Cam xoàn Lai Vung vào mùa đạt độ ngọt cao, mọng nước
Hiện nay, cam xoàn đang vào chính vụ, lượng cam rất dồi dào, đạt chất lượng cao, quả cam tương đối đồng đều ngọt và mọng nước. Nhưng ít ai biết rằng để có được những quả cam như vậy các nhà vườn phải có một “Nghệ thuật” bón phân, chăm sóc, quản lý dịch bệnh.
Cam xoàn chín vàng sẽ đạt vị ngọt thanh của cam.
Cam xoàn là cây có múi, sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thị trường. Để có những trái cam đẹp, được thị trường ưa chuộng cần phải bón lượng phân cân đối. Người dân gọi là “nghệ thuật” bón phân để cho trái nhìn vừa đẹp mắt ăn lại ngon. Điều này không mấy dễ dàng đối với người trồng.
Các kỹ sư tại Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu nhiều năm và nhận định, đối với cây có múi nói chung, đặc biệt là cây cam xoàn, có một số vấn đề như vỏ dày, xù xì, ít nước, không ngọt, thậm chí không có nước. Các vấn đề kể trên liên quan đến vấn đề bón phân trong giai đoạn phát triển trái. Khi bón phân trong giai đoạn 1,5 tháng sau khi đậu trái cho đến khi thu hoạch, thì ngưng bón phân khoảng 1 tháng, tổng cộng 1,5 tháng sẽ bón 1 lần.
Với công thức bón phân hiện tại của bà con thì tỉ lệ vỏ dày và trái bị khô khá nhiều. Nếu bón phân 5 lần từ 1,5 tháng đến khi thu hoạch, với tỉ lệ đạm – lân – kali bằng nhau thì trái khoảng 180gram, khoảng 5,5 trái/kg sẽ cho trái ngọt. Nếu bón kali nhiều ngay từ đầu, từ lúc 1,5 tháng đến khi thu hoạch thì trái sẽ rất ngọt, nhưng trái nhỏ. Vì vậy, trong kỹ thuật canh tác, đặc biệt đối với cây có múi thì phân bón ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trái.
Cam xoàn trái ngon là những trái nhỏ – vừa, không lớn.
Về vai trò dinh dưỡng đối với cây có múi, có hai chất rất quan trọng. Một là chất đạm – là chất quyết định năng suất, hai là chất kali sẽ quyết định phẩm chất trái. Đặc biệt, cây trong giai đoạn còn tơ thì cây sinh trưởng rất mạnh, nếu bón thúc cho cây sinh trưởng mạnh, nhưng không bón phân cân đối sẽ làm cho da cam xù xì.
Mặt khác, nếu bón phân đạm nhiều, trái sẽ to, vỏ dày, bên cạnh đó sẽ dẫn đến thúc đẩy cây ra đọt nhiều, nếu cây ra đọt nhiều trong giai đoạn trái lớn có thể làm khô múi. Nếu bón kali nhiều ngay từ đầu sẽ làm trái không lớn được, nhưng trái ngọt. Vì vậy, hiện nay cũng đã có những nghiên cứu để cải thiện chất lượng.
Để quản lý dịch hại trên vườn trồng, đặc biệt là bệnh vàng lá gân xanh trên cam, trước tiên phải quản lý được rầy chổng cánh bằng cách sử dụng nguồn giống sạch bệnh, vệ sinh vườn thường xuyên, khi xử lý ra đọt non phải phòng trị đối tượng dịch hại này, thường xuyên kiểm tra vườn để sớm phát hiện bệnh để có những biện pháp xử lý.
Miếng cam xoàn đá tép giòn, mọng nước.
Ngoài ra, để đảm bảo cam đạt chất lượng VietGap chúng ta cần tuân thủ đúng quy trình canh tác trong việc vệ sinh vườn cam, thời điểm bón phân, sử dụng các loại thuốc phòng bệnh và dịch hại trong danh mục được cấp phép. Tuy nhiên, hiện nay đa số các nhà vườn đã áp dụng thuốc sinh học cho cây có múi, cộng với thời gian cách ly thuốc BVTV 1 tháng trước khi thu hoạch nên đây là loại trái cây rất an toàn cho người dùng.
Cam Xoàn Lai Vung chúng tôi xin cám ơn các “Nghệ nhân” trồng cam ở Lai Vung đã cho ra đời một loại trái ngon của người Việt, một đặc sản cam xoàn ngon ngọt nổi tiếng.
C.T.