Cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển
– Ở Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia, nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia đã dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí, hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Sáng ngày 26/5, các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về dự án Luật Quy hoạch, dự kiến được thông qua trong Kỳ họp thứ 3 lần này.
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư Pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương) còn có ý kiến khác với dự thảo Luật; chủ trì đối thoại liên bộ giữa Cơ quan soạn thảo với các bộ hữu quan; làm việc riêng giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Dự thảo Luật đã được tiếp thu và sắp xếp lại bố cục cho hợp lý hơn gồm 6 chương và 69 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch
Những quy hoạch có tính chất chi tiết, kỹ thuật do các luật chuyên ngành quy định
Cụ thể hơn về phạm vi điều chỉnh, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cho biết, Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý như tại Điều 1 dự thảo Luật. Theo đó, phạm vi điều chỉnh bao gồm việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.
Đồng thời, bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng trong Điều 2 là cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Ngoài ra, những quy hoạch có tính chất chi tiết, kỹ thuật, cụ thể để triển khai thực hiện các dự án, công trình như quy định tại các khoản 3 Điều 23, khoản 3 Điều 24, khoản 6 Điều 26, khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28 cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà do các luật chuyên ngành quy định.
Về khái niệm quy hoạch, theo cơ quan thẩm tra, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững do Nhà nước đặt ra cho thời kỳ xác định.
Bên cạnh đó, khái niệm “quy hoạch tổng thể quốc gia” cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý là quy hoạch ở cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Khái niệm này thể hiện rằng nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ mang tính chiến lược và thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia bao gồm việc chia sẻ sử dụng không gian, trong đó có không gian biển, có không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và cả không gian vùng trời.
Ngoài ra, không gian ở một độ cao nhất định cũng chịu sự điều chỉnh của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các khái niệm “quy hoạch ngành quốc gia”, “quy hoạch vùng” và “quy hoạch tỉnh” cũng được tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo sự thống nhất và ngắn gọn hơn. Bổ sung khái niệm “Quy hoạch không gian biển quốc gia”, “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia” vì đây là các quy hoạch độc lập liên quan đến rất nhiều ngành, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng an ninh nên cần được lập ở cấp quốc gia.
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, đã bổ sung khái niệm “Tích hợp quy hoạch”, ”Hệ thống dữ liệu địa lý về quy hoạch”, “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch” nhằm làm rõ và phân biệt với tổ chức tư vấn lập quy hoạch. Ngoài ra, dự thảo Luật không giải thích các khái niệm “quy hoạch đô thị”, “quy hoạch nông thôn”, “quy hoạch xây dựng vùng” vì các khái niệm này đã được quy định tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.
Về kinh phí thực hiện quy hoạch (Điều 7 cũ – Điều 9 mới), theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định minh bạch về cơ chế sử dụng, cơ chế quản lý và các chính sách cụ thể; đề nghị quy định rõ kinh phí cho quy hoạch của các cấp; đề nghị quy định quy hoạch do nhà nước lập và do ngân sách nhà nước chi trả nên cân nhắc, tính toán đưa vào đầu tư công trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát lại quy định tại khoản 2 Điều 7 cũ về khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như trong Điều 9 (Điều 7 cũ) của dự thảo Luật, theo đó chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, chi phí giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc quy định như vậy không trái với Điều 5 Luật Đầu tư công quy định về lĩnh vực đầu tư công. Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 – 2020 cho phù hợp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xin tiếp thu và không quy định riêng về khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch như tại khoản 2 Điều 7 (cũ) mà gộp vào khoản 3 Điều 10 về chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch, theo đó Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch và vẫn đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch như nguyên tắc chung quy định tại Điều 4.
Thống nhất chủ trương bỏ quy hoạch sản phẩm
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đa số ý kiến đồng tình với chủ trương bỏ quy hoạch sản phẩm, tuy nhiên cần đưa ra phương án quản lý đối với những ngành sản phẩm khi mà các ngành này trong thời gian tới sẽ không còn quản lý bằng quy hoạch. Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục lập quy hoạch sản phẩm vì nếu bỏ quy hoạch sản phẩm thì sẽ gặp khó khăn trong quản lý nhà nước, ví dụ trong ngành nông nghiệp có những quy hoạch sản phẩm rất quan trọng cần được giữ lại vì nếu không có định hướng quy hoạch thì sẽ xảy ra hiện tượng phát triển sản phẩm tràn lan.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu tuy có những đóng góp nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều quy hoạch có sự chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu tính liên kết với nhau, gây lãng phí cho xã hội. Trong khi đó, nguyên lý quy hoạch là phân bổ nguồn lực hiện có trong tầm kiểm soát và quản lý của nhà nước. Đối với việc đầu tư phát triển sản phẩm phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong xã hội, ngoài ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể ấn định lượng hàng hóa sản phẩm bằng quy hoạch trong nền kinh tế thị trường.
Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất lập một số quy hoạch kết cấu hạ tầng và quy hoạch sử dụng tài nguyên. Đối với các sản phẩm có gắn với việc sử dụng nguồn tài nguyên sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch sử dụng nguồn tài nguyên (ví dụ đối với sản phẩm xi măng sẽ không lập quy hoạch sản phẩm xi măng, chỉ lập quy hoạch nguồn tài nguyên đá vôi).
Đối với các sản phẩm cụ thể, việc quản lý đối với những ngành sản phẩm trong thời gian tới sẽ không bằng quy hoạch nữa mà theo hướng sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, tín hiệu, xu hướng thị trường… Các nội dung này sẽ do các ngành tự xác định căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch.
Không thể không lập quy hoạch tổng thể quốc gia
Trước ý kiến cho rằng không cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia vì đã có chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, không thể không lập quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bởi, công cụ để hoạch định phát triển ở Việt Nam bao gồm: Chiến lược – Quy hoạch – Kế hoạch. Quy hoạch giữ vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, đồng thời để cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Sự khác biệt của quy hoạch so với chiến lược và kế hoạch chính là tổ chức không gian phát triển trên lãnh thổ quốc gia.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia nhưng không có quy hoạch tổng thể quốc gia đã dẫn tới việc hoạch định phát triển không có sự cân đối chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguyên nhân chính làm lãng phí hoặc phân tán nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia. Do vậy, cần có quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo lập không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh về không gian phát triển, về mục tiêu, công cụ chính sách, phân bổ nguồn lực, lựa chọn dự án, chương trình ưu tiên đầu tư, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cung cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tham khảo ý kiến chuyên gia thì hiện nay chưa có quốc gia nào xây dựng quy hoạch riêng về vùng trời. Các hoạt động quy hoạch hiện nay là việc phân bổ và sắp xếp không gian bao gồm cả trên mặt đất, dưới lòng đất và trên vùng trời tới một độ cao nhất định phù hợp với các điều ước quốc tế. Do vậy, xin bổ sung điểm g khoản 2 Điều 23 về quy hoạch tổng thể quốc gia về “g) Định hướng khai thác và sử dụng vùng trời;”. Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết nội dung quy định này.
Bộ KH&ĐT sẽ là cơ quan thường trực hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng
Có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo thứ bậc; mối quan hệ giữa các loại quy hoạch cùng cấp, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, đã tiếp thu, chỉnh lý như quy định tại Điều 5 và Điều 6 dự thảo Luật theo hướng hệ thống quy hoạch gồm 4 cấp theo thứ bậc: (1) quy hoạch cấp quốc gia gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; (2) quy hoạch vùng; (3) quy hoạch tỉnh; (4) quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Bổ sung quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định tại Khoản 2 Điều 5.
Đồng thời, xin tiếp thu thể hiện các nội dung liên quan đến thẩm quyền Quốc hội trong thẩm định, quyết định, điều chỉnh các loại quy hoạch tại Điều 31 (Hồ sơ thẩm định), Điều 32 (Nội dung thẩm định), Điều 33 (Báo cáo thẩm định), Điều 35 (Hồ sơ trình quyết định hoặc phê duyệt), Điều 36 (Thủ tục thẩm tra quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia)…
Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia sẽ do Chính phủ tổ chức lập và trình Quốc hội quyết định. Việc thẩm định các quy hoạch này sẽ được giao cho Hội đồng thẩm định nhà nước, gồm đại diện của các bộ, ngành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan thường trực hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xin tiếp thu và chỉnh lý Điều 6 về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, làm rõ hơn việc xử lý trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp theo hướng: nếu các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu các quy hoạch vùng mâu thuẫn với nhau và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp trên; trường hợp quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp quốc gia.
Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, hiện nay dự thảo Luật đang được xây dựng theo hướng luật khung, việc triển khai cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết để hướng dẫn thực hiện tại các khoản 3 Điều 23, khoản 3 Điều 24, khoản 3 Điều 25, khoản 6 Điều 26, khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28.
“Cách thức phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương khi thực hiện lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp đã được nêu tại Điều 16 của dự thảo Luật, theo đó, quy hoạch sẽ được xây dựng theo phương pháp từ dưới lên với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan nhưng việc phê duyệt quy hoạch sẽ theo phương pháp từ trên xuống để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất”, người đầu cơ quan thẩm tra cho biết.
Dự thảo Luật cũng đã quy định việc áp dụng công nghệ thông tin dưới dạng hệ thống dữ liệu địa lý về quy hoạch trong công tác lập quy hoạch. Đây là phương pháp hiện đại, tiên tiến bao gồm tập hợp hệ thống phần cứng, phần mềm máy tính, dữ liệu địa lý và con người được nắm bắt, lưu trữ, cập nhật, điều khiển, phân tích, và hiển thị tất cả các dạng thông tin liên quan trên theo nhiều lớp dạng 3D để thể hiện nội dung quy hoạch được tích hợp.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Báo cáo giải trình về ý kiến cho rằng nội dung theo dõi, giám sát và tổ chức thực hiện quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật còn thiếu và yếu, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm và các công cụ theo dõi, giám sát quy hoạch, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý các Điều 49, 59 và 60 của dự thảo Luật theo hướng các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo thực hiện quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 10 hàng năm để tổng hợp báo cáo Chính phủ; Chính phủ có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện quy hoạch theo định kỳ 5 năm.
Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình; việc thanh tra hoạt động quy hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 61 của dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội đã quy định trách nhiệm giám sát trong hoạt động quy hoạch của Quốc hội, bao gồm cả các Đoàn ĐBQH và các đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội./.