Cảnh giác dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng xã hội dịp Tết

Bát nháo trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội, người dùng dễ dàng tìm được hàng loạt hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới với số lượng thành viên đông đảo. Không chỉ liên tục đăng tải bài viết giới thiệu dịch vụ đổi tiền, các bình luận liên quan cũng nhộn nhịp không kém.

Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng.

Các hội nhóm đổi tiền lẻ, đổi tiền mới trong dịp Tết có hàng nghìn thành viên trên mạng xã hội.
Các hội nhóm đổi tiền lẻ, đổi tiền mới trong dịp Tết có hàng nghìn thành viên trên mạng xã hội.

 

Để cạnh tranh, mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền cũng dao động linh hoạt tùy vào từng thời điểm. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3-6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10-14%.

Khảo sát trên chợ mạng, nhiều shop đổi tiền online quảng cáo tất cả tiền lẻ mệnh giá nhỏ đến tiền mệnh giá lớn nguyên seri đều luôn sẵn hàng. Tiền có mệnh giá nhỏ từ 1.000-10.000 đồng có phí đổi từ 10 – 15%, còn lại phí đồng giá từ khoảng 6 – 8%. Thậm chí, một số chủ shop online còn “phá giá” để mức phí đổi chỉ có 3-5% cho các mệnh giá nhưng yêu cầu khách phải đặt cọc, chuyển khoản trước 10% giá trị tiền đổi và nhận hàng qua một bên thứ ba. Và khi nhận đủ hàng thì giao nốt số tiền còn lại.

Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới nhộn nhịp cận Tết, mức phí lên tới 15%.
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới nhộn nhịp cận Tết, mức phí lên tới 15%.

 

Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ này càng được chiết khấu “phải chăng”. Nhìn chung, mức phí chênh lệch cho dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới rất hỗn loạn và bát nháo.

Để thu hút khách hàng, hầu hết các chủ shop đều quảng cáo như: Tiền thật 100%, tiền nguyên cọc, nguyên seri, nói không với tiền lướt, giao hàng nhanh, đổi càng sớm phí càng rẻ. Không chỉ các website, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới trên Facebook, Zalo… cũng xuất hiện với cả nghìn thành viên. Một quy tắc “bất di bất dịch” được đặt ra là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm.

Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo

Đáng nói, hành vi đổi tiền đã được cảnh báo là trái pháp luật với những quy định cụ thể. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, năm nào tình trạng này cũng nở rộ vào dịp cuối năm, công khai trên các trang xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN (Quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông) của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư chỉ rõ, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước.

Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.

Việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40.000.000 đồng đến 80.000.0000 đồng.

Thực tế, các hành vi đổi tiền không đúng quy định đã có chế tài xử lý từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn của người dân, các hành vi này vẫn diễn ra và chưa thể ngăn chặn được.

Việc đổi tiền lẻ trên mạng như vậy mang tính rủi ro rất cao. Nhiều đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân thực hiện việc đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.

Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại. Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng. Chính vì vậy, để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân dịp Tết khi có nhu cầu nên đến các ngân hàng để thực hiện đổi tiền.

Cách nhận biết tiền giả, tiền thật

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để phân biệt tiền giả và tiền thật có thể sử dụng các phương pháp sau đây:

Soi tờ bạc trước nguồn sáng; Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi); Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).

Một đặc điểm khác cần lưu ý là chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc.

Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sách tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.

Theo Phương Cúc/congthuong.vn