Cải cách hành chính và một số giải pháp xây dựng, hoàn thiện nền hành chính nhà nước hiện nay
TÓM TẮT:
Cải cách hành chính (CCHC) là một hoạt động mang tính toàn cầu và đang được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Có thể xem đây là một trong những hoạt động hết sức quan trọng của các nước nhằm mục tiêu đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước. Bài viết phân tích những hạn chế, tồn tại và tìm ra những giải pháp khắc phục hạn chế để hoàn thiện nền hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển và hội nhập hiện nay là điều rất cần thiết.
Từ khóa: Cải cách hành chính, hành chính nhà nước, hoàn thiện nền hành chính.
1. Một số vấn đề về CCHC
CCHC là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể, để hoàn thiện một hay một số yếu tố của nền hành chính nhà nước (thể chế, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công), nhằm mục tiêu xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và hiện đại [1].
Hoạt động hành chính nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự an ninh, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội: Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao đời sống của người dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tạo mối quan hệ khăng khít giữa Đảng, nhà nước và nhân dân; giúp khắc phục những hạn chế, yếu kém của nền hành chính nhà nước, hoàn thiện nền hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển và hội nhập.
Đảng ta luôn xác định CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm, Đảng phải tập trung lãnh đạo thực hiện thành công trong thời gian tới. Đặc biệt trong các kỳ đại hội gần đây, Đảng ta đã quyết liệt đẩy mạnh công tác CCHC, cụ thể: Tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh CCHC nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực, hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước” [2].
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục chỉ đạo: “Đẩy mạnh CCHC, nhất là thủ tục hành chính, giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân,… Đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp đế năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người… Đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương.” [3] và “Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh CCHC phục vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí,…”.[3]
Tiếp tục Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII của Đảng đã đề ra các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội, đó là: “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ bản gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đổi mới cách thức quản lý và thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo hướng hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp; công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm tiêu cực, nhũng nhiễu.” [4] và Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế để nhằm mục tiêu “xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả” [4].
Nội dung của CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 bao gồm 9 điều, 5 mục tiêu, 6 lĩnh vực, 7 giải pháp. Trong đó, nội dung chủ yếu của CCHC được tập trung vào 6 lĩnh vực cải cách: (1) cải cách thể chế; (2) cải cách thủ tục hành chính; (3) cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; (5) cải cách tài chính công; (6) hiện đại hóa hành chính.
Vậy, nội dung trong CCHC nhà nước hiện nay được thực hiện trên 6 lĩnh vực, trong đó, việc hoàn thiện về mặt thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công là ba nhiệm vụ then chốt hiện nay.
2. Một số vấn đề đặt ra trong nền hành chính nhà nước ta hiện nay
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những mặt ưu điểm, nền hành chính nước ta còn có một số hạn chế sau đây:
Một là, nền hành chính nhà nước Việt Nam còn mang nặng dấu ấn của cơ chế quản lý kinh tế cũ, cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, đặc biệt là cơ chế xin – cho. Cụ thể, việc ban hành chủ trương, chính sách trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo còn giải quyết tình huống theo kiểu ban phát, cho con cá chứ không hướng dẫn người dân cách câu cá; chỉ đề ra chỉ tiêu, giải pháp có nhiều chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo như về cấp đất, nhà ở, tiền xăng, dầu,… cho hộ nghèo, nhưng lại thiếu quy định thời gian để người dân phấn đấu thoát nghèo. Do đó, một bộ phận người dân ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, quyết tâm “nghèo bền vững” để được hỗ trợ chính sách. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế của đất nước. Vì vậy, nền hành chính hiện nay vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới, cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong giai đoạn mới.
Hai là, việc cải cách thể chế đôi lúc chưa kịp thời, hệ thống thể chế hành chính ban hành còn chậm. Khi ban hành lại có nhiều sai sót, chậm được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư vẫn chưa được khắc phục triệt để. Hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, chưa đảm bảo tính thống nhất từ trên xuống dưới, nhiều văn bản còn chồng chéo và còn có những quy định chưa hợp lý, chưa thực sự khả thi, trật tự, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.
Một số văn bản quy định chưa hợp lý như ban hành các quy định: Ngực lép, thấp bé, nhẹ cân không được lái xe; răng hô, răng vẩu không được lái tàu; quy định về thời gian bán thịt heo trong vòng 8 giờ sau khi giết mổ; quy định về đất đai, cấp hộ khẩu,…
Về trật tự, kỷ cương chưa nghiêm như: Về vấn đề cấm bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi, cấm hút thuốc lá nơi công cộng,… pháp luật Việt Nam đã có hệ thống văn bản tương đối đầy đủ từ trước đến nay. Tuy nhiên ở nhiều địa phương hiện nay, tình trạng trẻ con uống bia rượu vẫn tái diễn, việc cha mẹ sai trẻ dưới 18 tuổi mua rượu bia là rất bình thường; hay việc hút thuốc nơi công cộng, đặc biệt tại các bến xe, bến phà, hành lang bệnh viện, ít ai quan tâm đến vấn đề này là vi phạm pháp luật và cơ quan nhà nước ở địa phương cũng chưa thực hiện xử phạt những hành vi này.
Ba là, thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, cụ thể, rõ ràng, còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã thẳng thắn thừa nhận vấn đề này và xác định đây là rào cản lớn đối với việc phát triển kinh tế xã hội. Do đó, để phát triển kinh tế – xã hội, cần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, tạo lập môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức,…
Bốn là, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều cấp trung gian tạo nên sức ỳ khiến tổ chức bộ máy vận hành chậm chạp; phương thức tổ chức, quản lý hành chính còn chậm đổi mới, chưa phù hợp nên rất khó làm việc và không mang lại hiệu quả; các chức năng, nhiệm vụ quy định chưa rõ ràng, sự phân công, phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức không cụ thể dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ; chưa có những cơ chế, chính sách tài chính thích hợp với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức làm dịch vụ công. Cụ thể, vấn đề lương của cán bộ, công chức hiện nay chưa đủ sống và lo được cho gia đình dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.
Năm là, đội ngũ cán bộ, công chức trình độ, năng lực chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao, còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, năng lực chuyên môn còn yếu, kỹ năng hành chính chưa nhiều; phong cách làm việc chậm đổi mới, một số nơi vẫn còn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII Đảng ta cũng đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước…; nhiều tổ chức, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắt bén và hiệu quả chưa cao” [4]. Tình trạng này phần này cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của người lãnh đạo, của Đảng và Nhà nước ta.
Sáu là, về tài chính công, trong thời gian qua còn có những vấn đề như: lĩnh vực ngân sách nhà nước còn có nhiều hạn chế như cân đối ngân sách còn thiếu chủ động; cơ cấu chi ngân sách còn có những khoản chi mang tính bao cấp đã tạo ra tư tưởng ỷ lại; phạm vi chi ngân sách còn rộng, chưa xác định rõ nên khó giảm được gánh nặng chi ngân sách. Đầu tư công từ ngân sách nhà nước còn lớn, dàn trải, kém hiệu quả. Mức chi tiêu của bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp còn lạc hậu, chưa thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực tiết kiệm, dẫn đến tình trạng lãng phí khá phổ biến trong việc chi tiêu ngân sách nhà nước.
3. Một số giải pháp xây dựng, hoàn thiện nền hành chính nhà nước ta hiện nay
Một là, Đảng và Nhà nước ta cần tăng cường đổi mới tư duy trong công tác ban hành chính sách, nâng cao công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính. Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác.
Hai là, tăng cường cải cách về thể chế như: xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật để hệ thống pháp luật càng chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và hợp lý hơn, nâng cao trật tự, kỷ luật, kỷ cương xã hội.
Ba là, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành không cần thiết, thực hiện công khai, minh bạch, rõ ràng các thủ tục hành chính trên nhiều hình thức, như: niêm yết tại trụ sở cơ quan, công khai trên các cổng thông tin điện tử, trang website,… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính.
Bốn là, tiếp tục thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh tinh giản biên chế, cắt giảm các cơ quan hành chính nhà nước, các bộ phận chuyên môn không cần thiết trong các cơ quan hành chính nhà nước để giảm sự cồng kềnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước. Đổi mới phương thức tổ chức, quản lý hành chính nhà nước để có một phương thức hoạt động phù hợp và mang lại hiệu quả hơn; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; rà soát các quy định về tổ chức, bộ máy để xóa bỏ những quy định chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước theo quy định, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công vụ có chất lượng và hiệu quả cao.
Năm là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể: hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức, thực hiện nghiêm túc chế độ tuyển dụng, nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, tổ chức bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cho phù hợp. Xây dựng quy chế và thực hiện công tác đánh giá cán bộ, công chức trên cơ sở kết quả công việc đầu ra. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng hành chính, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ trẻ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Sáu là, tiếp tục thực hiện cải cách tài chính công. Cụ thể: Tăng cường chủ động xây dựng cơ chế phân bổ tài chính trên cơ sở xác định nhiệm vụ, công việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ; Động viên hợp lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội; Tiếp tục hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế, các chính sách về thu nhập, tiền lương, tiền công; Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước; Đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, dân số – kế hoạch hóa gia đình, thể dục, thể thao; Đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước, Giáo trình trung cấp lý luận chính trị – hành chính, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2007). Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội.
- Ban Tuyên giáo Trung ương (2011). Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng,NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII, NXB Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2011), Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020.
THE ADMINISTRATION REFORM AND SOME SOLUTIONS
TO ESTABLISH AND PERFECT THE CURRENT STATE ADMINISTRATION
SYSTEM OF VIETNAM
Master. TRIEU THI CAM NHUNG
PHUNG THI THUY
School of Polictics – Soc Trang Province
ABSTRACT:
The administration reform is a global activity which is receiving special attention of many countries around the world including Vietnam. The administration reform is considered a very important activity of countries to renovate and promote the socio-economic growth, establish and perfect the state administration system. This paper analyzes limitations and shortcomings of Vietnam’s state administration system, thereby proposes solutions to build an effective and modern state administration system in Vietnam, meeting development requirements of the country in the context of the current integration process.
Keywords: Administrative reform, state administration, perfecting the state administration system.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 11, tháng 5 năm 2020]