Card mạng và những điều cần biết

Muốn nối mạng với nhau bằng cáp, hoặc kết nối Internet bằng đường truyền ADSL, các máy tính phải được trang bị một card mạng hay còn gọi ethernet card hay NIC (network interface card). Card mạng cũng cần phải có driver để PC nhận diện được thiết bị. Mỗi card mạng sẽ chứa một địa chỉ duy nhất là địa chỉ MAC – Media Access Control (địa chỉ card mạng, địa chỉ vật lý).

MAC để làm gì?

Vì địa chỉ MAC là duy nhất cho mỗi máy, nên khi máy A gởi thông điệp cho máy B, máy A sẽ dùng địa chỉ MAC của máy B. Máy B khi nhận thông điệp này sẽ so sánh địa chỉ MAC đó xem có trùng với địa chỉ MAC của mình không, nếu trùng thì nhận, không thì bỏ qua. Đây là cách truyền dữ liệu giữa các máy trong mạng ethernet (Chuẩn thông dụng nhất của mạng LAN)

Máy A muốn biết địa chỉ MAC của máy B thì máy A sẽ phải hỏi để có thể bắt đầu truyên dữ liệu. Ví dụ A có IP là 192.168.0.1 và có MAC address là 00.FF.FF.FF.00.00.03, A gởi thông điệp đến tất cả các máy, yêu cầu máy nào có IP là 192.168.0.2 chẳng hạn thì trả lời, máy B nhận thấy IP trùng với mình, máy B trả lại cho máy A biết MAC của mình và lưu địa chỉ MAC của máy A. Giờ thì 2 máy đã biết địa chỉ MAC lẫn nhau. Đương nhiên việc phân giải qua lại giữa IP và địa chỉ MAC phải thông qua một số giao thức nào đó hẳn hoi, ví dụ: ARP (chuyển IP sang MAC adrress), RARP (ngược lại).

Nhiệm vụ của card mạng

– Chuyển đổi các tín hiệu máy tính ra các tín hiệu trên phương tiện truyền dẫn và ngược lại (chuyển đổi dữ liệu song song sang dữ liệu tuần tự và ngược lại). Dễ hiểu hơn, dữ liệu trên dây dẫn sẽ được chuyển về dạng dữ liệu máy tính sử dụng thông qua card mạng.

– Gửi / nhận và kiểm soát luồng dữ liệu được truyền. Điều này là dĩ nhiên vì mọi luồng dữ liệu từ bên ngoài vào PC hay ngược lại đều qua card mạng.

Lắp ráp card mạng

Card mạng được chia làm 2 loại:

– Card onboard (tích hợp thẳng vào mainboard).

– Card rời, thường được gắn bổ sung vào máy tính thông qua cổng PCI, USB. Card có kết nối thông qua cổng USB nhỏ gọn, dễ cắm và dùng ngay, tuy nhiên nó  có giá cao hơn nhiều, thích hợp với máy xách tay hơn, cho nên card PCI vẫn là lựa chọn số một cho người dùng PC.

Giá card mạng hiện nay rất rẻ, với các loại có xuất xứ từ TQ thường dưới 100 ngàn đồng. Nếu sử dụng card onboard bạn không cần phải làm gì thêm ngoài việc cài dirver như đề cập dưới đây. Với card rời, bạn phải mở thùng máy và gắn card mạng vào cổng PCI trên máy tính. Có rất nhiều cổng PCI và có thể gắn tùy ý cổng nào sao cho thông thoáng máy là tốt nhất. Đảm bảo phải cắm sát, bắt vít cẩn thận để tránh trường hợp bắn tia lửa điện do hở khe cắm (cho dù là rất nhỏ nhưng cũng rất nguy hiểm). Một kết nối lỏng lẻo với cổng PCI sẽ làm card mạng hoạt động chập chờn hoặc không hoạt động.

Mặc định khi cài đặt Windows XP, driver sẽ được cài tự động cho hệ thống của bạn, và ngay cả khi bạn sử dụng một card rời thì Windows XP cũng tự động nhận diện và cài đúng driver cho thiết bị mà không cần người dùng phải cài đặt thêm driver như Windows 9x trở về trước. Tuy nhiên vì lý do nào đó hoặc Windows không có sẵn driver cho card mạng, bạn hãy tiến hành cài driver như sau:

Đối với card onboard, bạn chỉ cần đưa đĩa driver của mainboard vào CD-ROM, trình autorun sẽ tự động chạy, bạn chọn mục LAN Driver, trình setup sẽ bắt đầu.

Đối với card rời, nhấp chuột phải vào My Computer, chọn Manage, click mục Device Manager. Nếu tên card mạng của bạn có dấu chấm hỏi thì hãy nhấp phải và chọn Update driver, Browse đến đĩa driver. Nếu đĩa driver có trình autorun xuất hiện thì bạn có thể click nút Install Driver dễ dàng hơn nhiều.

Sau khi cài đầy đủ driver cho PC, để biết card đã hoạt động chưa, vào Start > Runcmd. Giao diện DOS xuất hiện, bạn gõ lệnh Ping 127.0.0.1. Nếu thấy xuất hiện reply 4 lần xem như công việc hoàn hảo. Hãy kết nối dây mạng và bắt đều lướt web.

Sự cố card mạng

Bất ngờ một hôm bạn không kết nối Internet được, bạn nghĩ có thể do đường truyền hoặc rớt mạng, nhưng sau đó vẫn không thấy kết nối được, lúc này bạn có thể nghĩ đến vấn đề xuất phát từ card mạng onboard, hãy thay thế bằng một card rời.

Sau khi lắp card mạng mới, bạn đã có thể lướt web nhưng máy tính rất hay không ổn định như hay bị treo giữa chừng, hiện màn hình xanh. Nếu thử cài đặt lại Windows thì sau bước Scan phần cứng, máy không cho cài tiếp tục mà lại hiện màn hình xanh. Nguyên nhân rất có thể card onboard bị hư làm ảnh hưởng đến mainboard, hoặc xung đột giữa card rời mới gắn và card onboard. Cách tốt nhất bạn nên disable card onboard một khi nó bị hư hoặc không cần dùng bằng cách như sau:

Restart máy và gõ phím Delete nhiều lần cho đến khi màn hình BIOS xuất hiện, tìm đến mục quản lý các thiết bị onboard trên mainboard và disable Ethernet card, NIC, Network Card (tùy loại mainboard), khởi động lại máy, hiện tượng sẽ được giải quyết.

Việc cài driver cho Windows nhận diện card mạng chỉ là một phần vấn đề, bước kế tiếp bạn sẽ cài đặt bộ giao thức TCP/IP để cho máy tính một địa chỉ IP, nói cách khác là đặt tên cho PC của bạn. Các dữ liệu và thông tin được nhận về hay gửi đi qua Internet đều dựa trên địa chỉ IP của bạn và người nhận.