Cải cách hành chính công ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp | Tạp chí Quản lý nhà nước
(QLNN) – Cải cách hành chính được nhiều quốc gia trên thế giới xem là một yêu cầu tất yếu, một mũi đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy dân chủ và góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ở nước ta, cải cách hành chính công trở thành một trong các biện pháp được ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước.
Nghị quyết số 53/2007/NQ-CP ngày 07/11/2007 của Chính phủ trong Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước là một chủ trương được Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo quyết liệt trong giai đoạn gần đây.
Việt Nam chuẩn bị đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong quá trình hướng tới xây dựng mô hình CCHC phục vụ khách hàng, cán bộ, công chức trong khu vực công và các bên kinh tế, xã hội liên quan cần tham gia đầy đủ hơn nữa vào quá trình đánh giá này. Việc tự đánh giá kết quả công việc và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức xã hội dân sự trong việc theo dõi, đánh giá vai trò của hành chính công trong phát triển kinh tế là việc làm rất cần thiết.
Một số đánh giá về nền hành chính công nhà nước ở Việt Nam hiện nay
Những năm qua, Nhà nước đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, coi đó là một khâu quan trọng trong thực hiện chương trình cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Nhiều nơi đã áp dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử, tin học hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ công, như cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp đăng ký xe máy, chứng minh thư nhân dân…; tổ chức đấu thầu các dự án chi tiêu công; rà soát để loại bỏ những thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, các giấy phép còn gây phiền hà cho người dân khi tiếp cận dịch vụ hành chính công (DVHCC), rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ…, đặc biệt là sáp nhập các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, ví dụ như việc tinh giản biên chế tại các cơ quan hành chính nhà nước và sáp nhập một số cơ quan hành chính tại Bộ Công thương.
Trên phương diện TTHC, Bộ Công Thương đã tiến hành liên tục các đợt tinh lọc, cắt giảm và được thực hiện vào tháng 12/2016, theo Quyết định số 4846/QĐ- BCT ngày 09/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Năm 2017, đã có 123 TTHC được đơn giản hóa, bãi bỏ (gồm bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục) trong tổng số 443 TTHC thuộc phạm vi Bộ quản lý1.
Tiếp đó, ngày 20/9/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT đưa ra phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. Quyết định này được ban hành để thực hiện vượt mục tiêu đã đề ra khi cắt giảm và đơn giản hóa tới 183 thủ tục (trong đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục) trong tổng số 451 thủ tục hiện có của Bộ tại thời điểm năm 2017. Bên cạnh đó, Bộ cũng cắt giảm, đơn giản hóa 55,5% điều kiện trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 16 ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (theo Luật Đầu tư)2.
Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, hành chính nhà nước đang thực hiện chuyển chức năng quản lý nhà nước sang các hình thức hoạt động cung cấp dịch vụ công. Mặt khác, trong quá trình chuyển đổi, sự kết hợp giữa Nhà nước với các thành phần kinh tế trong hoạt động cung cấp dịch vụ diễn ra phổ biến. Hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí vốn nằm trong tay Nhà nước đang được chuyển dịch dần sang khu vực tư (ví dụ như hoạt động của các văn phòng công chứng tư), Nhà nước chỉ đóng vai trò xúc tiến.
Trong điều kiện chung hiện nay, hoạt động cung cấp dịch vụ công đang được Nhà nước thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Các cơ quan hành chính nhà nước chỉ tập trung vào những loại hàng hóa và dịch vụ mà xã hội cần nhưng thiếu người cung cấp hoặc không muốn cung cấp và trong nhiều trường hợp cung cấp không hiệu quả.
Cùng với sự phát triển của xã hội, chức năng cung cấp dịch vụ công từ phía cơ quan nhà nước ngày càng trở nên quan trọng. Trong nền kinh tế thị trường, việc cung cấp dịch vụ công thỏa mãn nhu cầu của người dân không chỉ do Nhà nước đảm nhiệm, mà dần dần được xã hội hóa với vai trò tham gia của các thành phần kinh tế khác dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Về mặt nguyên tắc, Nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp cung cấp các dịch vụ công mà có trách nhiệm bảo đảm rằng các dịch vụ đó được cung cấp trên thực tế.
Song hành với những cải cách về kinh tế và những đổi mới quan trọng trong hệ thống chính trị thì vấn đề CCHC luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một khâu quan trọng mang tính đột phá, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền hành chính công vững mạnh, chuyên nghiệp hóa, muốn đạt được mục tiêu đó phải cải cách nền hành chính quốc gia. Điều này được phản ánh khá rõ nét qua việc triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung cơ bản: từ cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đến cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính công.
Tuy nhiên, DVHCC Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đó là:
– DVHCC hoạt động kém hiệu quả do chịu sự cản trở và tác động của chính các yếu tố của bộ máy quan liêu chậm được đổi mới, chẳng hạn: TTHC phức tạp, phiền hà; quy trình cung ứng dịch vụ qua nhiều tầng nấc, phòng, ban, các quy trình khác nhau; sự cửa quyền, nhũng nhiễu, quan liêu của những người trực tiếp cung ứng dịch vụ…3.
– Các thông tin cần thiết về thủ tục cũng như cách thức và quy trình thực hiện DVHCC, các thông tin về quy hoạch, đất đai, tài nguyên… chưa được công khai rõ ràng, minh bạch, do đó dễ bị những người cung ứng dịch vụ lợi dụng để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà. Các đơn vị, tổ chức và người dân chưa thực sự dễ dàng, thuận tiện khi tiếp cận các thông tin trên và tiếp cận DVHCC.
– Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương còn quá rườm rà, phức tạp và chồng chéo. Có đến 72% doanh nghiệp FDI cho biết, năm 2016, họ mất hơn 5% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính. Tỷ lệ này cũng cao đáng kể so với con số 56% trong điều tra PCI năm 2010. Đáng chú ý, tỷ lệ này ở tất cả các tỉnh không có sự khác biệt lớn, đều rơi vào khoảng 70%. Các doanh nghiệp FDI cho biết, tiếp nhận khoảng 2 cuộc thanh kiểm tra mỗi năm. Hơn 95% doanh nghiệp FDI bị thanh kiểm tra dưới 8 lần; một số doanh nghiệp bị thanh kiểm tra hơn 8 lần/năm. Thủ tục phiền hà nhất mà các doanh nghiệp FDI cho biết, đó là thuế (liên quan đến hóa đơn thuế GTGT), bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan hàng hóa4.
Hiện nay, sự phức tạp, rườm rà, thậm chí chồng chéo của các TTHC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đang tạo nên gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp, cũng như làm mất cơ hội đầu tư, gây rủi ro cho doanh nghiệp. Ví như, xin thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng tại địa phương, doanh nghiệp phải làm việc đồng thời với sở Xây dựng, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND tỉnh, thành phố (tổng cộng với 4 – 5 cơ quan một cách độc lập, không có một cửa thống nhất, một đầu mối giải quyết).
– Sự phân công, phân cấp trong việc cung ứng dịch vụ công chưa thực sự được đẩy mạnh theo hướng “một công việc chỉ do một cơ quan giải quyết” và chịu trách nhiệm mà vẫn còn tình trạng cấp trên ôm đồm, chưa muốn giao quyền hoặc chưa tin tưởng vào khả năng giải quyết công việc của cấp dưới.
– Tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong việc tiếp cận DVHCC còn khá phổ biến: doanh nghiệp nhà nước được ưu ái hơn so với doanh nghiệp ngoài quốc doanh; người có chức quyền hoặc thân quen dễ tiếp cận các dịch vụ hơn người dân bình thường…5.
– Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người cung ứng dịch vụ còn nhiều bất cập, hạn chế; đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức nhất là người trực tiếp giải quyết các nhu cầu về DVHCC có biểu hiện sa sút, biến chất; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa được thực hiện nghiêm túc.
Một số đề xuất cho việc cải cách hành chính công
Để giải quyết những hạn chế, bất cập từ thực tiễn triển khai cung cấp DVHCC của nền hành chính nhà nước thời gian qua, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung như sau:
Một là, đổi mới nhận thức về chức năng của Nhà nước, về nền hành chính phục vụ nhân dân, bảo đảm sự tiếp cận dễ dàng và công bằng của công dân đối với DVHCC.
Hai là, đưa yếu tố “phục vụ” vào sứ mệnh tổ chức của hành chính công, thành lập các nhóm công tác chính sách để điều phối việc lập và thực hiện kế hoạch giữa các ngành, trong đó nhấn mạnh việc xác định trình tự công việc và theo dõi kết quả hoạt động. Tiến hành các điều tra lĩnh vực công thường kỳ, tập trung vào các khía cạnh liên quan đến vai trò của hành chính công và phát triển kinh tế, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cũng như các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan dân cử, cán bộ dân cử.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp; giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt, hiện đại và đúng với vai trò. Thực hiện nhất quán nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính.
Bốn là, tập trung chỉ đạo rà soát và cải cách mạnh mẽ các TTHC, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu chính đáng của người dân, như: thành lập, giải thể, tạm ngưng, phá sản doanh nghiệp; đăng ký kinh doanh và chứng nhận đầu tư; đầu tư xây dựng công trình, dự án và nhà ở; quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản; xuất khẩu, nhập khẩu; nộp thuế; hộ tịch, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thị thực nhập cảnh; công chứng, chứng thực; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…
Năm là, tiếp tục rà soát các loại TTHC, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên xem xét sửa đổi theo hướng tạo thuận tiện cho nhân dân và doanh nghiệp. Xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị, tổ chức và người dân khi tiếp cận dịch vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong hoạt động DVHCC.
Sáu là, công bố công khai các thủ tục (các loại giấy tờ, biểu mẫu) và quy trình giải quyết công việc, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định để nhân dân biết và thực hiện thuận lợi. Tập trung cải cách theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai về TTHC. Xây dựng và đưa vào thực hiện các quy định về quyền được thông tin của người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan cung ứng DVHCC. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Quán triệt sâu sắc trong nhận thức và hành động của cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ý thức phục vụ dân, gần dân, giúp dân, học dân. Khắc phục tình trạng vô trách nhiệm hoặc đùn đẩy khó khăn của cán bộ, công chức cho người dân và doanh nghiệp.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung và từng bước hiện đại, có đủ điều kiện và phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ và giải quyết công việc.
Tám là, hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, của cán bộ, công chức, đặc biệt là kỹ năng hành chính và áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính.
Chín là, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân trong quá trình quản lý hành chính. Tạo lập cơ sở pháp luật nhằm bảo đảm quyền giám sát trực tiếp của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước ngày càng thực chất và có hiệu quả.
Hiện nay, kinh tế – xã hội, khoa học – công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là xu thế dân chủ hóa, toàn cầu hóa và hội nhập đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với Nhà nước ta trong việc cung ứng dịch vụ công. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân, thể hiện bằng các hoạt động cung ứng dịch vụ công cho nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
Chú thích:
1. Báo cáo số 52/BC-BTC ngày 13/6/2017 của Bộ Công Thương về công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017.
2. Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 của Bộ Công Thương về ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
3. Gánh nặng thủ tục hành chính gây bức xúc cho doanh nghiệp. http://vietnamnet.vn, ngày 16/5/2017.
4. Gánh nặng thủ tục hành chính tốn kém chi phí bôi trơn. http://vietnamnet.vn, ngày 15/3/2017.
5. Nghiên cứu tác động quản trị hành chính công đến tăng trưởng kinh tế và bất bình đẳng thu nhập. http://tapchitaichinh.vn, ngày 10/9/2017.
PGS. TS. Trần Thị Minh Ngọc
Học viện Chính trị khu vực I