Cần làm rõ khái niệm và nội dung kiểm soát thủ tục hành chính – Tuyên truyền cải cách hành chính – Trang chủ

Cần làm rõ khái niệm và nội dung kiểm soát thủ tục hành chính

(13/04/2017, 09:07)

Trước yêu cầu cải cách hành chính mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001, phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010. Trong Chương trình tổng thể này, có nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Để cụ thể hóa nhiệm vụ về cải cách TTHC nêu trên, ngày 10/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010. Đề án này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả nhất định và được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đánh giá là “thành công nhất từ trước tới nay ở Việt Nam”. Nhiều kết quả đạt được từ việc thực hiện Đề án này, cụ thể như: xác định, tập hợp được các bộ TTHC trong tất cả các ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền để công bố, công khai trước công chúng; trên cơ sở TTHC tập hợp được, rà soát và kiến nghị đơn giản hóa TTHC. Nhờ đó, nhiều TTHC có nội dung không phù hợp đã được cắt bỏ, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng đã được kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp.

Để duy trì những kết quả đạt được; đồng thời để tăng cường việc kiểm soát thực hiện TTHC – vốn dễ bị lạm quyền, trục lợi cá nhân trong quá trình thực hiện của cán bộ, công chức ngày 08/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC để triển khai thực hiện tại các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Từ thời điểm này, nhiệm vụ kiểm soát TTHC đã được xác định và tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay khái niệm “kiểm soát TTHC” chưa được xác định rõ nội hàm của nó nên chưa thể hiện được “sứ mệnh cao cả” của hoạt động này, dẫn đến việc thực thi còn nhiều hạn chế. Cụ thể tại khoản 5, Điều 3, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP có quy định “Kiểm soát TTHC là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC”. Xét về ngữ nghĩa thì khái niệm trên được viết chưa đúng ngữ pháp, vì cụm từ “là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm…” chưa rõ nghĩa, vì người đọc không hiểu được “xem xét, đánh giá và theo dõi” đối tượng cụ thể nào (?). Xét về mục đích, thì khái niệm này cũng chỉ “nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC” và “đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC” là chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa của hoạt động kiểm soát TTHC.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng kiểm soát là quá trình đo lường kết quả thực hiện so với tiêu chuẩn được đề ra nhằm phát hiện sai lệch, nguyên nhân và từ đó có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp. Theo định nghĩa tại cuốn từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học của Nhà xuất bản Đà Nẵng, thì từ “kiểm soát” được hiểu là “việc xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”.

Như vậy, kiểm soát TTHC cũng có thể hiểu tương tự là hoạt động được thực hiện nhằm ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm trong quá trình xây dựng, thực hiện TTHC, nên cần thống nhất về khái niệm kiểm soát TTHC như sau: “Kiểm soát TTHC là hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện nhằm ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm trong quá trình xây dựng, thực hiện TTHC”.

Từ quan niệm về kiểm soát TTHC như nêu trên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ này cho thấy, kiểm soát TTHC bao gồm các hoạt động diễn ra từ khi xây dựng TTHC cho đến khi đưa TTHC vào cuộc sống, cụ thể gồm các hoạt động sau:

Thứ nhất, kiểm soát TTHC ngay từ giai đoạn dự kiến xây dựng TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua các hoạt động “đánh giá tác động TTHC, thẩm định TTHC”.

Thứ hai, kiểm soát TTHC sau khi TTHC được ban hành thông qua các hoạt động “công bố, niêm yết công khai TTHC” để các cơ quan tổ chức, cá nhân biết và áp dụng thực hiện; đồng thời bảo đảm thực hiện TTHC theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

Thứ ba, kiểm soát TTHC trong giai đoạn thực hiện TTHC, tức là giai đoạn tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC.

Thứ tư, kiểm soát TTHC thông qua hoạt động rà soát TTHC để kịp thời phát hiện những nội dung không phù hợp hoăc không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

Như vậy, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần làm rõ và chuẩn hóa khái niệm kiểm soát TTHC, trên cơ sở đó xác định vị trí, vai trò, đặc điểm và nội dung cụ thể của hoạt động kiểm soát TTHC, có như vậy mới có thể đánh giá chính xác thực trạng của hoạt động kiểm soát TTHC hiện nay để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tạo nền tảng cho các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên thực tế.