Cải cách giáo dục đại học Pháp: thực tiễn và bài học kinh nghiệm
Hệ thống Giáo dục Đại học Pháp (GDĐH) đã được hình thành từ thời Trung cổ với sự ra đời của trường đại học đầu tiên là Trường Đại học Paris vào thế kỉ XIII. Các trường đại học ở giai đoạn này đa phần là trường tư, do một cá nhân đứng ra thành lập dưới sự công nhận của Giáo hoàng. Sau Cách mạng Pháp 1789, Hiến pháp đã – xóa bỏ 22 trường đại học vào năm 1793 rồi sau đó vào năm 1808 Hoàng đế Napoleon khôi phục lại và đặt dưới sự quản lí của Nhà nước đồng thời định hướng GDĐH vào việc đào tạo nghề. Để có được hệ thống GDĐH hiện đại, năng động và chất lượng như hiện nay, nước Pháp đã phải trải qua không ít những cuộc cải cách GDĐH lớn thông qua các luật như luật Faure năm 1968, luật Pécressse năm 2007, luật Fioraso năm 2013. Sự ra đời của mỗi đạo luật gắn liền với một cuộc cải cách GDĐH. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một bức tranh tương đối toàn diện về những cuộc cải cách lớn của GDĐH Pháp trong giai đoạn hiện đại, từ giữa thế kỉ XX trở lại đây.
Hệ thống các trường đại học Pháp
Trước khi tìm hiểu lịch sử cải cách GDĐH Pháp, chúng tôi muốn giới thiệu sơ qua về hệ thống các trường đại học của nước này. Giáo dục đại học Pháp chia ra làm hai nhánh nổi bật: một nhánh là sự phân biệt giữa các trường đại học và các Trường Lớn, nhánh còn lại là sự phân biệt giữa đại học công lập (với chi phí rất thấp vì được chính phủ bao cấp) và đại học tư thục.
Đầu tiên, cần nhấn mạnh rằng trong hệ thống giáo dục Pháp thì kì thi tú tài ở Pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, người Pháp thậm chí còn coi bằng tốt nghiệp cấp 3 như tấm bằng có “tính chất đại học” đầu tiên, nó được giới học thuật Pháp coi như một chiếc chìa khóa để mở cánh cửa vào đại học. Trong 30 năm trở lại đây, chính sách của Bộ Giáo dục Pháp là đẩy mạnh tối đa lượng người học ở cùng độ tuổi thi lấy bằng tú tài. Kết quả là lượng sinh viên tăng lên không ngừng. Vào năm 2016, nước Pháp có tới 2.550.000 sinh viên, trong khi dân số Pháp là 66,9 triệu, tức là chiếm 3,7% dân số. (Ở Việt Nam, năm 2016 có 1.749.449 sinh viên trên tổng số 93 triệu dân).
Hệ thống đại học và Trường Lớn
Hệ thống các trường đại học (Université) thường mở rộng cửa cho các ứng viên trong khuôn khổ chỉ tiêu được cho phép (không có kì thi tuyển đầu vào) và học phí là 300e/năm (khoảng 8.500.000VNĐ đến 9.000.000VNĐ).
Hệ thống thứ 2 là các Trường Lớn (Grandes Ecoles), nơi thường cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu. Các lĩnh vực đào tạo chủ yếu gồm: nhóm trường đào tạo kĩ sư (210 cơ sở đào tạo), nhóm trường đào tạo quản trị, thương mại và quản lí (230 cơ sở đào tạo), nhóm trường đào tạo nghệ thuật (mĩ thuật, kịch nghệ, điện ảnh, kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng, âm nhạc (khoảng 100 cơ sở). Ngoài ra còn nhóm ngành nữa là bốn trường sư phạm cao cấp đào tạo các nhà nghiên cứu và các giảng viên – nghiên cứu viên. Để được vào học tại những trường này yêu cầu thí sinh phải vượt qua một (hoặc một vài) kì thi tuyển sinh chặt chẽ, hoặc ít nhất cũng phải qua phỏng vấn nhằm phân loại trình độ. Các trường này có tỉ lệ tuyển sinh hết sức ngặt nghèo dựa trên kết quả của các kì thi, đôi khi số thí sinh bị trượt chiếm đến 95% số thí sinh đăng kí và không có bất kì cơ hội nào cho các trường hợp dùng quyền ưu tiên miễn trừ đầu vào. Để chuẩn bị cho (các) kì thi đầu vào này, thí sinh thường phải trải qua 1 đến 2 năm học dự bị (thường là miễn phí) đươc tổ chức ngay tại các trường cấp 3.
Hệ thống đại học công lập và đại học tư thục
Giáo dục công lập do nhà nước đảm bảo gần như miễn phí, hay thậm chí là được bao cấp, đối với các trường hợp như trường Sư phạm hay trường Bách khoa). Còn giáo dục tư thục thì thu phí, đa phần là các trường về quản lí, kinh tế, tài chính, có tổ chức những khóa thực tập ở nước ngoài. Chính phủ đưa ra một mẫu chuẩn chung cho tất cả các loại bằng cấp và giữ vai trò đảm bảo tính chính thống của chương trình đào tạo và của bằng cấp đó, cũng như việc đảm bảo chất lượng giáo dục một cách nghiêm túc. Ngoài ra, cứ bốn năm 1 lần các trường công lập sẽ được thanh kiểm tra hoạt động cấp bằng.
Lịch sử cải cách GDĐH Pháp
Không tính những lần bổ sung, sửa đổi, lịch sử GDĐH thời hiện đại của Pháp đã trải qua bốn lần cải cách lớn, đó là các năm 1968, 1984, 2007 và 2013.
Cuộc cải cách GDĐH lần thứ nhất gắn liền với sự kiện “Tổng đình công lịch sử 1968”. Đây là một sự kiện rất lớn trong chính trị xã hội của Pháp, có tác động mạnh mẽ đặc biệt đến vấn đề cải cách giáo dục, giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giới trẻ. Sự kiện này bắt nguồn từ một số vấn nạn trong xã hội Pháp khi đó: nạn thất nghiệp tăng mạnh, nền chính trị già cỗi của tướng De Gaulle không còn đáp ứng được nhu cầu xã hội, giới trẻ (đặc biệt là giới học sinh sinh viên) chán ghét nền giáo dục cũ kĩ, trưởng giả và thực dụng của chủ nghĩa đế quốc. Trong mắt giới trẻ Pháp khi đó, những nhân vật như Hồ Chí Minh, Che Guevara và Fidel Castro trở thành những hình tượng anh hùng dám đứng lên chống lại chủ nghĩa đế quốc và thực dân, đi ngược lại những gì họ vẫn thường được nghe rao giảng trên giảng đường đại học. Vì thế giới trẻ đã tìm cách nổi dậy bằng cách tổ chức những cuộc biểu tình, đồng thời lôi kéo tất cả mọi tầng lớp xã hội xuống đường tổ chức những cuộc đình công lớn nhằm đòi Chính phủ thay đổi thể chế để cải thiện đời sống hiện thời. Chuỗi sự kiện này đã khiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học khi đó là Edgar Faure đã phải ban hành Luật Đại học mới vào tháng 11 năm 1968, gọi là luật Faure, đánh dấu cho cuộc cải cách GDĐH đầu tiên của Pháp. Theo đó, các trường đại học Pháp bắt đầu có những sự tự chủ trong một số lĩnh vực như tài chính và phương pháp giảng dạy. Các trường đại học đặt dưới sự dẫn dắt của một Hội đồng Quản trị bao gồm các nhà nghiên cứu, sinh viên, bộ phận hành chính và chuyên gia ngoài trường. Dưới tác động của đạo luật Faure nhằm vào việc chuyên biệt hóa các trường đại học và tăng số lượng trường, các trường đại học Pháp được chia tách thành hai nhóm: nhóm các trường chuyên biệt (chỉ hạn chế một vài khoa), và nhóm các trường đại học đa ngành trong số đó có những trường có cả khoa về y dược trực thuộc một bệnh viện nào đó để phục vụ cho các giờ học thực hành. Ví dụ: Đại học Rennes được tách thành 2 trường: Đại học Rennes 1 có các ngành rất đa dạng như khoa học tự nhiên, y, dược, luật, kinh tế, quản trị và thậm chí cả triết học. Đại học Rennes 2 gồm các ngành thuộc khoa học xã hội, văn chương, nghệ thuật. Cũng chính từ đạo luật Faure này mà Trường Đại học Paris đã được tách ra thành 13 trường đại học theo nguyên tắc phân bổ các mã ngành và phân bổ theo địa giới hành chính của vùng Paris.
Tiếp đó, năm 1984 đánh dấu sự ra đời của Luật Savary (do Bộ trưởng Alain Savary ban hành) với việc định hướng các trường đại học đi theo bốn nhiệm vụ chính: đào tạo liên tục và nối tiếp (giống với đào tạo tại chức, chuyên tu của Việt Nam), nghiên cứu khoa học và công nghệ, quảng bá văn hóa và thông tin khoa học, hợp tác quốc tế. Theo Luật Savary, ngoài Hội đồng Quản trị, các trường phải tổ chức Hội đồng Học tập và Đời sống, Hội đồng Khoa học nhằm nâng cao hơn nữa tính dân chủ của các trường đại học.
Gần đây nhất là hai cuộc cải cách lần thứ ba năm 2007 và thứ tư năm 2013 qua đó hệ thống đào tạo đại học của Pháp tiếp tục có những cuộc cải cách lớn được triển khai bởi các Bộ trưởng phụ trách đào tạo đại học thông qua các đạo luật. Các đạo luật này đều nhằm vào việc cố gắng đem lại một bức tranh mới mẻ cho giáo dục đại học, nhằm tiến lại gần hơn những gì đang diễn ra ở các nước phát triển mà Pháp đặt quan hệ ưu tiên hàng đầu (như Đức, Anh, Ý…). Các cuộc cải cách sau này được ví như là một sự Mĩ hóa nền giáo dục Pháp, mô hình giáo dục kiểu Anglo-saxon này đã thực sự cuốn hút các vị Bộ trưởng, dù là dưới thời cầm quyền của phái cánh tả hay cánh hữu. Thực trạng giáo dục đại học được đề cập dưới đây là một bức tranh hết sức năng động và hoàn toàn mới mẻ với chính nước Pháp.
Cải cách quản trị đào tạo đại học
Năm 1996, François Bayrou – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia, Giáo dục Đại học và nghiên cứu đã đề nghị Nghị viện thảo luận và cho ý kiến về một cuộc cải cách giáo dục đại học. Năm 1998, Jacques Attali – một nhà chính trị, kinh tế học và nhà văn nổi tiếng của Pháp đã viết một bản báo cáo cho Bộ trưởng với nhan đề “Một mô hình của giáo dục Đại học châu Âu”, trong đó ông đề xuất mô hình đào tạo và cấp bằng theo công thức: tính từ bằng tú tài, sinh viên học 3 năm để đạt trình độ cử nhân, hoặc học 5 năm để đạt trình độ thạc sĩ, hoặc 8 năm để đạt trình độ tiến sĩ; nói cách khác là đào tạo cử nhân được thực hiện trong 3 năm, đào tạo thạc sĩ trong 2 năm và đào tạo tiến sĩ trong 3 năm (mô hình LMD hiện nay). Văn bản này đã khiến không chỉ các trường đại học Pháp mà cả các trường đại học ở nhiều nước châu Âu hết sức quan tâm. Năm 1999, tại trường Đại học Bologne (Italy) vốn là trường đại học lâu đời nhất châu Âu, bản Tuyên bố Bologna đã ra đời với chữ kí của 29 hiệu trưởng các trường đại học đầu tiên tham dự, đánh dấu bước ngoặt lớn trong giáo dục đại học châu Âu với việc bắt tay vào thực hiện Tiến trình Bologna – Tiến trình đổi mới quản trị đại học nổi tiếng trên toàn thế giới. Cuộc cải cách này hướng tới đẩy mạnh việc điều phối các chương trình giáo dục trên toàn châu Âu và đơn giản hóa việc trao đổi sinh viên thuộc khối châu Âu mở rộng (gồm cả Thổ Nhĩ Kì, Liên bang Nga…), tập trung điều chỉnh năm nội dung chính:
- Quản trị các chương trình đào tạo theo chuẩn LMD 3 – 5 – 8: mô hình do Jacques Attali khởi xướng đã chính thức được áp dụng.
- Bổ sung thông tin cho bằng cấp: chuyên ngành đào tạo của sinh viên sẽ được ghi cụ thể chi tiết trên bằng cấp thay vì chỉ ghi tên chuyên ngành, điều này nhằm giúp cho sinh viên tìm việc làm phù hợp nhanh chóng hơn và nhà tuyển dụng cũng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp dựa trên thông tin được cung cấp trên bằng.
- Hệ thống tín chỉ: (ECTS – hệ thống trao đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu): gồm 180 hoặc 240 tín chỉ cho đào tạo bậc cử nhân và 90 hoặc 120 tín chỉ cho đào tạo bậc thạc sĩ, mỗi năm học tương ứng với tối đa 60 tín chỉ.
- Chứng chỉ công nhận kiến thức kinh nghiệm VAE (Validation des acquis d’expériences): Trong hay sau quá trình học tập, nếu người học có thời gian đi làm trong vòng tối thiểu một năm trong lĩnh vực mà mình đang/đã được đào tạo thì khoảng thời gian đó sẽ được cấp chứng nhận và được chuyển đổi ngang sang lượng tín chỉ tương ứng trong trường hợp người đó tiếp tục việc học của mình. Ở Pháp, người ta đã xây dựng Hệ thống quốc gia về Chứng chỉ nghề, đồng thời cung cấp mọi thông tin liên quan qua một cổng thông tin trực tuyến http://www.vae.gouv.fr/
- Hình thành Khung tham chiếu quốc gia về tiêu chuẩn nghề nghiệp: Khung tham chiếu này do Ủy ban quốc gia về chứng chỉ nghề nghiệp quản lí và có liên quan đến Hệ thống chứng chỉ công nhận kiến thức kinh nghiệm nói trên.
Cuộc cải cách giáo dục của cả châu Âu này được thực hiện song song với việc tăng cường quốc tế hóa mạnh mẽ trong giáo dục bằng hệ thống chuyển đổi tín chỉ: chương trình trao đổi sinh viên Erasmus cho phép sinh viên đăng kí học tại một nước có thể thực hiện chương trình đào tạo của mình ở nhiều nước trên khắp châu Âu với những khóa trao đổi tối thiểu ba tháng thông qua việc tích lũy tín chỉ.
Là nước hưởng ứng mạnh mẽ Tiến trình Bologna, Pháp đã bắt tay cải tổ nền GDĐH của mình bằng cuộc cải cách lần thứ ba và thứ tư với hai đạo luật được đưa vào áp dụng nối tiếp nhau: luật thứ nhất được thực thi bởi Chính phủ cánh hữu của François Fillon dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy; đạo luật thứ hai được áp dụng bởi một Bộ trưởng của Chính phủ Đảng Xã hội của Ayrault, dưới thời của Tổng thống Pháp François Hollande.
Đạo luật thứ nhất – gọi là Luật LRU viết tắt của chữ Libertés et Responsabilités des Universités (Tự do và Trách nhiệm của Đại học) hay nói ngắn gọn là Luật tự chủ của các trường đại học – hay còn gọi là Luật Pécresse, vì nó do Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học và nghiên cứu Valerie Pécresse trực tiếp đứng ra chỉ đạo và bảo vệ trước Nghị viện Pháp, chính thức áp dụng từ 10/8/2007. Dự án luật này đã bị chỉ trích bởi đa số các hội đoàn của sinh viên, công đoàn giáo viên nhưng lại nhận được sự ủng hộ của các Hiệu trưởng, luật này được áp dụng dưới thời của Đảng cánh hữu và được coi là một trong những thành công của nhiệm kì Tổng thống Nicolas Sarkozy. Luật LRU chỉ áp dụng cho các cơ sở đào tạo công lập. Từ khi áp dụng cho tới 1/1/2013, theo đó tất cả các trường đại học đều có quyền tự chủ về tài chính, về quản lí nhân sự, đồng thời có thể trở thành chủ sở hữu các tài sản bất động sản (đất đai, trường sở…). Từ 2008 khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu hoành hành tại châu Âu, có thể nói việc ban hành Luật LRU được bắt nguồn từ một nỗ lực rất lớn trong việc quốc tế hóa nền giáo dục đại học Pháp thông qua việc hỗ trợ thành lập các cụm trường.
Sau đó, Luật LRU được điều chỉnh và được bổ sung thêm một số điều bởi Luật Fioraso vào năm 2013, cũng là cuộc cải cách GDĐH lần thứ tư của Pháp. Luật Fioraso, đặt theo tên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Geneviève Fioraso, được coi là một tham vọng mới cho giáo dục và nghiên cứu, mở cánh cửa hướng ra quốc tế hóa, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nghiên cứu, và cũng là luật chuyển đổi. Một năm sau khi ban hành, Luật Fioraso đã chứng minh sự thành công của nó thông qua hàng loạt những thay đổi lớn với những bước tiến đáng ghi nhận: cải thiện bộ máy định hướng, đơn giản hóa các chương trình đào tạo, đưa các chương trình đào tạo trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn với giới trẻ, với các gia đình, với nhà tuyển dụng cũng như với sinh viên nước ngoài bằng cách ưu tiên các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, đưa vào sử dụng hệ thống đại học số với 41 chương trình thuộc hệ thống MOOCs (tính tới thời điểm ngày 22/7/2014); kiến tạo nên hệ thống trường đại học đào tạo nghiệp vụ sư phạm và giáo dục, đẩy mạnh bình đẳng nam nữ, đảm bảo sự đơn giản hóa trong sở hữu trí tuệ… Luật Fioraso cũng tăng tính tự chủ của các trường đại học trong sử dụng ngân sách, từ việc được quyết định 25% ngân sách, các trường có thể được trao quyền quyết định đến 100% ngân sách. Ngân quỹ mà các cơ sở đào tạo nhận được là một khoản đầu tư tổng, mà họ sẽ được toàn quyền sử dụng theo nhu cầu của mình với điều kiện các trường phải xây dựng kế hoạch hoạt động và xây dựng ngân sách dựa trên những yêu cầu cụ thể. Chính phủ sẽ kiểm soát về tính hiệu quả của việc sử dụng ngân quỹ này. Các trường đại học được quyền đưa ra một chính sách chi tiêu riêng (giống như Quy chế chi tiêu nội bộ của các trường đại học Việt Nam). Giờ đây, các trường đại học được tự chủ hoàn toàn với quy chế chi tiêu trong ngân quỹ của mình, điểm đáng chú ý là ngân quỹ này còn cao hơn cả hạn mức ngân sách do Bộ phân bổ, bởi vì từ khi được tự chủ trong tài chính thì họ còn có thể kêu gọi, huy động được các nguồn kinh phí riêng thông qua các quỹ hoặc các nhà tài trợ.
Sát nhập hay liên kết
Một trong những thay đổi lớn nhất của Luật Fioraso là việc bắt buộc các trường đại học phải lựa chọn hợp nhất hay liên kết với nhau. Với tham vọng tập trung các cơ sở đào tạo trong giáo dục đại học, từ năm 2013, Luật Fioraso đã bắt buộc tất cả các cơ sở đào tạo đại học, công lập hay tư thục, đều hoặc phải hợp nhất (fusion), hoặc phải liên kết (asociation) với một cơ sở công lập có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính và có chức năng cấp bằng tốt nghiệp, hoặc phải gia nhập một cụm đại học và cơ sở đào tạo (ComUE). Mục tiêu của mô hình này là để có thể điều phối dễ dàng hơn các chương trình đào tạo ở một địa phương (tính theo địa giới vùng – tỉnh), đồng thời nó cũng phục vụ cho việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giáo dục đại học trong vùng. Một điều thú vị là nó giúp sát nhập các trường đại học và các Trường Lớn trong một chỉnh thể với những mức độ hết sức đa dạng. Một trong những lợi ích của tiến trình Bologna đó là các Trường Lớn ngoài việc cấp bằng theo hệ thống riêng của họ, thì đã tiếp nhận mô hình LMD 3 – 5 – 8 theo chuẩn chung của châu Âu.
Để đẩy mạnh việc quốc tế hóa giáo dục đồng thời tăng tính liên kết giữa các trường đại học, Luật Fioraso đã đưa ra ý tưởng trao giải thưởng “Sáng kiến xuất sắc” (Initiatives d’excellence – IDEx) cho những trường nào có được sự cải tổ hiệu quả và mạnh dạn nhất. Năm học 2011 – 2012, 7 cụm trường đã được kiểm định về chất lượng và được nhận danh hiệu này. Giải thưởng cho phép họ được phân bổ một nguồn ngân sách rất lớn, từ 700 triệu euros đến 950 triệu euros một năm và được nhận liên tục trong vòng 10 năm dành cho việc cải thiện cấu trúc hành chính. Khoản tiền này chưa gồm khoản tiền phân bổ hằng năm cho mỗi cơ sở đào tạo theo quy định chung.
Hiện nay Pháp có khoảng 5 nhóm liên kết và 21 cụm đại học và cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc liên kết có khi thì thành công nhưng cũng có khi thất bại. Hai ví dụ dưới đây sẽ minh họa rõ hơn điều đó: Cụm đại học và cơ sở đào tạo PSL (Paris Sciences et Lettres): là kết quả sát nhập của rất nhiều Trường Lớn gồm: Đại học Sư phạm Cao cấp (ENS); Cơ sở đào tạo Collège de France; 2 Trường đào tạo kĩ sư gồm Trường hóa học Paris (Chimie ParisTech) và trường Cao cấp Hóa Lí Công nghiệp (ESPCI); Viện nghiên cứu thiên văn Paris; Học viện Curie; Trường Paris Dauphine; 4 Trường về khoa học nhân văn gồm: Trường Thương mại cao cấp Paris (HEC – trường đào tạo về kinh doanh uy tín bậc nhất tại Pháp, đứng thứ 12 trên thế giới về đào tạo quản trị kinh doanh), Trường cao học về khoa học xã hội (EHESS), Trường thực hành cao cấp nghiên cứu về khoa học trái đất, nghiên cứu lịch sử, triết học và tôn giáo (EPHE) và Viện Viễn đông Bác Cổ (có trụ sở ở Việt Nam); 5 Trường về nghệ thuật uy tín nhất của Pháp gồm: Trường nghệ thuật trang trí cao cấp (ENSAD), Trường đào tạo nghề nghe nhìn quốc gia (FEMIS), Trường Mĩ thuật quốc gia (ENSBA), Học viện quốc gia âm nhạc và múa Paris, Học viện quốc gia về kịch nghệ (CNSAD); Ngoài ra còn có Trường Trung học Henri VI (trường có đào tạo từ cấp 2 đến cấp dự bị đại học, là trường có uy tín chất lượng cao với quy mô 2600 học sinh nằm ngay tại khu phố cổ của Paris).
Mặc dù bao gồm những Trường Lớn như vậy nhưng PSL vẫn được xem là có quy mô nhỏ nhất trong số các cụm đại học và cơ sở đào tạo. Điều làm nên thành công của PSL nằm ở chỗ tất cả các trường thành viên của nó đều có phương thức tuyển sinh chọn lọc, bên cạnh đó các trường thành viên không hề bị lấn sân nhau với mục tiêu chung là cấp bằng liên ngành (diplômes transversaux). Mô hình này là áp dụng từ mô hình của trường Cambridge và trường Oxford của Mĩ, trong đó các trường thành viên độc lập trong việc quản lí sinh viên của mỗi trường, nhưng lại thống nhất trong việc cấp bằng tốt nghiệp: sinh viên tốt nghiệp sẽ có bằng mang tên chung của cụm đại học và cơ sở đào tạo chứ không phải bằng mang tên của trường thành viên (sinh viên của Trường ENS sẽ có bằng của Trường Paris Sciences et Lettres chứ không phải bằng của ENS) – điều này sẽ làm tăng giá trị của tấm bằng được cấp.
Một ví dụ khác là cụm đại học và cơ sở đào tạo SPC – Sorbonne Paris Cité được hình thành từ sự liên kết 4 trường đại học gồm: Đại học Sorbonne mới Paris 3, Đại học René Descartes Paris 5, Đại học Paris Diderot Paris 7 và Đại học Villetaneuse Paris 13. Tuy nhiên không thành công như PSL – Paris Sciences et Lettres, SPC đã để mất danh hiệu “Sáng kiến xuất sắc” vào năm 2016 vì chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề căng thẳng và mâu thuẫn khi liên kết đại học. Ở các lĩnh vực trùng nhau buộc phải hợp nhất một số chương trình đào tạo (thuộc bậc cử nhân và bậc thạc sĩ), tức một số môn học bị trùng giữa các trường sẽ phải xóa bỏ để chỉ giữ lại một chương trình đào tạo duy nhất cho cả 4 trường. Việc này đã gây ra một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt và khá đau thương khi một số giảng viên dạy cùng bộ môn đã bị mất việc làm và một số Hiệu trưởng đã đâm đơn xin thôi việc trước áp lực không thể giải quyết.
Kết quả của cuộc cải cách giáo dục mang tính cách mạng này đã khiến số lượng các trường đại học là đại diện tiêu biểu cho GDĐH Pháp giảm xuống đáng kể. Ví dụ như vùng Ile de France có 12 triệu dân, chiếm 19% dân số Pháp là nơi tập trung 25% tổng số sinh viên Pháp (trong đó 40% là nghiên cứu sinh), cách đây 10 năm vùng có 87 cở sở đào tạo đại học thì giờ đây chỉ còn 8 cụm đại học và cơ sở đào tạo.
Cần nhấn mạnh rằng đây không hẳn là việc tư nhân hóa các trường đại học. Chính phủ vẫn giữ vai trò chủ quản với các cơ sở đào tạo công lập, đồng thời giám sát các chương trình đào tạo của các trường đại học và việc này được thực hiện 5 năm 1 lần. Việc giám sát này đơn giản hơn và chủ yếu nhằm vào việc thẩm định xem cơ sở đào tạo có đủ năng lực trong việc đưa ra các chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng để làm tròn nhiệm vụ đào tạo sinh viên mà Chính phủ giao phó hay không.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, cải cách GDĐH của nước Pháp ít khi đề cập đến các vấn đề về chương trình, giáo trình hay nội dung giảng dạy, mà chủ yếu quan tâm đến đổi mới phương thức quản trị, quản lí trường đại học, cách thức phân bổ, tiếp nhận và xử lí ngân sách, quan hệ giữa nhà trường với Nhà nước, định hướng nghiên cứu hay nghề nghiệp. Từ Luật Faure đến Luật Fioraso, các trường đại học Pháp đã bị chia tách rồi lại sát nhập, quốc hữu hoá rồi lại tư nhân hoá dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Đó kết quả của việc đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của tình hình kinh tế, chính trị xã hội của nước Pháp, của châu Âu và của thế giới nói chung trong mỗi giai đoạn. Cuộc cải cách GDĐH lần thứ tư của Pháp vẫn còn chưa kết thúc. Rất nhiều người đang nóng lòng chờ đợi xem nó sẽ đưa các trường đại học châu Âu đi đến đâu và kết quả sẽ như thế nào. Cho dù thế nào đi nữa thì những chính sách mà Pháp cũng như các trường đại học trên toàn châu Âu đang áp dụng cung cấp rất nhiều thông tin và kinh nghiệm quý báu cũng như những ý tưởng đổi mới hết sức táo bạo, rất đáng để chúng ta tham khảo.
ThS.
Nguyễn Thảo HươngThS.
Nguyễn Thảo HươngThS.
Nguyễn Thảo HươngThS.
Nguyễn Thảo HươngThS. Nguyễn Thảo Hương – Phòng Hành chính Đối ngoại