Cần nỗ lực xóa đói giảm nghèo bền vững
Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.H)
Quan điểm của Đảng về xóa đói giảm nghèo
Ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, nhiều chương trình, công tác xóa đói, giảm nghèo được xúc tiến. Đến năm 1992, Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa VII đã đề ra chủ trương xóa đói, giảm nghèo và sau đó được cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình xóa đói, giảm nghèo của Quốc hội và Chính phủ. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã phát triển thành phong trào mạnh mẽ và rộng khắp cả nước.
Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, Đại học Bắc Hà, trên cơ sở tổng kết công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 1992 – 1997, Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo và là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 1996 – 2000 với mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói trong tổng số của cả nước từ 20 – 25% năm 1996 xuống còn 10% năm 2000. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung xây dựng và triển khai nhiều chính sách được lồng ghép trong các chương trình, như: Chương trình quốc gia xúc tiến việc làm (Quyết định số 120 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số sản xuất (Quyết định số 113/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phủ xanh đất trồng đồi trọc (Quyết định 327-CT năm 1992 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành), đến năm 1998 chuyển thành Chương trình trồng 5 triệu ha rừng (Quyết định số 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 – 2005 (Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Chính sách tín dụng cho người nghèo…
Tiếp tục thực hiện chủ trương được đề ra từ các Đại hội của Đảng, Chiến lược về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo đã được Chính phủ phê duyệt năm 2002. Điểm cơ bản và nổi bật ở đây là việc gắn chặt mục tiếu xóa đói, giảm nghèo với chiến lược phát triển, coi xóa đói, giảm nghèo là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Xóa đói, giảm nghèo vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề, điều kiện và thước đo của sự phát triển bền vững, là yếu tố cơ bản bảo đảm công bằng xã hội.
Để triển khai chiến lược này, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm đều có lồng ghép các chương trình, mục tiêu quốc gia liên quan đến xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và việc làm; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình; Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh nguy hiểm HIV/AIDS; Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển xã hội; Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo; Chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); Chương trình tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, trường học, trạm xá, chợ…) cho các xã nghèo, vùng nghèo; Chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh – tế xã hội ở nông thôn và miền núi; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Bên cạnh đó, các chương trình xóa đói, giảm nghèo còn được thực hiện thông qua lồng ghép với các chương trình kinh tế – xã hội khác, như: chính sách phát triển và ổn định kinh tế, lao động, việc làm; chính sách phát triển y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, kế hoạch hóa gia đình; chính sách phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường… Các chính sách, chương trình xóa đói, giảm nghèo còn được thể hiện trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở tất cả các tỉnh, huyện, xã, vùng miền… Có thể nói, chính sách xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, ngành, địa phương với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức quốc tế.
Sau Đại hội XI của Đảng, nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, ngày 19-05-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2012, đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng hệ thống các chính sách, chương trình, dự án, vừa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, người nghèo trên phạm vi cả nước, vừa ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo nhanh và bền vưng đối với những địa bàn khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, trong đó thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công nhưng vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành một số chính sách an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo khó khăn về đời sống như chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp…; Chính phủ cũng tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chính sách và chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội như chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn, các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 30a/2008/NQ-CP .
Đại hội Đảng lần thứ XII (2016), xác định rõ:“Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương.”
Một số kinh nghiệm từ công tác xóa đói, giảm nghèo
Trong 10 năm từ 2004 đến 2014, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu đã tăng hơn 5 lần (từ mức 484.400 đồng lên 2.640.000 đồng). Đặc biệt, khu vực nông thôn có mức tăng nhanh hơn làm cho khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm đáng kể. Tương ứng với tốc độ tăng thu nhập, chi tiêu của hộ gia đình cũng tăng lên. Trong giai đoạn này, chi tiêu của các hộ gia đình đã tăng khoảng 4,75 lần, trong đó khu vực nông thôn tăng 5 lần, khu vực thành thị tăng 4 lần. Tốc độ tăng chi tiêu thấp hơn tốc độ tăng thu nhập, như vậy khoản tích lũy, tiết kiệm của người dân tăng lên. Khả năng tiếp cận tất cả các dịch vụ xã hội cơ bản đều có xu hướng đi lên đồng đều, đồng nghĩa với một sự cải thiện đa chiều về các khía cạnh của đời sống.
Qua thực hiện mục tiêu giảm nghèo những năm qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm: Xóa đói giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; phải khơi dậy ý chí tự vươn lên của chính bản thân người nghèo để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế.
Nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời nguồn lực để thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo, ưu tiên cho các địa bàn nghèo; đồng thời có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo; các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả.
Trên cơ sở các chính sách và Chương trình giảm nghèo bền vững, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Thực tế cho thấy nơi nào, địa phương nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trân Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương, thực hiện phân cấp, mở rộng sự tham gia của người dân thì nơi đó, giảm nghèo đạt kết quả cao và ngược lại.
Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách; thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thường xuyên tổ chức đa dạng, phù hợp các hình thức truyền thông về giảm nghèo để tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước đối với người nghèo.
Để xóa đói, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới, cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt đầy đủ trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của mình; phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mới có thể thành công. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hỗ trợ để người dân tự thoát nghèo; kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, không được chủ quan nóng vội, chạy theo thành tích; khơi dậy ý chí tự vươn lên của chính bản thân người nghèo. Huy động tối đa nguồn lực Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo, tập trung ưu tiên và bố trí kịp thời để thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo, ưu tiên cho các địa bàn nghèo.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình thực hiện ở các địa, phát hiện bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện của địa phương để có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách; thông qua đó để hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Tạo lập những tiền đề, điều kiện để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Xây dựng các hình thức liên kết các ngành khoa học và công nghệ với sản xuất và xây dựng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy lan tỏa hình thức liên kết “bốn nhà” trong các dự án nông, lâm, thủy sản và dịch vụ.
Phát triển các hình thức giáo dục phổ cập về nghề nghiệp cho những người trong diện đói nghèo. Huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài thực hiện các dự án về giáo dục, y tế, xã hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo; tăng cường phân cấp cho cơ sở và mở rộng sự tham gia của người dân trong suốt quá trình thực hiện. Nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông về giảm nghèo, bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và nhà nước cần có nhiều hình thức phát hiện, tuyên truyền, phổ biến và tôn vinh các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; phê phán các hiện tượng tiêu cực, không tích cực thoát nghèo; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.