Cảnh giác với thủ đoạn hack Zalo, Facebook vay mượn tiền
(Baonghean.vn) – Hack Zalo để nhờ chuyển khoản, vay tiền; chuyển nhầm tiền để rồi đòi tiền lãi “cắt cổ”; gạ người dân kiếm tiền tại nhà… là thủ đoạn của những kẻ lừa đảo nhắm vào những người nhẹ dạ cả tin.
Đủ các chiêu lừa
Trong tâm trạng bức xúc, chị P.T.D, một nhân viên y tế ở TP.Vinh cho biết, chiều 5/10, chị nhận được thông tin có người mạo danh tài khoản Zalo của chị để hỏi vay tiền bạn bè với cách thức hết sức tinh vi.
Theo chị D. đối tượng này đã lập một tài khoản zalo có tên của chị, dùng ảnh chị làm ảnh đại diện. Kẻ lừa đảo bằng một cách nào đó đã có được gói dữ liệu là danh sách số điện thoại trong danh bạ. Sau đó, kết bạn với các số điện thoại trong danh sách trên. Tiếp đó, đối tượng gửi những tin nhắn nói chuyện và hỏi vay tiền…
Chị D. cho biết, chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ đã có 2 người chuyển, với số tiền 5,5 triệu đồng. “Khi thấy có vẻ bất thường, vì trước nay tôi chưa nhắn tin vay tiền như thế bao giờ, mọi người mới gọi điện trực tiếp cho tôi. Lúc này kiểm tra lịch sử tin nhắn trong Zalo tôi mới tá hỏa, từ chính Zalo của tôi, đối tượng đã nhắn tin nhờ chuyển khoản, vay tiền của gần chục người” – chị D cho biết. Theo chị D, “cũng may được bạn bè gọi thông báo, để kịp thời báo ngân hàng phong tỏa tài khoản, chứ nếu không còn nhiều người mất tiền oan cho bọn lừa đảo”.
Tinh vi hơn, đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng cố tình chuyển nhầm tiền để đẩy chủ tài khoản vào đường dây vay lãi nặng. Đó là trường hợp chị N.T.T (trú tại Nghi Xuân, Nghi Lộc).
Chị T. cho biết, mới đây sau buổi trưa ngủ dậy chi bất ngờ nhận được 20 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng cùng với một nội dung đính kèm khó hiểu. Đang phân vân chưa biết ai chuyển và không biết nên xử lý thế nào với khoản tiền này, thì đến gần cuối giờ chiều cùng ngày, một tài khoản Zalo lạ kết bạn với chị và nói rằng công ty tài chính đã giải ngân cho chị một khoản vay.
Ngớ người vì thông báo trên và nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo vì bản thân không thực hiện bất cứ thủ tục vay mượn nào, chị T. đã hỏi người nhà làm bên ngân hàng và tiến hành làm các thủ tục tra soát.
Đáng nói, trong bối cảnh dịch Covid-19, nắm bắt tâm lý chung của nhiều người là muốn tìm được việc làm để có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống, các đối tượng lừa đảo việc làm trực tuyến đã tung ra đủ các chiêu. Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo còn đánh vào đúng nhu cầu của các bạn trẻ, là những học sinh, sinh viên đang nghỉ học vì dịch có nhu cầu tìm việc làm thêm như: xem video, đọc, soát lỗi chính tả, hoặc viết review sản phẩm… – những công việc nhẹ nhàng, kiếm tiền nhanh mà nhiều em đã trở thành nạn nhân.
Em Đ.Q.T, một sinh viên ở TP. Vinh cho biết: Qua lời giới thiệu chỉ cần xem video và đọc báo soát lỗi chính tả, mỗi ngày khoảng 2 tiếng có thể nhận về cả chục triệu đồng hàng tháng. Thấy công việc nhàn hạ, lại có nguồn thu lớn, T. nhanh chóng đồng ý tham gia.
Để bắt đầu làm việc, T. được yêu cầu đóng khoản tiền 250.000 đồng để mua một khóa học hướng dẫn các bước. Sau đó, người quản lý nhóm cung cấp đường link truy cập kèm theo một mã mời, dựa vào mã này để giới thiệu cho người khác và nhận về hoa hồng. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng, thu nhập cũng chỉ được hơn 100.000 đồng, nhưng không thể đổi ra tiền mặt hay thẻ cào điện thoại như lời hứa tuyển dụng ban đầu. Mỗi lần vào xem, thấy điểm tăng dần, nên tiếp tục xem. Nhưng về sau không rút được tiền, mới biết mình bị lừa.
Tự nâng cao cảnh giác
Bộ Công an dự báo, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội… tình hình tội phạm, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Cụ thể, trường hợp hack tài khoản Zalo hay lập tài khoản giả mạo bằng cách lấy hình ảnh nạn nhân, lập nick, kết bạn đã xuất hiện lâu nay.
Các trường hợp có thể xảy ra, đó là: kẻ gian có thể đã lấy được nick của nạn nhân hoặc giả lập tài khoản zalo của nạn nhân trước đó; đối tượng lừa đảo đã kiểm soát được một tài khoản cloud nào đó của nạn nhân; đối tượng đã cài đặt được một ứng dụng/app nào đó lên điện thoại của nạn nhân; tài khoản giả mạo chính là người quen của nạn nhân và đang tham gia một nhóm nào đó cùng nạn nhân và có tất cả danh bạ chung trong nhóm.
Trước thực trạng trên, để tránh bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi nhận được đề nghị vay mượn qua tin nhắn, cuộc gọi qua Zalo, Facebook, cần gọi lại bằng cuộc gọi thông thường để xác thực. Đồng thời, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet… cho bất kỳ người lạ nào gọi đến.
Về thủ đoạn chuyển tiền nhầm, theo một điều tra viên phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, khi chủ tài khoản nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm”, trước tiên không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, đồng thời đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh, cũng có thể liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước. Đặc biệt, không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng…
Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, các hoạt động tuyển dụng việc làm online không tránh khỏi những thông tin ảo, khó thẩm định về vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động. Bởi vậy, trước thông tin đăng tuyển việc làm trên mạng, người lao động cần tìm hiểu thật kỹ công việc trước khi tham gia để tránh bị lừa mất tiền, mất thời gian.
Có thể thấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống ngày càng khó khăn, eo hẹp. Từ đây, đã xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo, bằng nhiều hình thức như hack Zalo để nhờ chuyển khoản, vay tiền; chuyển nhầm tiền để rồi đòi tiền lãi “cắt cổ”; gạ người dân kiếm tiền tại nhà… để nhắm vào những người nhẹ dạ cả tin.
Bởi vậy, theo Thượng tá Trần Đức Thân – Trưởng Phòng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An), cùng với những khuyến cáo từ cơ quan chức năng, người dân cần hết sức nêu cao cảnh giác, nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý./.