Cái độc đáo của Lão Hạc trong thế giới nhân vật Nam Cao

Tôi vẫn cho rằng, cái khiến nhà văn Nam Cao viết về một cuộc đời của một nhân vật như lão Hạc, cái làm cho người đọc khó có thể quên được hình tượng lão Hạc chính là sự bất ngờ, sự thức tỉnh trong nhận thức về nhân cách một con người. Giả sử lão Hạc không dùng bả chó để tự tử mà dùng nó để kiếm miếng ăn khi cùng đường thì truyện ngắn Lão Hạc cũng chẳng có gì đặc sắc, bởi như vậy thì lão Hạc có khác gì nhân vật bà lão chết vì một bữa no trong truyện ngắn Một bữa no cũng của Nam Cao? Cần gì đến tận hai cái truyện ngắn để nói về cùng một vấn đề?

Lão Hạc là một người hết lòng thương con! Lão là một người vị tha, dám nhịn đói, chịu kham khổ để thu vén, dành dụm cho con! Điều ấy hẳn người đọc không mấy khó khăn để nhận thấy, bởi ngay từ đầu truyện, lão Hạc đã tâm sự với ông giáo về chuyện con trai lão đi làm đồn điền cao su ở xa “đến một năm nay, chẳng có giấy má gì” cả. Lão thương thằng con trai bởi nó không lấy được người nó yêu chỉ vì lão quá nghèo. Lão thương nó bởi nó vì phẫn chí mà quyết bỏ làng ra đi kiếm đủ tiền cưới vợ mới về. Thân già sớm chiều cô quạnh, lấy con chó làm bầu bạn tâm sự, khi nào cũng hướng niềm thương, nỗi nhớ về thằng con đi xa lâu chưa về. Cha mẹ thương con! Đấy là một tình cảm bản năng, có gì lạ đâu?

Cái hay của truyện ngắn Lão Hạc chính là sự bất ngờ trong những chuyện tưởng như không gì đáng bất ngờ. Có hai sự kiện bất ngờ:

Chuyện thứ nhất: Lão Hạc quyết định bán “cậu Vàng”.

“Cậu Vàng” ở đây chính là con chó của lão Hạc. Con chó là vật nuôi trong nhà, người ta có thể để nuôi, để bán hoặc giết thịt khi nào muốn. Chính Nam Cao đã có ít nhất hai truyện ngắn (Cái chết của con Mực, Trẻ con không được ăn thịt chó)  kể chuyện người ta giết và ăn thịt chó. Bán chó là một chuyện bình thường khi người ta không muốn nuôi nó nữa, hay đang cần một món tiền. Điều đó chẳng có gì lạ. Ấy vậy mà lão Hạc đã nói cái dự định bán con chó của lão với ông giáo hàng xóm một cách đầy đắn đo, phân vân:

“- Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ”.

Không phải lão nói ý định ấy của lão một lần, mà đã từng nói rất nhiều lần, đến nỗi ông giáo hàng xóm “nghe câu ấy đã nhàm rồi”. Có lẽ ai cũng phải khó chịu khi nghe chuyện bình thường, vặt vãnh, cỏn con ấy nhắc đi nhắc lại. Nếu là một người khó tính thì có lẽ không kiềm chế được một cái nhăn mặt, một tiếng “xì”, một cái phẩy tay coi thường. Nhưng thật may, lão Hạc lại có một người hàng xóm điềm đạm, bình tĩnh, thường cam chịu để nghe những lời tâm sự của lão. Tuy vậy, song trong lòng ông giáo “rất dửng dưng”. Ông giáo biết rằng: “lão nói là nói để đấy thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại có bán thật nữa thì sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế…”.

Tất nhiên, với sự từng trải của mình, ông giáo cũng có thể thông cảm được nỗi tiếc xót của người ta khi buộc phải bán đi những gì mình yêu quý. Chính ông lúc túng bấn đã từng phải bán đi những cuốn sách “để lưu lại cái kỉ niệm một thời chăm chỉ, hăng hái và tin tưởng”. Còn năm cuốn cuối cùng ông giáo quyết tâm “dù có phải chết cũng không chịu bán”. Ấy thế mà ông cũng phải đành xót xa bán đi, khi đứa con nhỏ bệnh nặng mà không có tiền mua thuốc. Bởi thế ông giáo nghiệm ra rằng: “Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu? Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi…”.

Người đọc đương nhiên cũng đồng cảm với điều ông giáo nghĩ mà có biết đâu, con chó ấy là của thằng con trai lão mua, con chó ấy là chỗ dựa tinh thần của lão lúc tuổi già. Giờ thằng con lão đi xa chẳng biết đến bao giờ nó về. Lão cô đơn không có người bạn bầu tâm sự đành phải lấy con chó làm bạn sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn lúc tuổi già. Con chó đối với người ta chỉ là một con vật giữ nhà và giết thịt, nhưng đối với lão, nó là hiện thân của thằng con trai. Dường như bao nhiêu tình thương đối với người con trai lão đều chia sẻ với con chó của lão. Lão âu yếm “gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ  nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yên nó…”. Hiếm có người nào lại có thể quý con vật hơn lão. Thậm chí lão còn coi nó là cháu – con của con trai lão! Lão nựng nó như nựng một đứa con, một thằng cháu đích tôn:

“- À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!… Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết… Ông để cậu Vàng ông nuôi…”.

Điều bất ngờ ngoài dự kiến của ông giáo đã xảy ra: cuối cùng lão Hạc đã bán chó. Ông giáo thực sự bất ngờ. Khi lão Hạc báo: “Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!”, ông đã hỏi lại lão: “Cụ bán rồi?”. Câu nói ấy bên cạnh sự ngạc nhiên là ý muốn xác minh lại một sự thật, một sự thật mà theo ông sẽ không bao giờ xảy ra. Nếu như trước đây ông đã từng rất thờ ơ với ý định bán con Vàng của lão Hạc thì giờ đây khi nhìn thấy cái cười  như mếu của lão, thấy đôi mắt “ầng ậc” nước của lão, ông muốn “ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc”. Cái tiếc xót của lão Hạc đã truyền sang cả ông. Không, nói một cách chính xác hơn, đó chính là sự đồng cảm của những con người chỉ vì miếng cơm manh áo mà buộc lòng, rứt ruột bán đi những gì đã từng gắn bó thân thiết trong cuộc đời của mình. Ông đau với nỗi đau mất con chó của lão Hạc, song cũng là đau nỗi đau phải bán đi những cuốn sách quý báu của mình trước đây.

Sự bất ngờ trong diễn biến của cốt truyện này đã làm thay đổi rất nhiều quan hệ của các nhân vật. Cái nhìn của ông giáo đối với lão Hạc dường như đã thay đổi, đã được cải thiện hơn một bước. Ông thông cảm với lão hơn. Trong thâm tâm, ông mến phục hơn nhân cách đáng trọng của lão Hạc. Người ta có thể nghèo túng nhưng người ta hoàn toàn có thể trở thành thiên thần về nhân cách.

Chuyện lão Hạc nhờ ông giáo làm văn tự giữ hộ mảnh vườn cho thằng con trai và giữ hộ “hăm nhăm đồng bạc” ngộ nhỡ lão có qua đời thì nhờ bà con xóm làng lo liệu giúp lão đã đẩy kịch tính về số phận nhân vật lão Hạc lên cao hơn. Ông giáo biết rằng từ hôm đó lão sẽ không còn gì để ăn, lão phải ăn những gì lão “chế tạo” được: củ chuối, sung luộc, rau má,… Trong tình cảnh khốn khó như vậy, lạ thay lão vẫn từ chối những sự giúp đỡ của ông giáo một cách “hách dịch” và ngày càng tỏ ra xa ông giáo hơn.

Chuyện thứ hai: lão Hạc xin bả chó của Binh Tư.

Từ khi được Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó của hắn với lời hứa nếu bẫy được con chó vẫn đến vườn nhà lão thì lão và Binh Tư sẽ uống rượu, thì ông giáo vô cùng thất vọng và buồn chán, vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt: “Hỡi ông lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết… Một người như thế ấy!… Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!… Một người nhịn ăn để tiền làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?. Ông làm sao có thể tin được, bởi ở ông đã có một niềm tin vào nhân cách đáng trọng của lão Hạc. Trong khốn khó, thần tượng nhân cách của ông bị sụp đổ. Chẳng nhẽ trên cuộc đời này lại không có nổi một con người có nhân cách thắng nổi hoàn cảnh khó khăn ác nghiệt hay sao? Ông đau khổ có lẽ còn bởi ông có cảm giác mình bị lừa. Bất cứ ai ở trong hoàn cảnh như ông đều nghĩ như thế, vậy nên ông đau đớn mà chiêm nghiệm: “Cuộc đời quả thật mỗi ngày một thêm đáng buồn”.

Nhưng lão Hạc lại khiến người đọc bị bất ngờ một lần nữa. Ngay sau khi ông giáo nhận ra cái đáng buồn hơn của cuộc đời, thì đã vội phải đính chính lại ngay:

“Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”.

Hóa ra lão xin bả chó lại để cho chính lão. Cái chết thật là đau đớn. Lão thà chết chứ không muốn nhận miếng ăn của người khác, lão dám chết để bảo toàn được mảnh vườn cho người con trai đi xa. Tính kịch của truyện ngắn Lão Hạc đã có một vai trò rất lớn trong việc làm bật lên phẩm chất, nhân cách đáng kính, đáng trọng của lão Hạc.

Nhân cách thẳng ngay không gục ngã trước sự tác động của hoàn cảnh làm cho nhân vật lão Hạc trở nên đặc biệt độc đáo, đặc sắc trong thế giới nhân vật của Nam Cao trước Cách mạng. Nhiều nhân vật của Nam Cao vốn là những người hiền lành lương thiện, ấy vậy mà hầu như họ đều bị hoàn cảnh khuất phục. Chí Phèo, cu Đức (con trai Trương Rự), cu Lộ, Hộ… Chuyện ấy là đương nhiên, bởi họ chính là những nhân vật của một nhà văn hiện thực với những nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực, mà một trong những nguyên tắc ấy là xem xét nhân cách con người trong mối quan hệ với hoàn cảnh, con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Kì diệu thay, hoàn cảnh khắc nghiệt không biến một lão Hạc lương thiện trở thành một lão Hạc dám làm điều xấu mong có miếng ăn để tồn tại. Đến lúc cùng đường, lão đã bảo toàn nhân cách của mình bằng cách tự hủy diệt mạng sống.

Bởi thế chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định vấn đề trung tâm của truyện ngắn này không phải chuyện áo cơm mà là vấn đề nhân cách. Đây lại là một điểm mang tính thống nhất cao độ trong toàn bộ sáng tác của Nam Cao.

Cái tài của Nam Cao trong cách kể chuyện chính là biến nhân cách của một con người trở thành ẩn số mà đáp số nhà văn sẽ hé mở ở đoạn cuối chuyện. Đó chính là lí do vi sao lão Hạc cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm.

Lão Hạc, cho dù có một kết thúc thật buồn, song nó lại góp phần củng cố cho mỗi chúng ta một niềm tin vào nhân cách, vào sự tồn tại bền vững của cái tốt đẹp trong cuộc đời này.

Cái độc đáo của Lão Hạc cho thấy khả năng biến ảo tài tình của cây bút văn xuôi hiện thực Nam Cao. Rõ ràng trong toàn bộ các tác phẩm Nam Cao, có những vấn đề xuyên suốt, như cái đói, chết đói hay định kiến xã hội (như đã có dịp chúng tôi trình này trong bài viết Định kiến xã hội trong tác phẩm của Nam Cao trước Cách mạng – VH&TT số 4 – 2001), vấn đề “đôi mắt”… song cách thể hiện những chủ đề lớn ấy ở mỗi tác phẩm lại hết sức đa dạng. Cái độc đáo của nhân vật lão Hạc cũng khẳng định nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình của nhà văn. Thế giới nhân vật trong hàng chục truyện ngắn của Nam Cao thật đông đúc. Song kì diệu ở chỗ, mỗi nhân vật ó một khuôn mặt riêng, một tính cách riêng, thật sinh động và chân thực.

Từ việc tiếp cận nhân vật lão Hạc, người viết còn muốn lưu ý một hướng tiếp cận văn học trong nhà trường phổ thông. Lâu nay, đây đó tồn tại hai kiểu tiếp cận tác phẩm. Một là chỉ biết đến các tác phẩm đơn biệt mà không biết đến quan hệ của nó với các tác phẩm khác của chính nhà văn ấy, của giai đoạn, xu hướng… văn học ấy. Thế là mới chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Hai là người cảm thụ đem ốp máy móc những hiểu biết chung chung, sách vở nhất về một nhà văn, một giai đoạn, một xu hướng văn học để hiểu tất cả các tác phẩm trong các phạm vi đó mà không suy xét đến tính độc đáo của chúng. Thế là đã thấy rừng nhưng không thấy cây. Hướng này ít phổ biến hơn hướng trên. Cả hai hướng tiếp cận như vậy đều không thể dẫn người cảm thụ đến sự sâu sắc, thỏa đáng. Học văn như thế, kết quả tất yếu là tính thụ động, máy móc. Trong khi đó, điều học sinh cần đạt được sau những bài giảng văn lại là khả năng chủ động trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

Nên chẳng cần nói gì thì các bạn cũng hiểu: Bên cạnh những nét chung nhất về các phương diện tư tưởng nghệ thật của một nhà văn, một xu hướng văn học, người tiếp cận tác phẩm còn cần đi sâu tìm hiểu những nét độc đáo của mỗi tác phẩm, từ đó khẳng định sự tồn tại hợp lý của nó trong một hệ thống tác phẩm ở phạm vi lớn hơn.

Nguyễn Văn Tùng