Cảnh quan tự nhiên và kiến trúc cảnh quan – Tạp chí Kiến Trúc
Nhiệm vụ chính của kiến trúc cảnh quan (KTCQ) là góp phần tạo lập môi trường cảnh quan, môi trường sống phù hợp cho con người, định hướng sử dụng tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên hợp lý và bảo tồn cảnh quan hoặc khôi phục lại cảnh quan tự nhiên đã bị tàn phá, biến đổi theo chiều hướng tiêu cực trong quá trình con người tác động vào cảnh quan tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình.
Trong khuôn khổ bài báo, người viết trình bày một số tìm hiểu cá nhân về thuật ngữ cảnh quan tự nhiên và mối quan hệ giữa cảnh quan tự nhiên với KTCQ.
Thuật ngữ “Cảnh quan tự nhiên” không bắt nguồn từ ngành kiến trúc cảnh quan (ra đời cuối thế kỉ 19) mà lâu đời hơn, lần đầu tiên được sử dụng gắn liền với nghệ thuật hội họa phong cảnh và nghệ thuật làm vườn thế kỷ 17, 18 tại Châu Âu, nhằm nhấn mạnh sự tương phản và đối lập giữa phong cách nghệ thuật chuẩn mực và phong cách nghệ thuật tự nhiên hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn.
Nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh được biết đến như một thể loại hội họa độc lập của phương Tây chỉ xuất hiện từ thời kỳ Phục hưng đã dần dần định hình thuật ngữ “Cảnh quan tự nhiên” trong nghệ thuật. Tranh phong cảnh đặt cảnh quan tự nhiên trong bối cảnh nghệ thuật, thường mô tả các ngọn núi, thung lũng, vùng nước, cánh đồng, rừng và bờ biển,..
Còn trong nghệ thuật làm vườn, tiền thân của ngành KTCQ, thuật ngữ “Cảnh quan tự nhiên” dần được nhận thức và gắn liền với sự hình thành của phong cách vườn Anh thời kỳ cuối Phục Hưng sau đó lan rộng ra khắp châu Âu. Sang thế kỷ 18, những kiểu cách vườn hình học trang trọng, cứng nhắc đã bị phá bỏ vì không còn phù hợp với một nước Anh trong bối cảnh đang thay đổi theo hướng đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật, khám phá chinh phục tự nhiên và sự thay đổi thị hiếu và lý thuyết thẩm mỹ của tầng lớp quý tộc tư sản, giai cấp mới hình thành có vai trò quan trọng kiến tạo một xã hội Anh kiểu mới. Điều đó đòi hỏi sự hình thành một phong cách vườn Anh mới “tự nhiên” hơn và không bị gò bó bởi các chuẩn mực cứng nhắc trong thiết kế sân vườn cổ điển. “Cảnh quan” vườn Anh thời kỳ này được tạo ra như một lăng kính mà qua đó, người ta có thể thấy được phong cảnh thiên nhiên.
“Cảnh quan tự nhiên” là những thuật ngữ thường được hiểu gắn liến vời các kiến thức của ngành Địa lý học. Cụm từ “Cảnh quan thiên nhiên” được tìm thấy chính thống lần đầu trong bài báo “The Morphology of Landscape” (Hình thái học của cảnh quan) được xuất bản năm 1925 của nhà địa lý học người Mỹ Carl O. Sauer (1889 – 1975).
Nhà địa lý học Otto Schlüter (1872 – 1959) đã đưa ra định nghĩa cho hai dạng cảnh quan: Urlandschaft (cảnh quan nguyên thủy) hoặc cảnh quan tồn tại trước khi những thay đổi lớn do con người gây ra và Kulturlandschaft (cảnh quan văn hóa) là cảnh quan do văn hóa con người tạo ra.
Căn cứ vào cảnh quan tồn tại một cách tự nhiên hay khôi phục lại cảnh quan một cách tự nhiên, nên phân loại thành hai dạng cảnh quan tự nhiên là cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan phục hồi tự nhiên.
Cảnh quan thiên nhiên
“Cảnh quan thiên nhiên” là cảnh quan nguyên thủy tồn tại trước khi nó bị tác động bởi văn hóa con người, được tạo thành từ các thành phần tự nhiên gồm địa chất, địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật. Đây là các thành phần của môi trường tự nhiên, do đó cảnh quan thiên nhiên được coi là một phần của môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ hay “nguyên thủy” gần như không còn tồn tại. Nếu có, chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở các vùng đất có điều kiện khắc nghiệt nhất trên trái đất, nơi con người không thể hoặc khó có thể tiếp cận như vùng đáy biển sâu nhất, một số khu vực nhỏ ở Bắc cực và Nam cực, một số khu vực trên đỉnh núi Himalaya (Tuyết Sơn),…
Cảnh quan phục hồi tự nhiên
“Cảnh quan phục hồi tự nhiên’’ được hiểu là cảnh quan đã có sự tác động ít hoặc nhiều bởi con người và văn hóa của con người, tuy nhiên khi không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi con người, cảnh quan đó có thể trở lại trạng thái tự nhiên hoặc gần tự nhiên dưới cơ chế phục hồi tự nhiên của các yếu tố địa chất, thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh học, và các yếu tố khác …
Con người là một phần của đa dạng sinh học, nhưng hoạt động của con người ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, và điều này làm thay đổi cảnh quan tự nhiên. Con người đã biến thiên nhiên thành cảnh quan văn hóa trong một thời gian dài đến mức ít nơi trên Trái Đất vẫn còn nguyên sơ. Vì vậy, việc nhìn nhận cảnh quan tự nhiên phải là cảnh quan thiên nhiên nguyên thủy không còn phù hợp mà cần xác định cảnh quan tự nhiên phải bao gồm cả những cảnh quan phục hồi tự nhiên.
Điều này xuất phát từ sự thay đổi nhận thức của con người về khái niệm “tự nhiên”. Ngay bản thân trong Từ điển New Oxford American Dictionary cũng đang gây tranh cãi khi định nghĩa “Nature’’ – “Tự nhiên’’ là “Các hiện tượng của thế giới vật chất gọi chung, bao gồm thực vật, động vật, cảnh quan, và các đặc điểm và sản phẩm khác của Trái Đất, trái ngược với con người hoặc các sáng tạo của con người’’.
Tuy nhiên, quan điểm của khoa học hiện đại lại đang hướng tới cái nhìn toàn diện về tự nhiên, theo đó không tách rời con người khỏi thiên nhiên, nhìn nhận tác động của con người cũng là một dạng tác động tự nhiên giống như tai biến thiên nhiên và sau khi không còn hoặc khi hạn chế tối đa các tác động đó thì thiên nhiên sẽ tự động phục hồi lại cảnh quan theo cách thức và cơ chế tự nhiên nhất.
William Cronon (1954-), nhà sử học môi trường người Mỹ, trong các tác phẩm của mình nhận định: “…Ý tưởng về vùng đất hoang sơ là một điều viển vông, bởi vì tất cả thiên nhiên đều liên kết với nhau…” và khẳng định rằng “… Sự hoang dã có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu, “ngay cả” trong các vết nứt của vỉa hè Manhattan…” và chúng ta phải “…từ bỏ thuyết nhị nguyên coi cây trong khu vườn là nhân tạo và cây trong hoang dã là tự nhiên. Theo một nghĩa nào đó, cả hai đều là hoang dã…”.
Sự can thiệp có chủ đích của con người là một tác nhân quan trọng đẩy mạnh quá trình hình thành cảnh quan tự nhiên phục hồi bằng cách kiểm soát và hạn chế các tác động tiêu cực của con người và can thiệp thúc đẩy chủ động quá trình phục hồi của tự nhiên. Sông băng ở biên giới giữa Alaska, Mỹ và Canada: Kluane-Wrangell-St. Elias, Hệ thống công viên Vịnh Elias-Glacier-Tatshenshini-Alsek, vùng hoang dã Yukon và Alaska…là những dẫn chứng cao nhất của cảnh quan tự nhiên đã phục hồi lại nhờ nỗ lực của con người trong việc gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên.
Cảnh quan tự nhiên và kiến trúc cảnh quan
Văn hóa phương Tây đề cao sức mạnh thống trị của con người, sự khát khao tìm hiểu bản chất của thế giới và chinh phục tự nhiên phục vụ con người. Các khu vườn hình học, sản phẩm của nghệ thuật sân vườn là ví dụ tiêu biểu cho xu hướng gò ép, uốn nắn tự nhiên vào khuôn khổ, vì vậy cây cối, địa hình, các yếu tố mặt nước cũng phải bị gò ép theo hình học, trật tự và thẩm mĩ của xã hội. Ngành kiến trúc cảnh quan sau đó được hình thành bắt đầu từ nhu cầu chuyên môn hóa xây dựng, phát triển các đô thị của các quốc gia Châu Mĩ đặc biệt là tại Mỹ. Tuy nhiên, KTCQ vẫn khó thoát khỏi cái khuôn khổ cứng nhắc của nghệ thuật làm vườn châu Âu và tư tưởng chinh phục tự nhiên của phương Tây.
Mãi đến sau đó, nhu cầu khôi phục lại tự nhiên và cảnh quan ở Bắc Mỹ và Châu Âu vốn bị tàn phá nặng nề bởi quá trình công nghiệp hóa vô tội vạ trước đó và sự xuất hiện của các trường phái kiến trúc hữu cơ, kiến trúc sinh thái… mới dần đem đến một xu hướng mới trong thiết kế kiến trúc nói chung và KTCQ nói riêng, chú trọng cảnh quan tự nhiên và các yếu tố thiên nhiên hơn.
Các chương trình khôi phục, nâng cao chất lượng cảnh quan tự nhiên và kế hoạch lập các khu bảo tồn tự nhiên để bảo vệ hệ sinh thái như: Các dự án quy hoạch hành lang chim ở các nước châu Âu; hành lang động vật hoang dã ở Milwaukee; hành lang hươu nai ở Canada; chương trình khôi phục và bảo tồn vùng hoang dã Yukon và Alaska; khu bảo tồn thiên nhiên Bướm chúa ở bang Michiacan (Mexico), … đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của ngành sinh thái cảnh quan thế giới từ nửa cuối thế kỉ 20 đã cung cấp cho kiến trúc cảnh quan một công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ quan trọng khác là quy hoạch, khôi phục và bảo tồn cảnh quan tự nhiên dành cho thế hệ mai sau.
Còn trường phái kiến trúc hữu cơ lại đưa kiến trúc phương tây đi theo một hướng đi mới với mục đích xoay quanh việc giải quyết mối liên hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên. KTS. F. L. Wright cho rằng hữu cơ là bản chất cấu thành vật chất của tự nhiên và kiến trúc phải học tập thiên nhiên, đề cao tính tự nguyện, nguyên thủy, tính địa phương và sự đa dạng hóa không ngừng. Do vậy, kiến trúc hiện đại cần phải hài hòa với thiên nhiên, nghiên cứu sâu sắc điều kiện tự nhiên và gắn kết tự nhiên với thế giới nội tâm, tình cảm của con người. Các quan điểm hữu cơ này là nền tảng và nguồn cảm hứng quan trọng cho KTCQ để phát triển các phong cách cảnh quan hiện đại sau này như: Vườn nhiệt đới (tropical garden), vườn hoang dã (wild garden), … nhằm giúp người sử dụng tiếp cận tối đa tới cảnh quan tự nhiên, giải tỏa tâm hồn để hòa nhập với thiên nhiên.
Còn ở phương Đông, con người sớm có nhận thức về thiên nhiên và mối liên hệ của con người, xã hội với thế giới tự nhiên, thể hiện qua học thuyết “Thiên nhân hợp nhất”. Nó chỉ ra mối quan hệ tam giác: Thiên nhiên – con người – xã hội (ở đây được biểu hiện dưới hình thức kiến trúc hay đô thị, vẫn được coi là cái bình chứa xã hội loài người), như vậy cũng thống nhất với quan điểm KTCQ hiện đại. Vì vậy, trong nghệ thuật cảnh quan sân vườn của phương Đông luôn thể hiện sự hài hòa, đề cao hòa hợp với cảnh quan tự nhiên, thuận theo các quy luật vận động của tự nhiên, thể hiện rõ sự hiểu biết sâu sắc về nguyên lý âm – dương, ngũ hành và vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên lý này để hướng tới việc tổ chức một môi trường sống hài hòa với cảnh quan tự nhiên.
Trong nguyên lý âm dương chú trọng hai nguyên tắc: Âm dương luôn gắn bó và chuyển hóa cho nhau, trong âm có dương trong dương có âm và cực âm sẽ chuyển dương cực dương sẽ chuyển âm. Còn trong ngũ hành chú trọng vấn đề tương sinh và tương khắc giữa các hành. Người Việt Nam nhận thức mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, bao hàm cả con người đều có thể quy về và không nằm ngoài các quy luật âm – dương, ngũ hành. Theo đó một môi trường sống hài hòa phù hợp cho con người phải là một môi trường cân bằng được âm dương, ngũ hành trong cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo, hay còn gọi là Triết lí sống quân bình. Để đạt được sự cân bằng đó cần có hai thái độ ứng xử với môi trường tự nhiên: Thuận theo (hòa hợp, thống nhất) và khắc chế, chuyển đổi (chinh phục, cải tạo).
Ths. Nguyễn Hoàng Linh
Giảng viên Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch
ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)
Tham khảo:
1. http://www.wikipedia.com
2. Tobey, George B. (1973), A history of landscape architecture: the relationship of people to environment, American Elsevier Pub. Co.