Cam Hàm Yên mất mùa nhưng không mất giá
Do tình hình thời tiết bất lợi, nhiều diện tích cam Hàm Yên (Tuyên Quang) mất mùa, thế nhưng giá cam đầu vụ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
So với vụ năm ngoái Cam Hàm yên giảm 20.000 tấn sản lượng, nhưng bù lại giá cao hơn. Ảnh: Đào Thanh.
Tổng diện tích cam cho thu hoạch của huyện Hàm Yên hiện nay là hơn 6.400ha, với sản lượng ước đạt 83.000 đến 84.000 tấn. Cam sành vẫn chiếm diện tích lớn nhất với sản lượng ước đạt hơn 64.000 tấn, tiếp đến cam chanh, cam Xã Đoài hơn 14.000 tấn, cam V2 hơn 4.000 tấn.
So với vụ cam năm 2020, vụ cam nay nay ước giảm khoảng 20.000 tấn. Nguyên nhân giảm này là do giai đoạn đầu vụ cây ra hoa gặp thời tiết bất lợi nên tỷ lệ đậu quả thấp. Hơn nữa trong các vụ cam năm 2019, 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc phát triển ồ ạt vùng cam khiến quả cam Hàm Yên liên tiếp mất giá.
Nhiều nhà vườn lỗ vốn nên đến vụ cam năm nay nhiều hộ nông dân đã không muốn đầu tư chăm sóc, để cây tự nhiên sinh trưởng phát triển dẫn đến dinh dưỡng nuôi cây ít, quả đạt năng suất cam thấp. Nhiều nhà vườn chặt cam để trồng các cây trồng khác.
Đến giữa tháng 10, vùng cam Hàm Yên đã bắt đầu vụ vào thu hoạch. Với giá cam đạt từ 6.200 đến 6.500 đồng/kg thì so với vụ trước, cam Hàm Yên năm nay cao hơn 1.000 đồng/kg. Nỗ lực không để cam Hàm Yên mất giá, trước khi vào vụ thu hoạch cam chính quyền tỉnh Tuyên Quang và các cơ quan liên quan đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các Tập đoàn phân phối, sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như Sen đỏ, Amazon, Shopee…
Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, so với đầu vụ năm ngoái, thời điểm này giá cam trên địa bàn huyện Hàm Yên có tăng hơn. Nếu dịch Covid-19 không diễn biến phức tạp, có lẽ vụ cam năm nay sẽ được giá hơn 2 vụ trở lại đây. Ông Hưng cũng thừa nhận, cam năm nay mất mùa và sâu bệnh nhiều hơn những vụ trước, do việc đầu tư chăm sóc ít hơn.
Chính quyền tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên. Ảnh: Đào Thanh.
Kết nối tiêu thụ các sản phẩm cam, ngoài việc bán cho thương lái đi các tỉnh, đến nay các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã thực hiện thương thảo để ký kết hợp đồng tiêu thụ với Tập đoàn Masan; siêu thị BigC kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên với HTX Phong Lưu; bưu điện tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện cam kết, kết nối tiêu thụ đi các thị trường là 10.000 tấn từ nay đến hết vụ…
Hiện nay, thị trường tiêu thụ cam Hàm Yên chủ yếu vẫn là các tỉnh phía Nam và miền Trung. Theo tính toán của ngành chức năng huyện Hàm Yên, thì vụ năm nay, cam các loại tiêu thụ ở thị trường này sẽ là khoảng gần 40.000 tấn. Còn lại sẽ thực hiện tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng như nội tỉnh.
Bên cạnh khó khăn về tiêu thụ và giá, thì một khó khăn nữa mà vùng cam Hàm Yên đang phải đối diện, đó là sâu bệnh hại. Đặc biệt là bệnh vàng lá Greening hay còn gọi là Bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus thuộc nhóm procaryote gây ra. Vi khuẩn sống trong mô libe của cây, bệnh thường xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm, lan truyền do rầy chổng cánh và vật liệu nhân giống.
Bệnh vàng lá thối dễ do các loại nấm thủy sinh sống dưới đất gây bệnh như Fusarium, Phytophthora, Pythium và tuyến trùng đất gây hại. Nấm bệnh gây hại nặng cho cây, chúng gây thối rễ, loét thân và thối quả. Tuyến trùng có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây chủ, làm tắc mạch dẫn và giảm khả năng sinh trưởng của cây. Từ đó, cây nhiễm bệnh dần suy yếu và có thể chết. 2 Loại bệnh này đang tấn công và làm suy yếu, chết hằng trăm ha cam của huyện Hàm Yên.
Mở rộng phát triển vùng cam theo hướng nông nghiệp tốt, đến nay toàn vùng cam Hàm Yên có 756ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 18,6ha đạt chuẩn hữu cơ chuyển đổi. Năm 2020, huyện sản xuất và cung ứng được 21.000 cây giống cam sạch bệnh. Năm 2021, huyện tiếp tục thực hiện cung ứng được 7.000 cây. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên.