Cẩn thận với chiêu trò Tua đồng hồ Công-tơ-mét nhằm trục lợi

(News.oto-hui.com) – Tua đồng hồ Công-tơ-mét là chiêu trò tuy cũ mà mới, đã xuất hiện từ lâu nhưng đến bây giờ mới nở rộ. Thời điểm trước việc tua đồng hồ để giảm số km để dễ bán xe. Ngày nay, lái xe còn tua đồng hồ để ăn gian cước vận chuyển hoặc rút ruột chi phí xăng dầu.

Nếu trước đây, tình trạng tua đồng hồ công-tơ-mét (tua công) chỉ bắt gặp đối với xe ô tô để giảm chỉ số km xe chạy nhằm lừa khách mua ô tô cũ, thì nay chiêu thức này còn được nhiều lái xe thực hiện để ăn gian cước vận chuyển hay rút ruột tiền thanh toán chi phí xăng dầu.

Tua đồng hồ Công-tơ-mét nhằm trục lợiTua đồng hồ Công-tơ-mét nhằm trục lợi

Muốn thêm hay bớt chỉ số công-tơ-mét đều được

Từng mua phải chiếc xe bị tua đồng hồ công-tơ-mét, anh Thành Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Năm trước, mình mua chiếc Toyota Land Cruiser đời 2004. Theo thông tin rao bán, xe mới chỉ đi khoảng 12 vạn km. Tới xem xe thì thấy da bọc ghế đã nhăn rất nhiều, thậm chí bị nứt nhưng máy móc còn khá tốt. Chủ xe chốt giá 430 triệu đồng”.

Tuy nhiên, khi mang xe tới một garage của người quen, chủ garage cho biết, chiếc xe này đã bị “tua công”; số km thực tế đã hơn 22 vạn, chênh 10 vạn so với đồng hồ đo km trên xe.

“Gọi người bán xe đến garage để đối chất, cuối cùng người này đã thừa nhận và đồng ý giảm giá xe xuống còn 405 triệu đồng”, anh Trung nhớ lại.

Còn theo chủ một cửa hàng buôn xe cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), tình trạng ô tô cũ mua đi bán lại trên thị trường bị “tua công” khá phổ biến.

Tuy nhiên, việc “tua công” chỉ dễ dàng với những xe đời cũ, bình dân còn với những xe sang hay các mẫu xe Đức lại khá phức tạp, cần phải có thiết bị chuyên dụng, giá từ vài chục đến trăm triệu đồng tùy loại.

Hiện nay, không chỉ có tình trạng “tua công” để giảm số km thực tế xe chạy nhằm bán xe cũ giá cao mà còn có hiện tượng “tua công” để tăng số km nhằm “ăn gian” cước vận chuyển hoặc thanh toán chi phí xăng dầu.

Tại một garage ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), PV chứng kiến một tài xế xe Toyota Fortuner sau khi bảo dưỡng xe đề nghị nhân viên garage điều chỉnh chỉ số ODO (đồng hồ đo quãng đường xe chạy) theo hướng tăng số km xe chạy.

Nhân viên garage này cho hay, một số lái xe cho các công ty, cơ quan Nhà nước thường tua đồng hồ công-tơ-mét để tăng chỉ số ODO nhằm thanh toán chi phí tiền xăng cao hơn mức khoán.

Một giám đốc kỹ thuật garage quảng cáo, đơn vị này nhận dịch vụ tua đồng hồ công-tơ-mét cho tất cả các loại ô tô, từ xe bình dân đến xe sang.

Đối với những xe đơn giản, có thể cắm trực tiếp vào cổng OBD (hệ thông có chức năng đọc thông số trên xe, giám sát hoạt động của các bộ phận quan trọng trên động cơ, đồng thời chẩn đoán lỗi của các bộ phận này và phát ra tín hiệu cảnh báo).

Những dòng xe không thao tác được qua việc cắm máy vào cổng OBD đều phải tháo đồng hồ xe ra vì ở đó mới có chân cắm.

Không tiết lộ loại thiết bị sử dụng để tua đồng hồ công-tơ-mét nhưng theo vị giám đốc kỹ thuật garage này, chi phí cho việc tua khoảng từ 500.000 đồng với các mẫu xe đơn giản và 1 triệu đồng trở lên với những mẫu xe Đức, phức tạp hơn.

Thậm chí, để “tua công”, tăng chỉ số ODO, lái xe còn có thể tự tìm kiếm trên mạng để mua thiết bị với giá tương đối rẻ. Một thiết bị có hình dạng tẩu cắm trên ô tô được quảng cáo, hướng dẫn như sau: “Để “tua công”, khi cắm nguồn vào, thiết bị sẽ hoạt động. Trong thời gian 60 phút sẽ hoạt động tối đa theo đồng hồ. Ví dụ, khi chạy thiết bị 60 phút thì đồng hồ xe Fortuner sẽ tăng tối đa 200 km”.

Gọi vào số điện thoại trang web trên, PV được một người đàn ông báo giá có 2 loại 500.000 và 700.000 đồng, thời gian lắp đặt chỉ mất 5 phút. Người này còn hỏi thêm: “muốn tua km lên hay xuống?”…

Hệ lụy từ việc tua đồng hồ Công-tơ-mét ô tô

Cố vấn dịch vụ Hyundai Đông Đô (Tam Trinh, Hà Nội) cho hay, nếu mua xe cũ bị “tua công”, người mua sẽ không thể biết được thời điểm chính xác để thực hiện hạng mục bảo dưỡng ô tô.

Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành, thay thế các chi tiết định kỳ. Nếu xe đang trong thời gian bảo hành mà bị phát hiện “tua công” sẽ bị hãng từ chối bảo hành.

“Tại đại lý, đối với các xe bảo dưỡng đều được lưu lại thông tin. Nếu chiếc xe nào mang tới đại lý, bằng các biện pháp đối chiếu, kiểm tra bằng máy có thể biết được xe có bị “tua công” hay không, kể cả với nhiều mẫu xe đời mới”, cố vấn dịch vụ chia sẻ thêm.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, ở các quốc gia phát triển, tình trạng “tua công” không thể thực hiện.

“Nếu chủ xe yêu cầu xưởng sửa chữa bảo dưỡng làm theo ý mình mà việc đó không đảm bảo an toàn hoặc không trung thực (tua công) thì cũng sẽ bị từ chối.

Bởi nếu làm sai thì trách nhiệm rất nặng, tiền phạt cao, thậm chí là đóng cửa xưởng bảo dưỡng sửa chữa, những người liên quan có thể bị truy tố, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn”, ông Minh cho hay.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, hành vi tua đồng hồ công-tơ-mét là chiêu trò được nhiều đối tượng sử dụng khi bán xe cũ khiến khách hàng phải trả số tiền lớn hơn giá trị thực tế của phương tiện.

Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng vì các vấn đề lỗi cơ học nhiều khả năng bị bỏ qua khi thông tin bảo dưỡng bị sai lệch. Trên thế giới, hành vi này sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí có thể bị ngồi tù.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có chế tài cụ thể áp dụng đối với hành vi này, mà chỉ có thể tham chiếu đến hành vi gian dối được quy định là một trong những hành vi bị cấm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác với mục đích lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt và có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 – 5 năm.

Bài viết liên quan:

Advertisement