềm năng của các dân tộc vào sự phát triển chung của nhân loại.
– Ba là, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc:
+ Liên hiệp công nhân các dân tộc phản ánh sự thống nhất giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp; phản ánh sự gắn bó chặt chẽ giữa tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế chân chính.
+ Đoàn kết, liên hiệp công nhân các dân tộc là cơ sở vững chắc để đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động thuộc các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Vì vậy, nội dung này vừa là nội dung chủ yếu, vừa là giải pháp quan trọng để liên kết các nội dung của Cương lĩnh dân tộc thành một chính thể.
→ Ý nghĩa: Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc là nội dung cơ bản nhất trong cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin.
+ Phản ánh bản chất quốc tế của phong trào công nhân.
+ Phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
+ Đảm bảo cho phong trào giải phóng dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi.
+ Là điều kiện thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Do đó, là cơ sở để giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và giải phòng dân tộc bị áp bức.
+ Liên kết cả ba nội dung thành một chỉnh thể.