Cao điểm thu hoạch hồ tiêu: Bỏ thì thương, vương thì tội | Thị trường | Vietnam+ (VietnamPlus)
Nông dân thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Ngay từ mùng 4 Tết, nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải hối hả ra vườn hái tiêu bởi thời điểm này đang là vụ thu hoạch nhưng người trồng lại tiếp tục một năm rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội.”
Mặc dù giá tiêu tuy nhích hơn vụ niên vụ 2019-2020 nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Hồ tiêu vào mùa thu hoạch, bỏ thì thương mà vương thì tội. Việc tìm kiếm nhân công hái tiêu cũng gặp nhiều khó khăn, tiền công cao khiến nhiều nhà vườn trong cảnh tiêu chín đỏ trên cây, rụng đen đầy gốc và thua lỗ nặng.
[Biến động thị trường nông sản tuần qua: Giá tiêu tiếp tục giảm mạnh]
Vụ tiêu năm nay tại Bà Rịa-Vũng Tàu hầu hết các vườn đều thất thu, trái chỉ lác đác trên cây; trong khi đó, giá lại rớt xuống thấp, nhân công khó kiếm nên nhiều nông dân muốn bỏ vườn.
Gia đình ông Phạm Văn Phương, ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức còn 4 sào đất trồng tiêu (trước đây là 1,2ha), bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 1.
Nghỉ Tết Nguyên đán xong, ngay từ mùng 4 Tết, gia đình ông đã hối hả ra vườn thu hoạch.
Năm nay, tiền thuê nhân công khá cao từ 240.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, mức giá này cũng khiến ông Phương phải đôn đáo tìm kiếm mãi mới thuê được 4 nhân công tại địa phương để thu hoạch.
Ra Tết, nhiều lao động chọn làm thuê ở thành phố hoặc những nơi có thu nhập cao hơn nên nhân công khan hiếm. Hiện vườn tiêu của ông Phương đã chín đỏ rực trên cây, nhiều cây chín quá đã rụng đầy gốc, khiến gia đình vừa phải hái và đi nhặt từng hạt dưới gốc.
Do không thu hoạch kịp, hiện vườn tiêu của ông đã thất thoát khoảng 10-15%. Không thuê đủ người, ông phải chạy đua với thời gian, bởi nếu hết tháng này không thu hoạch xong thì cả vườn tiêu sẽ chín và rụng hết.
Lúc đó, không chỉ sản lượng thất thoát lớn mà thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian khi phải đi nhặt từng hạt tiêu, cây tiêu cũng sẽ bị kiệt sức và năm sau khó đạt năng suất.
Năm nay, sản lượng vườn tiêu của ông chỉ đạt khoảng 1,5 tấn (vụ tiêu năm trước đạt 2 tấn/4 sào).
Theo ông Phương, giá tiêu xuống thấp khiến ông giảm chi phí đầu tư gần một nửa so với lúc giá cao nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây dẫn đến sản lượng giảm.
Tương tự, vườn tiêu của ông Võ Công Tường, ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức cũng giảm 50% sản lượng so với vụ năm ngoái.
Với 8 sào tiêu, năm ngoái ông thu về 4 tấn thì năm nay ước đạt chỉ khoảng 2 tấn. Năm nay tìm kiếm khắp nơi từ trước Tết nhưng ông cũng chỉ thuê được 4 nhân công hái tiêu.
Tuy nhiên, do giá tiêu liên tục rớt nên không còn tiền để đầu tư, chăm bón, cộng với thời tiết không thuận… đã khiến tiêu đậu trái không nhiều, năng suất giảm mạnh.
Giá nhân công thuê hái tiêu lên đến 220.000-250.000 đồng/người/ngày; trong khi đó, tiêu có giá 50.000-52.000 đồng/kg thì ông phải mất khoảng 5kg tiêu khô mới trả được tiền công cho 1 công hái/1 ngày.
Mặc dù giá xuống thấp, nhân công cao nhưng ông Tường không đành lòng bỏ vườn không hái. Sau vụ tiêu này, ông cho biết không lại đồng nào mà còn lỗ nặng, nhưng chặt bỏ vườn tiêu thì cũng chẳng biết chọn cây gì để canh tác.
Hiện nhà ông Tường đã có 4 sào trồng các loại cây ăn trái và sợ khi chuyển nốt diện tích còn lại sang loại cây khác theo phong trào thì sẽ có lúc lại thừa cung, thiếu cầu.
Không riêng gì thủ phủ tiêu Châu Đức gặp khó, các vườn tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc năm nay cũng rơi vào cảnh tương tự, năng suất thất thu, giá bán thấp, khó thuê nhân công, giá thuê nhân công cao…
Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vụ này họ chỉ lấy công làm lãi. Ngay cả hộ trồng tiêu nào đạt chất lượng tốt cũng khó mà hòa vốn.
Mặc dù vậy, nông dân vẫn bắt buộc phải thu hoạch, bởi nếu không sẽ khiến chất lượng bị cạn kiệt, năm sau không thể ra trái.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết hiện diện tích trồng hồ tiêu đang khoảng 11.000ha, giảm gần 2.000ha so với năm 2019.
Vụ tiêu năm nay, năng suất hầu hết các vườn đều giảm trên 50% so với năm 2020. Một phần, do vài năm trở lại đây, các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến năng suất tiêu không cao.
Từ khi tiêu rớt giá, các hộ không chăm sóc, đầu tư cũng dẫn đến tăng số lượng cây tiêu bị chết. Cùng đó, người trồng còn phá bỏ và thay thế loại cây khác như mít, sầu riêng, bơ…
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt chuyển qua loại cây trồng khác để tránh tình trạng được mùa mất giá, hoặc hết thời hoàng kim lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội” như cây tiêu hiện nay./.