Câu 13: Phân tích các phương pháp giáo dục?
Câu 13: Phân tích các phương pháp giáo dục?
13.1.Thế nào là phương pháp giáo duc?
Phương pháp giáo dục là cách thức tác động của nhà giáo dục và tập thể học sinh đến người được giáo dục thông qua việc tổ chức một cách hợp lý về mặt sư phạm những hoạt động và giao lưu của học sinh nhằm hình thành ý thức, bồi dưỡng tình cảm, rèn luyện kỹ xảo và thói quen hành vi nhân cách của họ.
Phương pháp giáo dục có quan hệ với phương tiện giáo dục và hình thức tổ chức giáo dục. Phương tiện giáo dục bao gồm các loại hình hoạt động khác nhau của học sinh cũng như các vật thể và sản phẩm văn hoá vật chất và tinh thần được sử dụng trong quá trình giáo dục.
13.2. Hệ thống các phương pháp giáo dục:
+ Căn cứ vào đâu để thiết lập hệ thống phương pháp giáo dục?
Giáo dục làm biến đổi nhân cách khi mà nó có khả năng làm nảy sinh ở cá nhân những ý nghĩ, tình cảm, nhu cầu mới dẫn đến một hành vi nhất điịnh của cá nhân đó. Vì vậy, trong quá trình giáo dục phải sử dụng những phương pháp tác động tới ý thức, tình cảm và hành vi của người được giáo dục. Vì vậy có ba nhóm phương pháp giáo dục:
13.2.1.Nhóm thứ nhất: : Nhóm các phương pháp tổ chức hoạt động xã hội và hình thành kinh nghiệm ứng xử xã hội của học sinh. Nhóm này gồm:
* Phương pháp sư phạm. Đó là phương pháp nhà giáo dục đề ra những đòi hỏi, những yêu cầu về mặt sư phạm đối với học sinh.
+ Chức năng của phương pháp đòi hỏi sư phạm: Những đòi hỏi đó biểu hiện như là: Những chuẩn mực xã hội mà học sinh nhất thiết phải nắm vững, phải thực hiện và coi nó như là phương hướng, nội dung để tự giáo dục, tự rèn luyện. Đó cũng có thể là những quy định trong điều lệ nhà trường, điều lệ Đoàn, Đội, những quy định trong sinh hoạt xã hội… Những đòi hỏi đó như là những nhiệm vụ xã hội cụ thể mà học sinh phải hoàn thành trong quá trình hoạt động. Những đòi hỏi đó đóng vai trò là những kích thích hay kìm hãm mà khi tổ chức bất kỳ hoạt động nào cũng phải sử dụng tới. Đó là những chỉ thị, mệnh lệnh khi tiến hành công việc và khi kết thúc công việc. Khi chuyển sang công việc mới, khi điều chỉnh, sửa chữa hành động, khi đình chỉ hành động làm trở ngại cho người khác. Những đòi hỏi đó đóng vai trò như những biện pháp giúp học sinh hiểu ý nghĩa, ích lợi và cần thiết của công việc.
+ Hình thức đòi hỏi sư phạm: Có đòi hỏi trực tiếp và đòi hỏi gián tiếp.
Đòi hỏi trực tiếp thể hiện dưới dạng là những chỉ thị, mệnh lệnh mang tính chất là những chỉ dẫn tích cực và kiên quyết.
Đòi hỏi gián tiếp biểu hiện dưới dạng khuyên bảo, gợi ý. Nó chỉ có tác dụng mạnh mẽ khi học sinh đã có ý thức, động cơ, mục đích, niềm tin ở một trình độ nhất định.
Đòi hỏi sư phạm phải làm chuyển biến những đòi hỏi từ bên ngoài thành đòi hỏi bên trong của người được giáo dục.
* Phương pháp tạo dư luận xã hội: Phương pháp này là sự phản ánh những đòi hỏi của tập thể là tập trung sự đánh giá, sự phán đoán của tập thể, là phương tiện tác động giáo dục mạnh mẽ của tập thể đối với cá nhân, là hoạt động sư phạm phức tạp và lâu dài của nhà giáo dục trong quá trình tổ chức tập thể.
Sức mạnh của dư luận tập thể phụ thuộc vào tính nguyên tắc, tính thuyết phục, tính công bằng của các phán đoán của tập thể, tính rõ ràng, tính sắc sảo của những ý kiến, tính cụ thể và được được điều tra của những quyết định của tập thể.
Để tạo được những dư luận lành mạnh giáo viên cần lôi cuốn học sinh tham gia vào những cuộc thảo luận tập thể về các sự kiện tiêu biểu trong đời sống của lớp, của trường, hướng dẫn họ đánh giá đúng đắn các sự kiện tiêu biểu trong đời sống của lớp, của trường. Nếu tập thể mà đa số học sinh tích cực tham gia các hoạt động tập thể, cùng nhau thể nghiệm những thành công chung, cũng có thái độ phê phán các thiếu xót đó, chứng tỏ tập thể đó đã hình thành được dư luận xã hội lành mạnh.
* Phương pháp tập thói quen: Tập thể có được thói quen ( tập thói quen) là tổ chức cho trẻ thực hiện một cách đều đặn và kế hoach các hành động nhất định nhằm biến các hành động đó thành thói quen ứng xử. Trong những điều kiện nhất định, thói quen có thể và cần phải trở thành thuộc tính bền vững hoặc phẩm chất của nhân cách. Nhờ thói quen mà ý nghĩ có thể trở thành niềm tin, và từ đó niềm tin trở thành hành động.
+ Vận dụng phương pháp giáo dục này đòi hỏi phải tuân theo một số yêu cầu sư phạm nhất định. Đó là:
– Tập cho trẻ có thói quen hành vi nào đó nhất thiết phải làm cho trẻ hình dung rõ nét hành vi đó dưới những quy tắc ngắn gọn.
– Hình thái ứng xử cần mềm dẻo, có tính khái quát nhất định để có thể giữ vững được khi hoàn cảnh thay đổi.
– Hình thái ứng xử cần tập để học sinh có thói quen phải được phân ra thành từng nhóm hành động để tập trung từng quãng thời gian nhất định.
– Cần chỉ cho học sinh thấy hình mẫu của hành vi ứng xử và hình thành cho họ lòng mong muốn thích tập luyện các hành vi đó. Lúc đầu cần làm chính xác sau đó mới làm nhanh.
– Cần kiểm tra việc thực hiện hành vi với thái độ thiện chí, thông cảm với những khó khăn của học sinh trong tập luyện, nhất là lúc đầu.
– Cần khuyến khích học sinh tự kiểm tra.
– Việc tập thói quen được tiến hành dưới các hình thức khác nhau, tuỳ theo lứa tuổi, hoàn cảnh sống và điều kiện giáo dục.
– Cần sử dụng chế độ sinh hoạt và hoạt động của học sinh là một phương tiện tập cho họ có được thói quen hành vi.
* Phương pháp rèn luyện: Nếu phương pháp tập thói quen chủ yếu giúp học sinh nắm bắt quá trình của hoạt động thì phuơng pháp rèn luyện làm cho hoạt động trở nên có ý nghĩa cấ nhân với học sinh. Nhiệm vụ cơ bản của rèn luyện là đảm bảo cho học sinh thu lượm được những kinh nghiệm thực tiễn và các quan hệ tập thể để hình thành những phẩm chất nhân cách.
Phương pháp rèn luyện tất nhiên phải dựa vào phương pháp tập thói quen. Song điều đó không có nghĩa là việc tập luyện có tính chất máy móc theo kiểu hành vi chủ nghĩa. Cái chủ yếu trong rèn luyện là rèn luyện động cơ, rèn luyện ý chí.
Cơ sở rèn luyện là hoàn cảnh sống mà nhà giáo dục tổ chức và đưa học sinh vào đó nhằm tạo điều kiện cho họ có cơ hội lựa chọn và thực hiện những hành động đúng, chuẩn mực và quy tắc ứng xử trong các tình huống khác nhau. Vì vậy, đời sống tập thể và hoạt động tập thể, đặc biệt là hoạt động lao động, công tác xã hội, thông qua việc giao nhiệm vụ, giao công việc, chế độ trách nhiệm là phương tiện thực hiện rèn luyện cho học sinh.
* Phương pháp giao công việc: Là cách thức lôi cuốn học sinh vào hoạt động đa dạng của tập thể, nhờ đó, họ thu lượm được những kinh nghiệm trong quan hệ đối xử giữa người với người thông qua việc thực hiện những nghĩa vụ xã hội.
Khi giao công việc cho học sinh, cũng như học sinh thực hiện công việc được giao, cần làm cho họ ý thức được ý nghĩa xã hội của công việc để có thái độ tích cực đối với công việc đó, cần giao các công việc phù hợp với xu hướng và hứng thú của học sinh, song không chỉ những công việc ham thích đó mà trước hết là những công việc cần làm. Việc giao công việc có thể có giáo viên hoặc tập thể học sinh mà giáo viên chỉ làm nhiệm vụ gợi ý tuỳ theo lứa tuổi và đặc điểm của từng người.
* Phương pháp tạo tình huống giáo dục: Là phương pháp mà nhà giáo dục phát hiện ra những tình huống trong đời sống và trong hoạt động tập thể của học sinh hoặc tự mình tạo ra những hoàn cảnh có khả năng gây cho học sinh những tâm trạng, tình cảm, động cơ và hành vo cần thiết để tiến hành giáo dục.
Về thực chất đó là những tình huống của sự lựa chọn tự do, ở trong tình huống đó, học sinh nhất thiết phải lựa chọn một giải pháp nhất định trong các giải pháp khác nhau.
Các tình huống giáo dục có thể được tạo ra trong bất cứ loại hình hoạt động nào của học sinh: Vui chơi, học tập, lao động, công tác xã hội, văn nghệ…
13.2.2.Nhóm thứ hai: Nhóm các phương pháp hình thành ý thức (khái niệm, phán đoán, niềm tin) cá nhân học sinh.
Nhóm phương pháp này bao gồm:
* Phương pháp đàm thoại: Phương pháp này thể hiện ở chỗ giáo viên và học sinh trò chuyện với nhau, trao đổi ý kiến với nhau về một câu chuyện, vấn đề nào đó nhằm giáo dục học sinh. Những câu chuyện đó thường có nội dung tư tưởng – đạo đức đa dạng và phong phú.
Nhiệm vụ cơ bản của đàm thoại là lôi cuốn học sinh vào phân tích và đánh giá các sự kiện, hành vi, hiện tượng trong đời sống xã hội, trong trường, trong lớp, trên cơ sở đó hình thành cho họ thái độ đúng đắn với hiện thực xung quanh, đối với trách nhiệm công dân, trách nhiệm đạo đức của họ. Chủ đề các vấn đề đàm thoại càng gần với những kinh nghiệm bản thân học sinh thì càng có sức thuyết phục.
Về việc tổ chức các buổi đàm thoại cần phải chuẩn bị chu đáo các câu chuyện để đàm thoại. Đề tài đàm thoại được thông báo trước để học sinh chuẩn bị trước. Cần làm cho họ thấy được tầm quan trọng của đề tài đối với cuộc sống của họ, chứ không phải điều giáo viên nghĩ ra để bắt họ trao đổi ý kiến. Mở đầu đàm thoại, giáo viên cung cấp cho họ tài liệu và đặt ra những câu hỏi để họ thảo luận. Sau đó, khuyến khích, thúc đẩy họ mạnh dạn và tự do trình bày những ý nghĩ, những luận cứ, kết luận của mình. Giáo viên cần ít nói song cần chia sẻ những băn khoăn, kinh ngạc, vui mừng, tức giận với học sinh khi họ phát biểu. Cuối giờ, giáo viên tổng kết, nêu rõ những quan điểm, giải pháp, kết luận đúng đắn và gợi hướng hành động của tập thể và cá nhân để cùng có kết quả cuộc đàm thoại.
Về hình thức đàm thoại: Có hai cách thức: Đàm thoại giữa giáo viên với tập thể học sinh và đàm thoại giữa giáo viên với một hoặc vài học sinh. Trong khi đàm thoại, giáo viên cần giữ đúng thái độ tôn trọng chân thành, thương yêu trong quan hệ thầy trò. Khi sử dụng phương pháp này cần chú ý tới đặc điểm lứa tuổi và cá nhân của học sinh.
* Phương pháp diễn giảng: Diễn giảng là trình bày một cách có hệ thống, mạch lạc, tương đối hoàn chỉnh bản chất của một vấn đề chính trị- xã hội, đạo đức, thẩm mỹ. Trung tâm lôgic của diễn giảng là sự khái quát lý luận về một lĩnh vực ý thức, khoa học. Các sự kiện cụ thể chỉ đóng vai trò minh hoạ hoặc là yếu tố xuất phát để tiến hành diễn giảng.
Để nâng cao hiệu quả tác động về mặt nhận thức, xúc cảm của phương pháp diễn giảng cần đảm bảo tính thuyết phục của các luận chứng, tính hệ thống chặt chẽ của cấu trúc nội dung, tính chân thực của tình cảm, thái độ của người diễn giảng, tính sống động của ngôn từ được dùng khi diễn giảng. Qua diễn giảng cần giúp họ đi sâu vào việc nhận thức bản chất của các vấn đề được đề cập tới.
* Phương pháp tranh luận: Đó là phương pháp hình thành cho học sinh những phán đoán, đánh giá và niềm tin dựa trên sự va chạm các ý kiến, các quan điểm khác nhau. Nhờ đó nâng cao được tính khái quát, tính vững vàng và tính mềm dẻo của các tri thức thu nhận được. Tranh luận không yêu cầu phải đi đến giải pháp cuối cùng, những kết luận dứt khoát. Tranh luận giúp cho học sinh những cơ hội phân tích các khái niệm về các lý do bảo vệ các quan điểm, niềm tin và thuyết phục những người khác tin vào những quan điểm đó.
Trong khi tranh luận học sinh không chỉ phát biểu những ý kiến của mình mà còn phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu trong những phán đoán của người khác. Tìm và chọn các luận chứng để bác bỏ những sai lầm và khẳng định những chân lý. Tranh luận đòi hỏi những người tham gia phải dũng cảm từ bỏ những quan điểm không đúng và chấp nhận những quan điểm đúng đắn. Những vấn đề đưa ra tranh luận phải có ý nghĩa thiết yếu đối với cuộc sống của học sinh, phải thực sự làm cho họ băn khoăn suy nghĩ, xúc động và do đó thúc đẩy họ tham gia trao đổi ý kiến.
Giáo viên cũng như học sinh phải chuẩn bị chu đáo cho cuộc tranh luận. Các vấn đề tranh luận cần phân công cho học sinh chuẩn bị trước. Trong khi tranh luận cần phải đảm bảo tự do tư tưởng, giáo viên không nên can thiệp thô bạo, vội vã phê phán những quan điểm sai của học sinh, bắt họ chấp nhận những quan điểm của mình. Trái lại, cần phải tế nhị, chân thành, trầm tĩnh, biết hài hước nhưng không xúc phạm đến nhân phẩm của họ.
* Phương pháp nêu gương: Đó là phương pháp nêu lên những gương điển hình, những mẫu mực cụ thể, sống động để học sinh bắt chước, làm theo những tấm gương đó.
Điều đó phù hợp với tâm lý của trẻ là tính hay bắt chước. Song bắt chước không phải là sao chép một cách mù quáng, máy móc. Thông qua bắt chước họ vẫn có những hành động mới mẻ, đúng đắn, phù hợp với phương hướng chung của lý tưởng, vừa có hoạt động độc đáo, gần gũi với những tư tưởng chủ đạo của tấm gương mà trẻ bắt chước.
+ Hoạt động bắt chước của trẻ thường:
– Từ bắt chước các mẫu mực gần gũi đến bắt chước các mẫu mực xa.
– Từ chỗ bắt chước một cách vô ý thức đến chỗ bắt chước một cách chủ động.
– Từ chỗ sao chép toàn bộ hình tượng hành vi ứng xử đến chỗ chỉ mượn một số nét riêng rẽ.
– Từ chỗ bắt chước trong trò chơi đến chỗ bắt chước trong cuộc sống.
– Từ chỗ bắt chước vỏ bề ngoài (dáng điệu, cử chỉ) đến bắt chước những phẩm chất bên trong của nhân cách.
Tính chất bắt chước tuỳ theo lứa tuổi, sự mở rộng kinh nghiệm và trình độ phát triển về trí tuệ và đạo đức của họ.
Có thể phân biệt ba giai đoạn của cơ chế bắt chước: Ở giai đoạn đầu hành động cụ thể của người khác làm nảy sinh ở học sinh hình ảnh chủ quan về hành động đó và lòng ham muốn hành động như thế. Ở giai đoạn thứ hai, mối liên hệ tấm gương cần bắt chước với những hành động kế tiếp mới được thiết lập. Ở giai đoạn ba, các hành động bắt chước và các hành động độc lập mới tổng hợp lại được nhờ ảnh hưởng tích cực của các tình huống nảy sinh trong cuộc sống và các tình huống giáo dục tạo ra.
Những tấm gương mà học sinh thường bắt chước là những tấm gương thường ở xung quanh họ, ở nhà, ở trường. Đó là những tấm gương của những người thân trong gia đình, bạn bè, đặc biệt là của giáo viên, những nhân vật tích cực trong lịch sử, trong văn học, những anh hùng chiến đấu, trong sản xuất, những danh nhân văn hoá và khoa học.
13.2.3. Nhóm các phương pháp kích thích hoạt động và điều chỉnh ứng xử của học sinh:
Nhóm này bao gồm các phương pháp sau:
* Phương pháp thi đua: Với tư cách là phương pháp giáo dục, thi đua là phương thức kích thích khuynh hướng tự khẳng định ở mỗi học sinh, thúc đẩy họ đua tài, gắng sức, hăng hái vươn lên hàng đầu, lôi cuốn người khác cùng tiến lên giành cho được những thành tích cá nhân và tập thể cao nhất.
Để phương pháp này đạt hiệu quả cao cần tổ chức tốt việc thi đua với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và thiết thực, động viên tất cả học sinh hăng hái tham gia phong trào thi đua với động cơ đúng đắn, sáng tạo nhiều hình thức mới mẻ, hấp dẫn, so sánh công khai những kết quả đạt được trong thi đua, tiến hành sơ tổng kết, thi đua đều đặn, biểu dương, khen thưởng công bằng và thích đáng các cá nhân và tập thể đạt thành tích cao hoặc nhiều nỗ lực trong thi đua.
* Phương pháp khen thưởng : Đó là phương pháp biểu thị sự đánh giá tích cực của xã hội đối với hành vi ứng xử và hoạt động của từng học sinh hoặc của tập thể học sinh được khen. Học sinh qua đó cảm thấy hài lòng, phấn khởi, có thêm nghị lực, tự tin vào sức lực của mình và có mong muốn tiếp tục thực hiện hành vi đó.
Không nên cho rằng việc biểu dương, khen thưởng bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào cũng có ích. Ý nghĩa giáo dục của khen thưởng càng lớn, nếu khi khen thưởng không chỉ đánh giá kết quả mà cả động cơ và phương thức hoạt động. Cần tạo cho học sinh biết quý trọng bản thân sự việc được khen chứ không chỉ coi trọng giá trị của lời khen và vật được thưởng. Cần chú ý khen những học sinh nhút nhát và thiếu tự tin. Cần đặc biệt chú ý đảm bảo tính khách quan, sự công minh khi khen thưởng. Cần luôn nhớ rằng khen thưởng là để người được khen thưởng cố gắng hơn nữa.
* Phương pháp trách phạt: Đó là phương thức biểu thị sự không tán thành, lên án, phủ định của giáo viên, của tập thể, của xã hội đối với hành vi của cá nhân, của tập thể học sinh trái với những chuẩn mực ứng xử xã hội để buộc cá nhân hay tập thể đó từ bỏ những hành vi có hại cho xã hội và bản thân, và điều chỉnh sự ứng xử theo chuẩn mực đã định.
Hình thức trách phạt trong nhà trường của chúng ta là: Nhận xét của giáo viên; Phê bình vào sổ liên lạc; Gọi lên hội đồng của giáo viên để khuyên bảo, phê bình; Cảnh cáo thông báo trong toàn trường; chuyển sang lớp khác cùng khối, đuổi ra khỏi trường, gửi tới các trường cải tạo trẻ hư.
Cách vận dụng phương pháp trách phạt: Mục đích của trách phạt là giúp nguời làm điều sai trái sửa chữa lỗi lầm nên phải giúp họ hiểu rõ hành vi sai trái ở chỗ nào, gây tác hại gì cho người khác và cho bản thân, và cần phải hành động như thế nào. Trách phạt công minh, có thiện ý, tôn trọng nhân cách không được gây đau đớn về thể xác, sỉ nhục nhân cách người phạm tội. Song đôi khi cũng phải áp dụng những biện pháp để người có lỗi chịu “hậu quả tự nhiên” do việc làm sai trái của mình.
Những yêu cầu chung về mặt sư phạm đối với phương pháp khen thưởng và trách phạt:
– Khen thưởng và trách phạt là những phương pháp trực tiếp đụng chạm mạnh mẽ đến nhân cách người được giáo dục. Bởi vậy nhà giáo dục cần nhớ rằng không phải khen hay chê, thưởng hay phạt một nhân cách mà là khen hay chê, thưởng hay phạt những hành động đúng hay sai, tốt hay xấu mà thôi.
– Khen thưởng hay trách phạt phải cơ động hay cá biệt, chú ý đến hoàn cảnh nảy sinh hành vi, đặc điểm lứa tuổi và cá nhân của học sinh.
– Sức mạnh giáo dục của khen thưởng và trách phạt phụ thuộc vào chỗ ai khen, ai phạt, giáo viên có uy tín nhiều hay ít, hiệu trưởng, đoàn thể xã hội, hội đồng sư phạm… Sức mạnh của dư luận xã hội ở trong khen chê là rất lớn.
– Khen thưởng và trách phạt, cũng như mọi kích thích, phải được sử dụng có chừng mực về tần số cũng như về cường độ, không thể áp dụng mãi cho một số người cùng một hình thức, vì như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng “thích nghi” hoặc “chai sạn”.
– Khen thưởng và trách phạt có thể sử dụng cho từng cá nhân cũng như cho cả tập thể.Nếu việc khen thưởng cả tập thể thường có nhiều tác dụng tích cực, thì việc trách phạt cả tập thể đôi khi cũng dẫn đến những hậu quả không hay ( bao che, dung túng cho nhau, đồng tình với những điều sai trái…).
– Khen thưởng và trách phạt trong nhà trường chúng ta là biểu thị của những đòi hỏi đối với con người và sự tôn trọng con người. Do đó cần khen thưởng những cố gắng nỗ lực của người đó, và trong trách phạt, phải loại bỏ mọi phương pháp, phương tiện, thái độ hạ thấp nhân phẩm con người.
Kim Hoàng – SP Lý – KTCN k37 – CĐSP Nha Trang