Cần gắn kết sản xuất với thị trường, nâng cao giá trị cây đậu phộng

 

Rẫy đậu phộng mới trồng được hơn 10 ngày của nông dân Dương Văn Lực.

 

Với ưu điểm cải tạo đất nên sau thu hoạch đậu phộng để lại cho đất lượng đạm khá lớn, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí bón phân đạm cho vụ sau, thân cây đậu còn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Hơn nữa, mặt hàng nông sản đậu phộng vừa có thể xuất khẩu, vừa là nguồn nguyên liệu trong công nghiệp ép dầu, chế biến bánh kẹo và thực phẩm. Đậu phộng là một trong những cây trồng ngắn ngày quan trọng trong sản xuất nông nghiệp khoảng 03 tháng cho thu hoạch.

Những năm gần đây, nông dân không chỉ tập trung phát triển mạnh cây đậu phộng trong mùa khô (vụ đông – xuân), còn nghiên cứu trồng đậu phộng trong mùa mưa để lấy giống trồng vào mùa khô nhằm giảm chi phí đầu tư giống ban đầu, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, diện tích sản xuất đậu phộng trong mùa mưa không cao do điều kiện bảo quản đậu giống cho vụ mùa kế tiếp nên còn hạn chế.

Trước đây, nông dân chỉ sử dụng một loại giống đậu phộng (đậu sẻ), những năm gần đây, các nhà khoa học, ngành nông nghiệp cơ cấu thêm một số giống mới như: đậu vồ, HL25, L23, MD9, MD7… phần lớn các giống đậu phộng này có xuất xứ từ miền Đông. Sau những năm trồng thử nghiệm, giống đậu phộng MD7, MD9 được đánh giá phù hợp, thích nghi trên vùng giồng đất cát ven biển với ưu điểm năng suất cao, thị trường ưa chuộng, chống chịu nhiều loại sâu bệnh nên đã thuyết phục nông dân không ngừng mở rộng diện tích sản xuất.

Tuy đậu phộng là giống cây có năng suất cao, thị trường ổn định, có ưu điểm làm cải tạo đất, nhưng giá bán không ngừng biến động và sụt giảm mạnh ở giữa vụ. Nông dân Thạch Cuôn, ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên cho biết: với 4.000m2 đậu phộng vừa rồi ông thu hoạch năng suất đạt 1,1 tấn/1.000m2, giá bán 11.000 đồng/kg, tổng thu nhập 30 triệu đồng, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Do điều kiện đất đai nên xuống giống trễ hơn những hộ khác, vì vậy, thời điểm thu hoạch đậu phộng vào vụ đông ken, giá sụt giảm 3.000 đồng/kg so với đầu vụ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mặt khác, vụ đậu phộng năm nay giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gần 50% so với những năm trước, nên lợi nhuận giảm đáng kể.

Nông dân Dương Văn Lực, ngụ cùng ấp cho biết thêm: mặc dù giá đậu phộng thường xuyên biến động nhưng ông vẫn giữ ổn định diện tích trong vụ đông – xuân khoảng 0,6ha hơn 05 năm qua. Cây đậu phộng dễ trồng, nhẹ công chăm sóc hơn so với những cây trồng khác, vừa cải tạo đất vừa phục vụ chăn nuôi. Thời gian chăm sóc, nhất là khâu tưới phun chỉ cần tưới một lần/ngày hoặc 02 – 03 ngày tưới/lần, tùy vào điều kiện đất đai có phương pháp chăm sóc hợp lý, giúp cây ra hoa đậu hạt chắc.

Với diện tích trên, sau 03 tháng trồng, năng suất đạt 1,1 tấn/1.000m2, giá bán 14.000 đồng/kg, nhờ chủ động xuống giống sớm nên thu hoạch đầu vụ bán được giá cao, lợi nhuận 07 triệu đồng/1.000m2. Kết thúc vụ đậu phộng đông – xuân, ông tiếp tục trồng lại 4.000m2 đậu phộng lấy giống và đậu xanh giống hiện đang phát triển tốt.

Nhận định về hiệu quả từ cây đậu phộng, ông Thạch Quanh Tha, Công chức nông nghiệp xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: trước đây, do nông dân chỉ chạy theo lợi nhuận, ít chú ý đến chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá thành sản phẩm cao, nông dân và doanh nghiệp chưa liên kết nên đã dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá, nông dân bị thương lái ép giá. Thời gian gần đây, xã được Trường Đại học Cần Thơ đưa giống trồng thử nghiệm và kỹ thuật bón thêm vôi cho chắc hạt, năng suất đậu cao hơn và phòng được sâu, rầy, các loại bệnh khác. So với cây lúa và cây màu khác, đậu phộng đầu ra ổn định và lợi nhuận hơn.

Từ khi chuyển đổi đất từ thế độc canh 02 – 03 vụ lúa/năm sang 02 vụ lúa – 01 vụ màu (đậu phộng hoặc bắp giống, ớt chỉ thiên) tùy theo người trồng, thu nhập của người dân ổn định hơn. Đặc biệt, diện tích đậu phộng tăng hàng năm, trong 03 tháng đầu năm 2022, nông dân trong xã xuống giống đậu phộng vụ đông – xuân đạt 152,8ha, đạt 78,35% kế hoạch, năng suất trung bình đạt 10 – 11 tấn/ha, tăng 01 – 02 tấn/ha, thu lợi nhuận bình quân từ 60 – 70 triệu đồng/ha.

Thời gian tới, xã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu trồng thử nghiệm thêm giống đậu phộng mới phù hợp với điều kiện địa phương sẽ nhân rộng nhằm đáp ứng yêu cầu tạo sản phẩm hàng hóa lớn ổn định, gắn kết giữa sản xuất với thị trường, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, tạo vùng chuyên canh cây đậu phộng trồng trên địa bàn.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN