“Cánh cửa” để người không học sư phạm vẫn có thể làm giáo viên
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành cùng lúc hai Thông tư về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng làm giáo viên, mở ra cánh cửa cho người không học sư phạm trở thành nhà giáo.
Không học sư phạm có làm giáo viên được không?
Khoản b Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên như sau:
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy theo quy định trên, người không học sư phạm vẫn có thể được làm giáo viên. Để trở thành giáo viên, người chưa có bằng cử nhân sư phạm bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ, đồng thời có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp.
Không học sư phạm có làm giáo viên được không? (Ảnh minh họa)
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên tiểu học
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học được ban hành kèm Thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT.
Theo đó, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm sẽ là căn cứ để các cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học theo quy định.
Mục II chương trình này quy định, đối tượng được tham gia bồi dưỡng là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ.
Nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên tiểu học theo mục IV sẽ gồm 35 tín chỉ, trong đó:
– Phần bắt buộc là 31 tín chỉ, bao gồm:
+ Khối kiến thức chung với các học phần: Sinh lý học trẻ em; Tâm lý học giáo dục, giáo dục học, giao tiếp sư phạm; Quản lý hành vi của học sinh; Quản lý nhà nước về giáo dục.
+ Khối kiến thức chuyên ngành với các học phần: Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình môn học; Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; Phương pháp dạy học: (chọn 01 trong các phương pháp dạy học: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ); Đánh giá học sinh; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và dạy học.
+ Thực tập sư phạm: Thực tập sư phạm 1 và thực tập sư phạm 2.
– Phần tự chọn là 04 tín chỉ, chọn 02 học phần trong 07 học phần: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn; Xây dựng môi trường giáo dục; Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; Thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học; Phối hợp với gia đình và cộng đồng; Công tác chủ nhiệm lớp và công tác Đội; Tổ chức hoạt động trải nghiệm.
Học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng, có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt điểm từ 05 điểm trở lên. Bảng điểm đính kèm chứng chỉ ghi rõ, đầy đủ tên học phần, điểm số mà học viên đã hoàn thành.
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên THCS, THPT
Tương tự như quy định đối với cấp tiểu học, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm sẽ là căn cứ để các cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT).
Theo mục IV chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên THCS, THPT ban hành kèm Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT, chương trình học sẽ gồm 17 tín chỉ khối học phần chung và 17 tín chỉ khối học phần nhánh THCS hoặc nhánh THPT. Cụ thể:
– Khối học phần chung có:
+ 15 tín chỉ bắt buộc với các học phần: Tâm lý học giáo dục; Giáo dục học; Lý luận dạy học; Đánh giá trong giáo dục; Quản lý nhà nước về giáo dục; Giao tiếp sư phạm; Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
+ 2 tín chỉ là 1 trong các học phần: Hoạt động giáo dục ở trường phổ thông; Kỷ luật tích cực; Quản lý lớp học; Kỹ thuật dạy học tích cực; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học…
– Học phần nhánh: 17 tín chỉ học phần theo nhành THCS hoặc nhánh THPT sẽ được chia thành các học phần lựa chọn theo môn học; học phần thực hành, thực tập bắt buộc và học phần lựa chọn.
– Học viên được cấp chứng chỉ bồi dưỡng khi tham gia học tập đầy đủ các học phần quy định trong chương trình bồi dưỡng, có tất cả các bài kiểm tra học phần đạt điểm từ 05 (năm) điểm trở lên. Bảng điểm đính kèm chứng chỉ ghi rõ, đầy đủ tên học phần, điểm số mà học viên đã hoàn thành.
+ Khi hoàn thành khối học chung và học phần nhánh THCS thì người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng THCS;
+ Khi hoàn thành khối học chung và học phần nhánh THPT thì người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng THPT;
+ Trường hợp hoàn thành cả hai học phần nhánh thì người học được cấp hai chứng chỉ riêng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm chung đối với giáo viên THCS, THPT.
Trên đây là các quy định về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo viên.Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học là gì? Đánh giá thế nào?
>> Giá trị của chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên
>> Xem thêm các chính sách mới về giáo dục tại đây.