Cái nhìn qua ảnh chân dung: Chân dung trong nhiếp ảnh » Hội Nhiếp ảnh Tp.HCM
Tác phẩm Thầm lặng – HCV cuộc thi ‘Chân dung con người Việt Nam hôm nay 2010’
Đối với hầu hết các ngành nghệ thuật việc thể hiện con người bao giờ cũng là trọng tâm là tiêu điểm quan trọng nhất. Nhiếp ảnh cũng vậy, với những đặc thù của riêng mình. Nhiếp ảnh luôn gắn liền với hiện thực, bởi thế nên ảnh chân dung phụ thuộc hoàn toàn vào đối tượng của hiện thực cuộc sống mà không phụ thuộc vào ý tưởng của người cầm máy. Để đề cập vấn đề ảnh chân dung chúng ta cần phải phân biệt rõ khái niệm “thể hiện” và “ghi nhận”. Nếu chụp ảnh chân dung là ghi nhận thì chỉ là ghi lại hình hài một con người, cốt làm sao ảnh cho sáng sủa, rõ nét là được. Không khó! Nhất là ngày nay với những máy hiện đại, mọi dữ liệu đã được tính trước, người cầm máy chỉ việc bấm là ghi lại được hình ảnh con người một cách dễ dàng.
Việc thể hiện con người thì lại khác. Một bức ảnh chân dung đòi hỏi phải thể hiện trung thực được cái vẻ bề ngoài của nhân vật, vừa phải thể hiện được cuộc đời, thế giới nội tâm của đối tượng thông qua cái hình thức bên ngoài, đó là một việc không dễ dàng gì. Về mặt tạo hình trong ảnh chân dung rất quan trọng. Phải có thủ pháp làm nổi bật được cái chính, liên kết các mảng, chi tiết thành hình tượng diễn tả, có khả năng tác động đến tâm tư tình cảm và ý xuy nghĩ của độc giả.
NHÌN LẠI CUỘC THI
Từ sau nhiếp ảnh thời chiến tranh, ở Việt Nam có ít triển lãm chuyên đề. Nhìn vào các cuộc thi và triển lãm ảnh trong nước ta thấy rõ ràng sự sáng tạo trong ảnh rất ít, có thể nói là dậm chân tại chỗ, cái nhìn hầu như không thay đổi. Triển lãm ảnh “Chân dung con người Việt Nam hôm nay” do Hội NSNA Việt Nam tổ chức lần này là một bước đột phá trong nhiệm kỳ mới. Thực ra hàng năm chúng ta có rất nhiều triển lãm từ cấp độ trung ương đến địa phương, nhưng nói chung thì đề tài chỉ mang khái niệm chung chung như: Khoảnh khắc; Việt Nam – Đất nước – Con người…, chứ chưa có nhiều triển lãm chuyên đề, ngoài một số triển lãm cá nhân mà thôi. Vì vậy ý kiến trái chiều nhiều cũng là lẽ đương nhiên trên phương diện công luận cũng như LLPB.
Sau triền lãm ảnh lần này có nhiều ý kiến nói về chân dung nhưng lại ít quan tâm tới chân dung, đôi khi chỉ phát biểu theo cảm tính. Tỉ dụ như bức ảnh được giải có tên “Thầm lặng” của Diệp Đức Minh (HCV), tác giả Việt Tiến nhận xét “người chiến sỹ chữa cháy trong phút giây chiến đấu với giặc lửa sao được phép dừng lại để… chỉ một tay cầm “súng”…, còn cả những người bên cạnh, tại sao họ lại hờ hững đứng nhìn? Ở đây tác giả quên mất điểm mấu chốt của chân dung là gương mặt người. Đôi mắt nhắm lại nhăn nheo, cái miệng há ra dường như cái nóng còn đọng lại trên mặt thì không hề chú ý. Hơn nữa chân dung con người trong lao động thì khoảnh khắc là quan trọng. Mà cái khoảnh khắc là bao nhiêu giây chắc những người cầm máy đều biết. Thế mà tác giả không cho phép họ nghỉ phút nào! Ngay trong chiến đấu người ta cũng phải tranh thủ nghỉ ngơi, phục hồi lại chính mình rồi chiến đấu tiếp. Họ có quyền dừng lại để thay một băng đạn hay tự băng bó vết thương cho mình để mà có thế tiếp tục cuộc chiến. Ngay một trận bóng đá đỉnh cao cũng có lúc cầu thủ đi lững thững trên sân để chuẩn bị cho một đợt dốc sức mới khi bóng đến khu vực của mình, không cầu thủ nào có thể chạy suốt 90 phút của trận đấu. Cái vòi nước vẫn phun kia đã thể hiện sự khẩn trương, không có thời gian để tắt đi rồi vặn lại, chỉ một chớp mắt là người lính cứu hỏa lại lao vào trận chiến cứu hỏa. Nếu xem lại hình ảnh tòa nhà bị khủng bố ở Mỹ ngày 11tháng 9 năm 2001 thì ta thấy rất nhiều người đứng nhìn trong khi chỉ có lực lượng cứu hỏa lao vào. Bởi họ mới có quần áo chống cháy, mới có phương tiện, người khác lao vào chỉ gây cản trở mà thôi. Xin đừng đặt câu hỏi “tại sao những người khác lại chỉ đứng nhìn”! Ở đây tôi chỉ lấy một ảnh được HCV để đề cập, có tính chất ví dụ mà thôi. Như vậy quá phủ nhận cuộc thi và kết quả của cuộc thi và triển lãm ảnh “Chân dung con người Việt Nam hôm nay” là chưa công bằng như nó vốn có. Nhưng thẳng thắn mà nói những bức ảnh chân dung gây ấn tượng mạnh mẽ, những bức ảnh chân dung như kể cho ta nghe về câu chuyện một cuộc đời thì chưa có nhiều. Đa số chỉ là những bức ảnh con người trong lao động và sinh hoạt mà thôi.
Kết quả của mỗi cuộc thi và triển lãm có vai trò rất lớn của công tác thẩm định và công việc LLPB . Trước hết về LLPB, người làm lý luận phê bình không chỉ biết về bố cục, tạo hình trong nhiếp ảnh, không chỉ biết chụp ảnh mà còn phải am hiểu, có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo tới công việc của con người mà bức ảnh đề cập, cùng với những hiểu biết về thể loại ảnh với những đặc trưng của nó thì mới đọc được ảnh. Với khả năng đọc ảnh sâu sắc, người viết phê bình mới cảm thông với biểu hiện của từng hành động của nhân vật trong ảnh, mới phát hiện được cái hợp lý, cái bất hợp lý và những sáng tạo cá nhân của người cầm máy. Có nghĩa rằng họ phải là người thông thạo về ngôn ngữ nhiếp ảnh. Trong công tác thẩm định chúng ta lại càng cần những người có k
iến thức như thế. Không phải ai có vài bức ảnh được giải, hoặc là người cầm máy lâu năm là có thể thẩm định được ảnh. Biết nói, biết cười và sống lâu cũng chưa đủ yếu tố để trở thành một nhà ngôn ngữ học!
Hai khâu LLPB và thẩm định ảnh là khâu mấu chốt cho sự vươn lên của nhiếp ảnh nước nhà. Hơn lúc nào hết bây giờ là thời điểm cần thiết phải nâng cao kiến thức của đội ngũ những người thẩm định ảnh. Bởi họ là những người giúp cho sự phát triển của nền nhiếp ảnh và nhất là định hướng khả năng sáng tạo của đội ngũ cầm máy nước nhà. Nếu không thế ta chỉ chọn được các tác phẩm giống của mình hoặc na ná như mình mà thôi, điều đó đồng nghĩa với việc khuyến khích sự sao chép lập lại một cách vô ý thức. Ví như tình yêu và lòng hận thù. Đó là hai khái niệm đối lập rõ như ban ngày nhưng có phải ai cũng ứng xử như nhau đâu. Cách ứng xử hoàn toàn dựa vào hoàn cảnh lịch sử, văn hóa nền tảng cũng như truyền thống, phong tục của từng vùng miền cũng khác nhau và cuối cùng là trình độ, cá tính của chính họ sẽ tác động đến cách ứng xử về vấn đề mà con người gặp phải. Trong thực tế, người ta thấy một số người vừa được đề bạt với nhiều lí do trong công tác nhân sự – Âu cũng là điều bình thường. Điều không bình thường là vừa được đề bạt họ biến ngay thành một “nhân tài’, có đủ những năng lực mà trước kia họ không có để đi thẩm định đánh giá, mặc dù chuyên môn rất thiếu. Kiểu tổ chức thẩm định như vậy làm hỏng phong trào là lẽ đương nhiên. Đối với thẩm định cần những người có trình độ cơ bản, có kiến thức sâu, rộng mới đáp ứng được đòi hỏi của thời đại mới, cộng với cái tâm trong sáng.
TIÊU CHÍ
Ảnh chân dung là một lĩnh vực rộng lớn và có nhiều cách tiếp cận, nên mỗi một cuộc thi tiêu chí của nó phải thật rõ ràng. Nên rút kinh nghiệm từ cuộc thi ảnh “khoảnh khắc” nhiệm kỳ trước. Người ta không có tiêu chí của khoảnh khắc và lầm lẫn khái niệm nên dẫn đến sự hiểu sai lệch về một chủ đề gây nhiều tranh cãi và thắc mắc. Nếu nói về nét cơ bản của Chân dung – Đó là hình ảnh con người thể hiện được đặc điểm về diện mạo (có tính chất nhận dạng), đồng thời thể hiện được cá tính và khắc họa những nét cơ bản cuộc đời của nhân vật, mà đa số là nhân vật đối diện trực tiếp với ống kính của nhà nhiếp ảnh. Những bức ảnh loại này là những bức ảnh tĩnh, không phải là ảnh chuyển động. Chân dung loại này có tính hàn lâm. Nhưng thể hiện rất khó. Trước hết nhân vật phải có cá tính rõ nét, có đặc điểm mang tính dân tộc, vùng, miền. mang dấu ấn của môi trường sống và làm việc.Vì vậy những bức chân dung loại này mà thành công thường để lại dấu ấn rất mạnh và sống mãi với thời gian.
Để chụp thành công ảnh loại này người ta thường sử dụng những chi tiết trọng yếu trong nhiếp ảnh. Như cái vòi phun nước của anh lính cứu hỏa, cái ống nghe của người bác sỹ, cái kính của vị giáo sư, cái gậy của người mù…, và tất cả những chi tiết đó phải phù hợp về bản chất, sự bộc lộ trên khuôn mặt của nhân vật. Xét trên phương diện đó, gương mặt, chiếc vòi phun, những giọt nước trong ảnh của Diệp Đức Minh là một sự kết hợp thành công để diễn tả người lính cứu hỏa này. (Nếu như một bối cảnh trọn vẹn: Hai tay cầm vòi phun, chĩa thẳng vào đám lửa như tưởng tượng một anh lính cứu hỏa hoàn hảo thì không khác gì một buổi diễn tập, dù có thể là chụp trên hiện trường thực sự. Trong nhiếp ảnh nhiều lúc chụp thật mà như giả là vậy). Sức sống của sự sáng tạo là người cầm máy phát hiện được những điều không bình thường trong cái qui luật bình thường của cuộc sống thường nhật. Ngoài ra còn có những phong cách Chân dung mang tính ký ức. Loại này chúng ta thường gặp trong ảnh dịch vụ và dòng nhiếp ảnh Tư liệu rất nhiều. Còn Chân dung mang thông điệp phần lớn nằm trong thể loại ảnh báo chí và nghiên cứu…, trong phạm vi bài này ta chưa có dịp đề cập kỹ lưỡng.
Ảnh: Diệp Đức Minh
Nguyễn Thành