Cân nặng thai nhi và những thông tin mẹ bầu cần biết

Mỗi thai nhi là một cá thể riêng biệt, vì vậy mà tốc độ phát triển cũng khác nhau. Biết được cân nặng thai nhi theo từng giai đoạn sẽ giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của bé và có hướng chăm sóc, điều chỉnh dinh dưỡng cho phù hợp. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

28/06/2020 | Tư vấn: 3 tháng đầu nên ăn gì để tốt cho thai nhi?
17/06/2020 | Thai nhi 4 tháng siêu âm có chính xác hay không?
15/06/2020 | Một lần siêu âm thai hết bao nhiêu, nên thực hiện ở đâu?
11/06/2020 | Bảng cân nặng thai nhi theo tuần theo chuẩn WHO mới nhất dành cho cha mẹ

1. Sự phát triển cân nặng của thai nhi theo tuần

Trong quá trình mang thai chắc hẳn người mẹ nào cũng tò mò, quan tâm đặt ra các thắc mắc như: Cân nặng thai nhi trong bụng là bao nhiêu? Cân nặng như vậy đã phù hợp hay chưa? Liệu cân nặng sẽ phát triển như thế nào trong tuần tiếp theo? 

Thực tế cân nặng thai nhi sẽ phát triển và thay đổi không ngừng theo từng tuần. Trong từng giai đoạn thai nhi sẽ có cân nặng cụ thể. Một thai nhi nếu đủ tháng sẽ có chiều dài trung bình đạt khoảng 51,2 cm (tính từ đầu tới chân) và cân nặng là 3,5 kg. 

Khi thai nhi càng lớn hơn, cân nặng phát triển thì các vùng da của mẹ như ngực, đùi, bụng cũng sẽ bị chịu áp lực và căng dãn. Trong trường hợp da bị thiếu độ đàn hồi khiến cho esletin và collagen bị đứt gãy, từ đó gây ra tình trạng rạn da. Tuy nhiên các mẹ có thể hạn chế tình trạng này bằng cách mua các sản phẩm chống rạn da dành cho bà bầu.

Bảng cân nặng thai nhi từng tuần theo tiêu chuẩn WHO

2. Cách đo cân nặng và chiều dài của thai nhi theo tuần

Nắm được cách tính cân nặng của thai nhi giúp mẹ bầu có thể biết được em bé trong bụng phát triển như thế nào? Có gì bất thường hay không? 

Nếu em bé trong bụng quá lớn hoặc quá bé sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng cao hơn bình thường. Việc nắm được cân nặng thai nhi giúp kiểm soát được các biến chứng ngay từ khi trẻ vẫn còn ở trong bụng. Do vậy theo dõi và tính toán cân nặng là một phần quan trọng trong việc chăm sóc thai nhi. 

  • Từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 19 thai nhi sẽ được đo từ đầu đến mông. Ở giai đoạn này chân của trẻ sẽ uốn cong trong bào thai. Vì vậy để xác định chiều dài và cân nặng sẽ rất khó. Và chiều dài đo được sẽ là chiều dài đầu mông.

  • Từ tuần thứ 20 đến tuần 32 chiều dài của thai nhi được đo từ gót chân lên tới đỉnh đầu. Cân nặng của thai nhi cũng sẽ phát triển dần đều.

  • Từ tuần thứ 32 trở đi cân nặng của trẻ sẽ phát triển đến mức tối đa, đây cũng là giai đoạn phát triển cân nặng nhanh. Những đường nét cuối cùng của cơ thể trẻ sẽ được hoàn thành trong giai đoạn này.

Trong mỗi giai đoạn chiều dài và cân nặng của thai nhi sẽ được tính khác nhau

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi

Mỗi thai nhi sẽ có cân nặng khác nhau bởi vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng như:

  • Cân nặng thai nhi sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền, chủng tộc. 

  • Sức khỏe của bà bầu trong giai đoạn mang thai cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cân nặng của thai nhi. Nếu trong quá trình mang thai mẹ bầu bị tiểu đường, béo phì thì cân nặng của trẻ khi sinh ra có thể sẽ lớn hơn bình thường.

  • Mức tăng cân của mẹ cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới cân nặng của đứa trẻ trong bụng. Nếu trong giai đoạn mang thai người mẹ lười ăn, ăn ít khiến cho cơ thể không tăng cân hoặc tăng quá ít thì khi sinh con ra trẻ có thể bị thiếu cân, nghiêm trọng hơn là suy dinh dưỡng. Ngược lại người mẹ trong quá trình mang thai ăn nhiều, tăng cân quá nhiều dẫn tới nguy cơ phải mổ vì thai quá to.

  • Thứ tự sinh con: Thông thường khi sinh con đầu lòng sẽ có xu hướng nhỏ hơn so với con thứ. Ngoài ra nếu khoảng cách giữa 2 lần sinh của người mẹ quá sát nhau cũng khiến cho cân nặng thai nhi bị ảnh hưởng, con thứ cũng có thể bị nhẹ cân. 

  • Số lượng thai trong bụng người mẹ: Trong trường hợp người mẹ mang thai đôi, mang đa thai thì cân nặng của những đứa trẻ trong bụng cũng sẽ thấp hơn so với bình thường.

Ngoài ra theo một số nghiên cứu cho thấy sự phát triển của thai nhi trong bụng người mẹ còn ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như tuổi của mẹ, chiều cao, tình dục,…

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi

4. Cân nặng của người mẹ ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi

Cân nặng của người mẹ trong thời gian mang thai rất quan trọng bởi vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển và cân nặng thai nhi trong bụng. Nếu trường hợp mẹ bầu tăng cân quá ít khiến cho thai nhi không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất đáp ứng để phát triển và bé có nguy cơ sinh non cao.Và ngược lại, trong trường hợp mẹ bầu tăng cân nhiều trong quá trình mang thai sẽ có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao. Và khi sinh khả năng phải mổ cũng cao hơn bình thường.

Vậy cân nặng của người mẹ như thế nào là tốt nhất? Thông thường mỗi người sẽ có cân nặng khác nhau. Vì vậy chúng ta sẽ tính theo số cân tăng trong quá trình mang thai của người mẹ. Tốt nhất người mẹ nên tăng số cân dao động từ 10 – 12 kg trong suốt thai kỳ là đủ đối với trường hợp mang thai đơn. Còn những người mẹ mang song thai nên tăng từ 16 – 20 kg. 

Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, với những mẹ có mức cân bình thường nên tăng từ 1,5 – 2kg. Trong trường hợp mẹ bị thiếu cân nên tăng thêm khoảng 2,5 kg, còn đối với những mẹ thừa cân thì chỉ nên tăng khoảng 1kg. Còn từ giai đoạn 3 tháng giữa trở đi mẹ bầu có thể tăng trung bình mỗi tuần khoảng 0,5 kg. Tuy nhiên với những mẹ thừa cân thì chỉ nên tăng từ 0,2 – 0,3 kg. 

Do vậy để thai nhi có thể phát triển bình thường và khỏe mạnh, mẹ bầu nên có chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Tránh trường hợp thai quá nhỏ dẫn đến sinh non hay quá to khiến cho sinh đẻ khó khăn. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, mẹ bầu cũng nên vận động nhẹ nhàng khoảng 30 phút một ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn. 

Mẹ bầu nên có chế độ dinh dưỡng phù hợp để thai nhi phát triển khỏe mạnh

Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ về cân nặng thai nhi dành cho các mẹ bầu. Các mẹ có thể theo dõi cân nặng của thai theo từng tuần để có chế độ bổ sung dưỡng chất đầy đủ cũng như hợp lý nhất. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp hãy nhấc máy liên hệ với MEDLATEC theo số điện thoại hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.