Cấm kinh doanh đòi nợ thuê: Doanh nghiệp đòi nợ chuyển hướng kinh doanh
Ngày 17.6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vốn gây tranh cãi trong thời gian qua. Kết quả có 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành cấm loại dịch vụ này, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2021, điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đều bị xóa sổ từ ngày 1.1 năm sau.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thu nợ Dân An cho biết, thời gian qua có một số doanh nghiệp đòi nợ biến tướng ảnh hưởng đến xã hội và đây là lý do dẫn đến Quốc hội cấm ngành nghề này hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu xã hội vẫn có về việc thu hồi nợ thuê, bởi khi có phát sinh nợ thường là họ tìm đến các công ty đòi nợ vì được giải quyết nhanh hơn và khả năng thu hồi nợ được cao hơn.
“Doanh nghiệp tính chuyển đổi sang ngành nghề khác thì còn phải phụ thuộc vào pháp luật, còn chuyển đổi sang một ngành nghề tương tự có thể là cái bẫy vi phạm pháp luật” – ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – PGĐ Công ty Cổ phần Đòi nợ thuê An Khang cho biết, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp giải quyết hàng nghìn hồ sơ tồn động của khách hàng, đồng thời tìm hướng đi kinh doanh mới cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhân viên sau khi doanh nghiệp ngưng hoạt động
“Hiện tại chúng tôi đang rà soát lại tất cả những hợp đồng đã ký với khách hàng, khoảng hơn 1.000 hợp đồng, không biết có giải quyết kịp từ nay đến cuối năm không. Có thể sau khi chấm dứt hoạt động đòi nợ, chúng tôi sẽ chuyển sang tư vấn pháp lý, sắp xếp lại nhân viên cho hài hòa, biết là rất khó và coi như làm lại từ đầu” ông Khánh nói.
Đề phòng đòi nợ thuê biến tướng sang “xã hội đen”
Có nhiều năm kinh doanh đòi nợ thuê, với kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Quốc Khánh lưu ý đến thực trạng, khi cấm hoạt động đòi nợi thuê công khai sẽ có khả năng hoạt động đòi nợ thuê kiểu xã hội đen biến tướng mạnh, cơ quan chức năng cần có giải pháp để chấn chỉnh thực trạng này.
“Tôi nhận định, trong thời gian khoảng 3-4 năm trở lại đây, có nhiều vụ việc đòi nợ nổi cộm xuất hiện trên báo chí với cách thức hoạt động sai trái. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp lâu năm làm tuân thủ pháp luật, bởi nhu cầu thuê đòi nợ là một nhu cầu có thực trong xã hội. Vì vậy, khi cấm hoạt động đòi nợ thuê công khai thì khả năng hoạt động đòi nợ chìm theo kiểu xã hội đen sẽ phát triển mạnh” – ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, khi không còn đòi nợ công khai nữa thì có thể phát sinh đòi nợ theo kiểu khác, phổ biến nhất là ủy quyền đòi nợ cho cá nhân, mà cá nhân có thể là dân “anh chị” ngoài xã hội.
“Về phía doanh nghiệp rõ ràng khi chuyển đổi không còn đòi nợ công khai nữa, thì có thể phát sinh đòi nợ theo kiểu khác mà chúng ta không nhìn thấy được. Khi đó cái mặt tiêu cực là người dân ủy quyền cho dân xã hội đen để đòi nợ, nên chúng ta cần lưu ý đến thực trạng này” – ông Sơn nói.
Hiện cả nước có hơn 200 công ty đòi nợ thuê, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi Quốc hội thông qua cấm hoạt động đòi nợ thuê, nhiều doanh nghiệp đòi nợ đã bắt đầu gặp khó hơn khi đòi khoản nợ cho khách hàng.
“Hiện 40 nhân viên đòi nợ của tôi đang gặp khó khăn hơn khi đòi nợ, bởi khi đến nhiều người cho rằng hoạt động đã bị cấm thì đòi gì nữa. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ban ngành có lộ trình và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp, người dân nắm rõ quy định cho đến khi chính thức chấm dứt hoạt động. Bên cạnh đó, các ban ngành cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp hướng dẫn về thuế, về pháp lý,… để doanh nghiệp giải quyết tồn động những công việc liên quan đến tài chính, nhân sự cho đến lúc chấm dứt chính thức” – ông Khánh nói.