Căn bệnh nguy hiểm khi bị chuột cắn

Căn bệnh sốt do chuột cắn rất hiếm gặp nhưng để lại biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao.

Nhiều nơi ở Việt Nam, thịt chuột là món ăn đặc sản. Chúng được chế biến làm nhiều món nhưng chuột cũng là mầm bệnh nguy hiểm. Trong đó, căn bệnh sốt do chuột cắn rất hiếm gặp nhưng để lại biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao.

Sốt chuột cắn (Rat-bite Fever-RBF) là bệnh hiếm khi được chẩn đoán. Đây là bệnh toàn thân do nhiễm Streptobacillus moniliformis, Streptobacillus notomytis hoặc Spirillum trừ S.moniliformis gây ra hầu hết trường hợp mắc bệnh ở Mỹ. Spirillum minus, chủ yếu gặp ở châu Á, còn gọi bệnh Sodoku, mặc dù nó có thể có mặt trên toàn thế giới.

Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp, sốt có thể gây ra bệnh nặng và tử vong.

Triệu chứng bệnh sốt chuột cắn

Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vi khuẩn gây bệnh: S.moniliformis hoặc S.minus.

S.moniliformis: Các biểu hiện lâm sàng của RBF do S. moniliformis có thể từ một bệnh giống như cúm nhẹ đến nhiễm trùng huyết tối cấp ở trẻ em và người lớn. Tỷ lệ tử vong của bệnh do chuột cắn là khoảng 13% ở những người không được điều trị. Thời gian ủ bệnh thường dưới 7 ngày.

Bệnh nhân thường sốt cao đột ngột, đau cơ, đau khớp di chuyển, nôn mửa, viêm họng và đau đầu. Các triệu chứng rầm rộ nhưng vết cắn hoặc vết xước, vết thương thường không viêm tấy. Những người mắc bệnh sốt chuột cắn qua đường tiêu hóa bị nôn mửa nghiêm trọng hơn và thường viêm họng nhiều hơn.

Benh do chuot can anh 1

Bệnh sốt do chuột cắn rất hiếm gặp nhưng để lại biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao. Ảnh: Innocentenglish.

Phát ban thường thấy trên bề mặt duỗi của tứ chi và có thể liên quan lòng bàn tay và lòng bàn chân. Chúng thường là dát sẩn nhưng cũng nó có thể xuất hiện chấm xuất huyết, nốt phỏng hoặc phỏng xuất huyết.

Tình trạng viêm đa khớp gặp ở 50% bệnh nhân. Viêm khớp thường thấy khớp gối, tiếp theo là mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay, vai và hông. Biểu hiện của viêm khớp có thể khác nhau nhưng phần lớn trường hợp là nhiều khớp và trong một số ca bệnh, sự phân bố không đối xứng.

Các triệu chứng có thể tự hết mà không cần điều trị bằng kháng sinh, nhưng một số trường hợp, sốt có thể tái phát và viêm khớp kéo dài trong vài năm.

S.minus: Trái ngược với nhiễm S.moniliformis, bệnh do S. minus có thời gian ủ bệnh dài hơn (1-3 tuần). Khoảng 50% phát triển phát ban xuất huyết ở trung tâm. Viêm khớp ít gặp.

Đường lây truyền của bệnh

Mầm bệnh tồn tại và phát triển trong hệ thống hô hấp trên (mũi và hầu họng) của chuột hay một số loài gặm nhấm khác. Hầu hết chuột dù mang vi khuẩn trong cơ thể nhưng không có triệu chứng và biểu hiện bệnh lý, chỉ một số ít trường hợp chúng bị bệnh.

Vi khuẩn lây từ động vật gặm nhấm sang người thông qua vết cắn hoặc xước có dính nước bọt của chúng, nguy cơ lên đến 10%. Thường xuyên tiếp xúc với chuột như người làm việc trong phòng thí nghiệm, buôn bán vật nuôi, sống trong khu vực nhiều chuột sinh sống làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt do chuột cắn lên gấp nhiều lần.

Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng bao gồm: Viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm phổi, áp xe khu trú, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp sinh mủ và suy đa tạng. Đặc biệt, nguy cơ tử vong do các biến chứng này đã được báo cáo có thể lên đến khoảng 50%.

Các biện pháp điều trị sốt do chuột cắn

Bạn cần rửa sạch vết thương và tiêm phòng uốn ván hoặc bệnh dại khi bị động vật cắn.

Penicillin là lựa chọn điều trị cho người bị bệnh chuột cắn. Điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng nặng. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 13% ở những bệnh nhân không được điều trị. Bệnh nhân được bắt đầu điều trị ngay khi có biểu hiện lâm sàng và có yếu tố liên quan đến chuột cắn hay có nuôi, chăm sóc chúng.

Benh do chuot can anh 2

Bạn cần rửa sạch vết thương và tiêm phòng uốn ván hoặc bệnh dại khi bị động vật cắn. Ảnh: Onlymyhealth.

Ở bệnh nhân có thể biến chứng nghiêm trọng, đáp ứng điều trị phải được đánh giá cẩn thận và tích cực hơn (ví dụ, dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch cao hơn hoặc kéo dài) nếu bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng cải thiện.

Cách phòng ngừa bệnh

– Diệt trừ chuột và gặm nhấm gây hại, nhất là ở các khu vực thành thị đông dân cư.

– Không sử dụng nguồn nước và thực phẩm có khả năng bị ô nhiễm do chuột.

– Nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên tại các cửa hàng, trang trại nuôi chuột hoặc gặm nhấm khác cần sử dụng găng tay khi tiếp xúc với động vật. Ngoài ra, bạn cần làm sạch lồng chuột và vệ sinh xử lý chất thải của chúng đúng quy cách.

– Những người nuôi chuột không nên hôn chúng. Bạn nên rửa tay sau khi xử lý động vật.

– Tổ chức, lên kế hoạch tuyên truyền giáo dục về các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do chuột cắn để nâng cao nhận thức. Chúng giúp ngăn ngừa bệnh nặng ở những người tiếp xúc với chuột.

Sau khi bị chuột cắn, bạn có nguy cơ bị phơi nhiễm và mắc bệnh, cần uống thuốc dự phòng ngay. Người bệnh có thể lựa chọn kháng sinh nhóm penicillin và uống trong 3 ngày. Dù vậy, hiệu quả của liệu pháp kháng sinh dự phòng còn chưa thực sự được kiểm chứng và đảm bảo chắc chắn về hiệu quả.

Bài viết do điều dưỡng Nguyễn Khánh Linh, Lê Thị Hằng, Đinh Thu Trang, khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cung cấp thông tin.