Cảnh báo các hành vi trục lợi từ việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội

Người dân cần cảnh giác với những thông tin mua bán sổ BHXH trên mạng xã hội

Lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa mua sổ BHXH

Những ngày qua, nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) đã công khai đăng thông tin chào mời mua lại, cầm cố sổ BHXH của người lao động. Các tài khoản này còn cung cấp cả số điện thoại, tên người giao dịch cho người có nhu cầu liên hệ.

Hầu hết các đối tượng đều lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để kêu gọi người lao động bán, cầm cố sổ BHXH để giải quyết khó khăn trước mắt. Lợi dụng tâm lý ngại tới cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần trong khi cần tiền ngay của người lao động, các đối tượng mua lại sổ BHXH của người bán với giá thấp, sau đó dùng sổ BHXH này và giấy ủy quyền để nhận tiền trợ cấp một lần từ cơ quan BHXH. Số tiền người bán sổ nhận được sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lĩnh từ cơ quan BHXH.

Thậm chí, có trường hợp các đối tượng còn lập trang Facebook giả danh cơ quan BHXH để lừa công nhân bán sổ. Ngày 13/4/2020, Bộ Công an (A05) đã phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Bình Dương triệu tập 2 đối tượng Ngô Thị Thúy Kiều và chồng là Lê Quốc Việt (quê Bình Định), ngụ tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ hành vi mạo danh cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương, thu mua sổ BHXH của người lao động mất việc do dịch bệnh để trục lợi bất chính. Ngoài trang “BHXH tỉnh Bình Dương”, vợ chồng này còn lập hàng loạt tài khoản khác để giao dịch như: “Thu mua BHXH giá cao”, “Thu mua BHXH”… Cơ quan công an đã thu được hàng chục sổ BHXH của công nhân và nhiều tài liệu liên quan khác từ hai đối tượng này.

Những hành vi này hướng đến đối tượng là người lao động chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhằm mục đích thu lợi bất chính. Các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội này đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Cầm cố, mua bán sổ BHXH là trái với quy định của pháp luật

Sổ BHXH được coi là hồ sơ duy nhất làm căn cứ lập các thủ tục kê khai và xét hưởng các chế độ, chính sách, trợ cấp BHXH. Từ năm 2016, người lao động được quyền giữ sổ BHXH, giúp họ an tâm hơn khi nắm trong tay cơ sở chứng minh toàn bộ quá trình tham gia BHXH của bản thân. Việc mang sổ BHXH đi cầm cố, mua bán để lấy tiền tiêu là những hành động vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm bảo quản sổ BHXH của người lao động được quy định tại khoản 3, Điều 19, Luật BHXH. Theo quy định tại khoản 2, Điều 97, Luật BHXH, cơ quan BHXH không quy định cấp lại đối với trường hợp cầm cố, mua bán sổ BHXH.

Nếu cơ quan BHXH phát hiện người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, mua bán sau đó lại đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 39 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, sổ BHXH không phải là tài sản nên không có giá trị mua bán, cầm cố, trao đổi hay thế chấp. Việc người lao động chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội. Ngoài ra, khi có tranh chấp về pháp luật, người lao động sẽ chịu thiệt thòi.

Người lao động không nên nhận BHXH một lần

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng mua bán, cầm cố BHXH nêu trên là do các đối tượng lợi dụng việc một số lao động gặp khó khăn khi mất việc làm trong thời điểm dịch Covid-19, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống, do đó lựa chọn hưởng BHXH một lần. Theo BHXH tỉnh, tháng 2/2020, toàn tỉnh có 432 người giải quyết chế độ BHXH một lần, tăng 4,75 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đến tháng 3, con số này tiếp tục lên tới 677 người, tăng 10,4 lần (tăng 56,7%) so với cùng kỳ năm 2019. Số người đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần ngày càng tăng, số tiền bình quân mỗi người nhận được dao động ở mức 28 – 29,5 triệu đồng.

Người lao động nhận được một số tiền không lớn để giải quyết nhu cầu trước mắt nhưng về lâu dài lại mất đi rất nhiều quyền lợi. Bởi khi tham gia BHXH bắt buộc, họ phải đóng 22% mức tiền lương tháng tham gia BHXH, BHYT vào quỹ hưu trí, tử tuất, tổng mức đóng mỗi năm là 2,64 tháng lương. Trong khi theo quy định của Luật BHXH, mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng lương bình quân cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương bình quân cho những năm sau 2014.

Tham gia BHXH để được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi về già (Ảnh cán bộ Bưu điện thành phố Việt Trì chi trả lương hưu cho người dân tại nhà văn hóa khu 6B, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì)

Ngoài ra, nếu nhận BHXH một lần, khi tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hoặc số tiền lương hưu thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Như vậy, người lao động cần tỉnh táo, sáng suốt, hiểu rõ giá trị sổ BHXH đối với mỗi cá nhân; đồng thời phải hiểu rõ quy định về việc sử dụng BHXH.

Ông Nguyễn Đức Phong – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện tình trạng lừa đảo mua bán sổ BHXH, tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, BHXH tỉnh đang phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người lao động về ý nghĩa của sổ BHXH; những quy định của pháp luật liên quan đến chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh sẽ siết chặt quy trình chi trả BHXH, quản lý chặt chẽ sổ BHXH khi giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật để ngăn chặn các đối tượng trục lợi. Đồng thời cảnh báo người dân về những thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội và phối hợp với các cơ quan chứ năng phát hiện, xử lý nghiêm người mua gom sổ BHXH để trục lợi.

Khánh Trang