Cảnh báo đa cấp kiểu Ponzi, “Robot AI”

Cảnh báo đa cấp kiểu Ponzi, “Robot AI”

Thời gian gần đây, nhiều người dân bị lôi kéo vào các mô hình đầu tư tài chính đa cấp. Lợi dụng môi trường mạng, các hình thức đầu tư biến tướng này ngày càng phát tán nhanh. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa qua đã có nhiều cảnh báo về mô hình này và những dấu hiệu nhận biết để khuyến cáo người dân.

Cảnh báo đa cấp kiểu Ponzi, “Robot AI”

Giao diện website Snowai.net đang bị cảnh báo lôi kéo người tham gia kinh doanh đa cấp trái phép.

Điển hình với mô hình Ponzi, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Trong mô hình Ponzi, nhà đầu tư được chào mời tham gia các dự án đầu tư với lãi suất hấp dẫn, tỷ lệ hoàn vốn cao. Tuy nhiên, tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư, sinh ra lợi nhuận để trả lãi thì được dùng để trả cho nhà đầu tư trước đó và bản chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào. Để kêu gọi nhiều người tham gia mô hình, các cá nhân đứng đầu các đường dây này thường yêu cầu, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục. Mô hình sẽ sụp đổ khi một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới.

Nhằm tăng độ hấp dẫn, những người tổ chức mô hình Ponzi thường sử dụng những dự án liên quan đến các sản phẩm công nghệ mới để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc các đồng tiền ảo như Bitcoin được chấp nhận sử dụng tại một số quốc gia như một loại tiền, được giao dịch trên các sàn giao dịch trực tuyến hoặc được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ… đang tạo cơ hội cho những đối tượng lừa đảo sử dụng mô hình Ponzi để thu hút các nhà đầu tư vào các loại tiền ảo tương tự, chưa được công nhận trên thị trường.

Được biết, khái niệm Ponzi là một mô hình kinh doanh được đặt theo tên một người Mỹ gốc Italia, có tên gọi Charles Ponzi từ đầu thế kỷ XX. Đặc điểm nổi bật của mô hình Ponzi là việc hứa hẹn lãi suất đầu tư rất lớn, gấp nhiều lần lãi suất thông thường do các tổ chức tín dụng áp dụng. Do vậy, bản chất mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác. Người đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao và giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, người đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn. Vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất tính đến nay do Berni Madoff, một trùm kinh doanh tài chính Phố Wall cầm đầu với số lượng nạn nhân đến từ nhiều quốc gia khác nhau, với số tiền thiệt hại lên tới 65 tỷ USD.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mô hình Ponzi được nhận diện qua một số dấu hiệu, như: Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỷ lệ cố định… Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến nghị các nhà đầu tư theo mô hình này thường rất khó rút vốn. Bởi để hạn chế người tham gia rút vốn khi đến hạn, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mời chào các gói đầu tư tiếp theo với lãi suất cao hơn nên nhà đầu tư cần cẩn trọng.

Bên cạnh đó, từ các thông tin thu thập được về việc các đối tượng mời gọi người dân đầu tư tiền để thuê “Robot AI” được giới thiệu là có khả năng “tự kiếm tiền” cũng như hình thức góp vốn đầu tư kiểu Ponzi, Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã cảnh báo người dân không tham gia, nhằm tránh thiệt hại về tài chính và pháp lý.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian gần đây, đã ghi nhận các thông tin trên mạng internet về một số tổ chức, cá nhân mời gọi người dân đầu tư vào “Robot trí tuệ nhân tạo” – “Robot AI” thông qua các website, ứng dụng như Snowai (snowaiapp.com; snowai.cc; snowai.net…); inb.network (ai.marketing; aimarketing.link)…

Các đối tượng giới thiệu “Robot AI” sẽ “tự thực hiện” các tiếp thị liên kết (affiliate marketing) trên môi trường internet để quảng bá sản phẩm hay giao dịch trên một số sàn tiền ảo, tiền điện tử. Tùy theo gói đầu tư để thuê loại “Robot AI”, nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều loại hoa hồng từ việc phát sinh các đơn hàng hay giao dịch tiền ảo. Trong đó, bao gồm cả phần hoa hồng từ khoản đầu tư của những người vào sau theo phương thức đa cấp.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận định: Mô hình hoạt động này có dấu hiệu của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đa cấp. Nhà đầu tư còn có nguy cơ thiệt hại về tài chính khi thành quả đầu tư không được bảo đảm vì phải nộp tiền thật khi tham gia. Trong khi đó, kết quả đầu tư ghi nhận trên hệ thống (thường ở dạng điểm số, coin, tiền ảo, ví điện tử…) không được đăng ký hay công nhận bởi cơ quan Nhà nước. Do các hoạt động đầu tư và các loại “tiền” ở dạng kỹ thuật số này không được pháp luật Việt Nam công nhận nên nhà đầu tư cũng sẽ không được bảo vệ khi gặp rủi ro về pháp lý.

Bài và ảnh: Tùng Lâm