Cái khó khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
TTH – Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được áp dụng ở các trường trung học phổ thông (THPT) trên toàn quốc, trước hết là dành cho học sinh khối 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo đối với học sinh lớp 11 và 12.
Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế)
Giảm tải
Chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình GDPT mới, cán bộ quản lý và giáo viên của tất cả các trường được nghiên cứu chương trình; cách thức thực hiện; lựa chọn những bộ sách phù hợp với học sinh của trường và của địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…
Đối với cấp THPT, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đối với học sinh là ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Các môn học sinh được lựa chọn theo nhóm tổ hợp môn: nhóm khoa học xã hội (gồm các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý); nhóm khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học), nhóm công nghệ và nghệ thuật (gồm công nghệ, tin học, nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Trong đó, môn công nghệ gồm công nghệ theo hướng nông nghiệp và công nghệ theo hướng công nghiệp; môn nghệ thuật gồm 2 phân môn âm nhạc và mỹ thuật.
Như vậy, ngoài 5 môn học và 2 hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh phải chọn tối thiểu 5 môn học khác của nhóm môn được lựa chọn (mỗi nhóm môn phải lựa chọn ít nhất 1 môn). Ngoài ra, học sinh còn được học các chuyên đề nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp các em tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Từ thực tế dạy học gần 30 năm qua, người viết nhận thấy, đây là hướng xây dựng chương trình khá phù hợp. Đối với học sinh THPT, trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình là hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa thực tiễn cao. Về cơ bản, chương trình GDPT mới tiếp tục kế thừa mục tiêu giáo dục mà chương trình hiện hành đã đặt ra, nhưng sẽ giảm tải so với chương trình hiện hành: Giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, phù hợp với tình hình phát triển của xã hội, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn các môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động trải nghiệm.
Khó khăn của các trường THPT là cần tổ chức cho học sinh lựa chọn các tổ hợp môn học như thế nào để vừa đảm bảo mục tiêu đặt ra, đồng thời đảm bảo khai thác tối ưu nguồn lực của nhà trường, tránh gây thiếu cục bộ đội ngũ giáo viên, bị động trong triển khai thực hiện…
Cần phải có định hướng
Đối với lớp 10, tinh thần chung của chương trình GDPT mới là học sinh có quyền lựa chọn môn học tự chọn phù hợp với sở thích, nguyện vọng và năng lực của các em. Nhưng nếu để lựa chọn theo ý của học sinh thì nhà trường lại rất khó đáp ứng hết (vì có hơn 100 tổ hợp môn để học sinh lựa chọn). Do vậy, cần phải có định hướng các em lựa chọn theo trong điều kiện của nhà trường.
Nhiều trường dù muốn dạy đủ các môn cũng rất khó vì thiếu giáo viên, thậm chí muốn hợp đồng giáo viên dạy cũng không dễ vì liên quan đến dự toán kinh phí hằng năm. Vì vậy, mỗi trường cần phải xây dựng một số tổ hợp môn học phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Số tổ hợp môn và số lớp trên mỗi tổ hợp do nhà trường quyết định, sao cho đảm bảo sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Sau khi quyết định số tổ hợp và số lớp tuyển sinh trên mỗi tổ hợp mà trường có thể đáp ứng được, nhà trường sẽ công bố sớm để học sinh lựa chọn và quyết định đăng ký. Việc xây dựng kế hoạch sớm sẽ giúp nhà trường chủ động trong việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học tới.
Đối với giáo viên, khi thực hiện chương trình GDPT mới không khỏi gặp khó khăn. Trước hết là việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Sự lựa chọn này đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu nhiều bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Sau khi nghiên cứu các bộ sách, thầy cô giáo dạy cùng bộ môn trong nhà trường thống nhất chọn bộ sách nào và gửi yêu cầu về Sở Giáo dục và Đào tạo.
Để thực hiện công tác dạy học theo chương trình GDPT mới, giáo viên ngoài việc tích cực tham gia bồi dưỡng theo chương trình ETEP của Bộ còn phải tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực của bản thân để đáp ứng với yêu cầu đổi mới phương pháp và cách thực tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cần phải nghiên cứu nội dung chương trình thuộc phân môn giảng dạy để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng mới. Giáo viên phải thực sự chuyên tâm học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, đặc biệt là những nội dung mới mà chính bản thân giáo viên đã được đào tạo từ lâu không còn phù hợp.
Bài, ảnh: TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng