Cẩn trọng lựa chọn sách tham khảo

Cứ vào thời điểm nghỉ hè, ngoài sách giáo khoa (SGK), nhiều phụ huynh lại đôn đáo tìm mua các loại sách tham khảo, sách bài tập… cho con để bổ trợ kiến thức. Trong khi đó, thị trường các loại sách này rất tràn lan, thiếu kiểm soát.

Hoang mang giữa một “rừng” sách

Chị Hoàng Hạnh, có con năm nay vào lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết rất muốn đầu tư các loại sách cho con học và tham khảo. Song, các loại sách hiện nay quá nhiều và phụ huynh thật sự hoang mang, không biết nên chọn sách nào phù hợp cho con. “Con tôi chỉ mới sắp vào lớp 2 nhưng khi dẫn bé đi nhà sách, tôi đã thấy ít nhất có 5 bộ tham khảo, sách bài tập của nhiều NXB khác nhau” – chị băn khoăn.

Cẩn trọng lựa chọn sách tham khảo - Ảnh 1.

Phụ huynh chọn mua sách cho con tại một nhà sách.Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG

Các loại sách tham khảo được giới thiệu là biên soạn theo chương trình mới như: 500 bài toán trắc nghiệm lớp 2, bộ đề kiểm tra tiếng Việt, vui chơi với các con số toán lớp 2… “Tâm lý phụ huynh thường chọn nhầm còn hơn bỏ sót nên muốn mua hết về cho con dù rõ ràng không có thời gian tìm hiểu và thẩm định” – chị Hạnh cho biết.

Bối rối, không biết nên chọn sách nào an toàn, sách nào cần thiết là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh. Theo anh Lê Nam, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 6, giai đoạn con học tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 5, anh đều tìm mua thêm sách tham khảo, sách bài tập để bổ trợ kiến thức trong mỗi dịp hè và có nhờ giáo viên của con hướng dẫn. Nhưng năm nay, khi con anh lên lớp 6, bậc học mới và chương trình mới, gia đình cũng không biết nên lựa chọn sách nào. “Tạm thời chúng tôi chọn các loại sách tham khảo môn toán vì bé có năng khiếu học toán” – anh Nam cho biết.

Cẩn thận với sách tham khảo nhảm nhí

Thị trường sách bài tập, sách tham khảo tràn lan với nhiều mẫu mã và tên gọi khiến phụ huynh dễ bị thu hút. Tuy nhiên, không ít cẩu thả, sai sót nghiêm trọng trong sách mà nếu phụ huynh thiếu tỉnh táo khi chọn lựa sẽ gây tác dụng ngược.

Trên diễn đàn “Tôi là giáo viên tiểu học”, một phụ huynh kể lại câu chuyện trong cuốn “Truyện đọc bổ trợ phân môn kể chuyện ở tiểu học” bổ trợ cho cuốn truyện đọc lớp 2 của NXB Giáo dục. Phụ huynh này cho biết đã đọc đến câu chuyện thứ 8, “Những con ốc đổi màu”, kể về một người thầy dạy giỏi, phúc hậu và 3 cậu học trò – 2 người con nhà nghèo và một người con nhà giàu.

Câu chuyện tóm lược rằng: Thầy giáo cho mỗi người một con ốc. Học giỏi thì ốc sáng màu, mà học kém thì ốc tối màu đi. Một năm sau, 2 con ốc của 2 học trò nghèo càng ngày càng sáng, còn con ốc của học trò nhà giàu thì càng ngày càng tối. Vì ghen tức với bạn và căm giận thầy giáo của mình, anh này về bịa với bố rằng “thầy bảo con học kém vì bố ngu dốt”. Ông nhà giàu giận, liền cho người đến đốt nhà thầy. Không học nữa, anh nhà giàu giật con ốc đen ngòm trên người ném đi. Không ngờ, chỗ con ốc vẫn hay nằm trên người anh ta trước kia bỗng nhói đau và anh ta ngã lăn ra chết lập tức.

“Đọc xong câu chuyện, con tôi hoảng hốt hỏi: “Ba, sao học không giỏi mà phải chết? Bạn ấy làm sai chỉ một lần là nói dối và ghen tức thôi mà. Chuyện bảo thầy giáo giỏi sao không dạy cho bạn ấy giỏi? Chuyện bảo thầy giáo phúc hậu sao lại ban cho bạn ấy con ốc giết người?”. Sách dạy đạo đức, những bài học ý nghĩa trong cuộc sống sao lại hướng dẫn trẻ con những cách trả thù, đầy tính thù hằn và kích động như vậy?” – vị phụ huynh nêu trên băn khoăn.

Theo bà Phạm Thúy Hà, phụ trách tiểu học Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 4 (TP HCM), để chọn được sách tham khảo đúng đắn, phù hợp thì nguyên tắc là phải nắm chương trình. Khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai thì nắm cơ bản nội dung của chương trình mới như thế nào. Nhưng thực tế, không phải phụ huynh nào cũng biết và có thời gian quan tâm, tìm hiểu kỹ.

“Vì vậy, cách cơ bản nhất là học sinh đang học SGK của tác giả, nhóm tác giả nào thì khi nhu cầu chọn sách tham khảo, phụ huynh cũng chọn sách của tác giả đó để được bảo đảm về độ an toàn kiến thức, thông tin” – bà Hà khuyên.

Trong khi đó, theo Bộ GD-ĐT, trong quá trình đổi mới SGK theo hình thức cuốn chiếu, yêu cầu đặt ra là gắn với phương thức giảng dạy mới thì nội dung trong SGK đã bảo đảm đầy đủ kiến thức cần thiết cho học sinh. Vì vậy, trong trường học chỉ sử dụng chính thức SGK, còn sách tham khảo chỉ sử dụng rất hạn chế. Bộ GD-ĐT cơ bản không khuyến khích học sinh dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, ngoài một số em có năng khiếu đặc biệt. 

Không ép buộc học sinh mua sách tham khảo

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc phụ huynh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản để SGK được sử dụng lại lâu bền.

Sở GD-ĐT TP HCM cũng lưu ý các cơ sở giáo dục không được thực hiện việc lập danh mục, đóng gói bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo, đề cương và các tài liệu (ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt) để giới thiệu cho học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP HCM đề nghị các cơ sở giáo dục bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho thư viện trường; tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Yêu cầu trên của Sở GD-ĐT TP HCM nhằm thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và nhằm chấn chỉnh tình trạng một số trường tiểu học bán SGK nhưng lại lập danh mục các ấn phẩm cần thiết cho năm học 2022-2023 bao gồm cả sách bài tập, sánh tham khảo.