Cần có chính sách khuyến khích giáo viên nghỉ hưu trước tuổi
GDVN- Nghịch lý vừa thừa vừa thiếu giáo viên, vừa khuyến khích nghỉ hưu sớm nhưng lại tăng tuổi nghỉ hưu là thực tế có thật trong thời gian qua.
Hiện nay tuổi nghỉ hưu của giáo viên vẫn theo lộ trình, giáo viên nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62 từ năm 2028 trở đi, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 từ năm 2035 trở đi mặc dù thực tế giáo viên mầm non, giáo viên nữ dạy thể dục không thể đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục đứng lớp ở độ tuổi này.
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và các đối tượng được nghỉ hưu trước tuổi
Theo Điều 169, Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2021 tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Cụ thể như sau:
a) Tuổi nghỉ hưu của người lao động có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trong điều kiện lao động bình thường: Là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
b) Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu nếu có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021);
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021) từ đủ 15 năm trở lên.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
c) Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu, nếu có đủ một trong các điều kiện sau:
Trong 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
Có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
d) Người lao động có 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội mà bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành thì không quy định giới hạn về tuổi.
Như vậy, việc xác định điều kiện hưởng chế độ hưu trí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi đời, giới tính, thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, chức danh nghề, công việc của cả quá trình làm việc được ghi nhận trên sổ Bảo hiểm xã hội, tình trạng sức khỏe, địa bàn làm việc và chưa có bất kỳ quy định nào có ưu tiên cho giáo viên.
Giáo viên được nghỉ hưu trước tuổi lợi đôi đường
Nghịch lý vừa thừa vừa thiếu giáo viên, vừa khuyến khích nghỉ hưu sớm nhưng lại tăng tuổi nghỉ hưu là thực tế có thật trong thời gian qua.
Tăng tuổi nghỉ hưu tạo áp lực không nhỏ lên ngành giáo dục khi vừa phải tinh giản bên chế, vừa phải tạo cơ hội việc làm cho sinh viên giỏi, vừa phải có đội ngũ nhà giáo có kế thừa không để đội ngũ nhà giáo quá nhiều người lớn tuổi, già nua.
Ở rất nhiều ngành, khi tuổi cao thì năng suất làm việc không đáp ứng được vì sức khỏe, tuổi tác, thiếu nhạy bén với công việc mới.
Nếu có chính sách hưu hợp lý là thu lại được rất nhiều lợi ích như giải quyết việc làm cho lớp trẻ, nâng cao chất lượng công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, cải thiện quyền lợi của người lao động có đóng bảo hiểm xã hội.
Theo quan điểm người viết, tăng tuổi hưu để giải quyết nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội đối với thực tiễn ngành giáo dục mà nói, đây không phải là một giải pháp toàn diện, thấu đáo.
Tôi ví dụ một giáo viên nam hạng II trung học phổ thông 59 tuổi, có thâm niên công tác 37 năm thì lương thực nhận khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng, nếu nghỉ hưu thì nhận khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng chênh lệch khoảng 5 triệu đồng.
Nếu giáo viên trên nghỉ hưu thì nếu nhận một sinh viên mới ra trường thì lương thực nhận chưa đến 4 triệu đồng.
Giáo viên lớn tuổi nghỉ hưu sẽ giúp sinh viên giỏi có cơ hội việc làm, tuyển được giáo viên trẻ năng động, sáng tạo, tạo điều kiện cho giáo viên lớn tuổi được nghỉ ngơi sau thời gian dài cống hiến và quan trọng nhất là tính tổng thì việc tuyển giáo viên trẻ vẫn được lợi hơn nhiều về ngân sách chi cho lương, thu nhập nhà giáo.
Do đó, quan điểm người viết cho rằng việc cho giáo viên được nghỉ hưu trước tuổi sẽ được lợi về ngân sách, lợi về sự phát triển giáo dục,…
Giáo viên về hưu trước tuổi chấp nhận tỷ lệ giảm trừ khi nghỉ hưu
Hiện nay Luật Lao động 2019 đã có hiệu lực từ 01/01/2021 thì việc thay đổi là không thể, có thể hy vọng vào các nghị định, thông tư hướng dẫn dành cho các đối tượng nghề nghiệp đặc thù như giáo viên nói chung, giáo viên mầm non, giáo viên nữ dạy thể dục nói riêng.
Người viết cho rằng có một phương án tốt nhất để giải quyết đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ đưa giáo viên vào đối tượng được nghỉ hưu trước tuổi.
Giáo viên từ đủ 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam nếu còn sức khỏe, minh mẫn thì tiếp tục công tác để nhận lương cao.
Giáo viên đủ tuổi trên, nếu có nguyện vọng thì được nghỉ việc hưởng lương hưu nhưng tỷ lệ nhận lương hưu thấp hơn.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, theo đó, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Do dó, giáo viên nếu nghỉ hưu trước tuổi 1 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu 73%; nghỉ trước 3 năm tỷ lệ hưởng lương hưu 69%,… nếu nghỉ hưu trước 5 năm thì nhận tỷ lệ lương hưu 65%.
Nếu được như trên thì tạo điều kiện cho giáo viên có sức khỏe giảm sút, tinh thần hạn chế,… được nghỉ việc trước tuổi và họ chấp nhận bị giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.
Nếu được như đề xuất trên sẽ có một số giáo viên giỏi còn sức khỏe, còn công tác tốt tiếp tục công tác, một số giáo viên chấp nhập nghỉ hưu trước tuổi và nhận lương hưu với tỷ lệ thấp hơn và khi đó sẽ có một lực lượng giáo viên trẻ thay thế, đội ngũ giáo viên sẽ có nhiều người giỏi hơn, cố gắng công tác tốt hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Minh Khoa