Cải cách giáo dục: Nên làm ngay những việc có thể :: Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh

CẢI CÁCH GIÁO DỤC: NÊN LÀM NGAY NHỮNG VIỆC CÓ THỂ

Từ đó, nhìn lại những việc trong công tác cải cách giáo dục, đã có chủ trương và được sự đồng tình của dân chúng nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được.

1. Chủ trương giảm tải cho học sinh phổ thông

Giảm tải có nhiều biện pháp, chúng tôi chỉ xin bàn về một biện pháp giảm ngày học, cho học sinh nghỉ ngày thứ 7. Chúng ta đã áp dụng thành công việc giảm ngày học cho học sinh cấp 1 nghỉ ngày thứ 7 nhưng ở các cấp 2, 3 vẫn chưa thực hiện được. Ý kiến của một giáo viên cho rằng vì không thay đổi được chương trình học nên không thể giảm số ngày học. Cứ ngồi chờ thay đổi chương trình học thì mới giảm ngày học, cho học sinh nghỉ ngày thứ 7, rõ ràng chưa thể hiện hết trách nhiệm giảm tải cho học sinh.

Chúng ta không thể một sớm một chiều thay đổi chương trình học được nhưng cắt giảm vài bài của một vài môn học trong chương trình học lại hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ Giáo dục. (Điều 29 Luật Giáo dục 2005).

Xét về mục tiêu, việc cắt giảm bài học như trên chẳng những không ảnh hưởng mà còn phù hợp với mục tiêu giáo dục “giúp học sinh phát triển toàn diện…” theo đúng quy định ở Điều 27 Luật Giáo dục 2005. Mục tiêu giáo dục phổ thông không chỉ là đào tạo học sinh giỏi chữ mà còn là “xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân” để các em đủ bản lĩnh bước vào đời, biết quan tâm đến sự hưng vong của đất nước.

Xét về kiến thức, bớt vài bài học cũng không ảnh hưởng khối kiến thức học sinh ngược lại còn có ích nếu chúng ta loại bớt những bài trùng lặp hoặc lỗi thời, chưa được cập nhật. Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng chương trình học phổ thông của chúng ta quá nặng so với các nước trên thế giới và chương trình hai năm đầu đại học Việt nam là sự lặp lại kiến thức của bậc trung học.

Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2009- 2020 lần 14 cũng nhận định rằng: “Còn có những nội dung trong chương trình giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo không thiết thực, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa gắn với yêu cầu xã hội, chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng học tập của mọi đối tượng học sinh ».

2. Chủ trương giảm áp lực cho học sinh

Chúng tôi muốn đề cập đến quyết định của Bộ Giáo dục duy trì chế độ cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông. Quy định này tạo một áp lực buộc học sinh nào cũng phải học nghề để có điểm cộng.

Thế nhưng, xét về mục tiêu, dạy nghề để học sinh khi học xong có nghề chuyên môn và khi cần thiết hành nghề. Rất tiếc, thực tế chưa có em học sinh nào học nghề xong mà có thể với kiến thức đó mà hành nghề được.

Xét về kiến thức, chương trình học nghề chỉ cung cấp cho các em khối kiến thức cơ bản về chụp hình, nấu ăn, điện, vẽ v.v… Với thời lượng và chương trình hạn chế, các em dù có học thật sự, cũng chỉ thu thập được kiến thức cơ bản để làm cơ sở phát triển năng khiếu sau này mà thôi.

Xét về nhu cầu học nghề, hầu hết học sinh học nghề để có điểm cộng chứ không hề có nhu cầu học nghề thật sự nên việc học rất qua loa, hình thức. Có ý kiến cho rằng việc duy trì cộng điểm cho môn nghề phổ thông nhằm tạo công việc làm cho đội ngũ giáo viên nghề mà chúng ta lỡ đào tạo ở bậc đại học. Nếu nhận định này đúng thì chúng ta quá vô trách nhiệm đối với học sinh. Chúng ta buộc học sinh phải gánh chịu hậu quả do sai lầm của người lớn. Chúng tôi ủng hộ ý kiến đề nghị cắt bỏ ngay việc cộng điểm do học nghề phổ thông.

Bộ Giáo dục cần tổ chức lại việc dạy học nghề phổ thông với học phí thấp và chương trình học từ sơ cấp đến nâng cao để học sinh nào thật sự có nhu cầu có thể tự nguyện tham gia và theo học đến khi có nghề thật sự.

3. Cởi trói cho thầy cô giáo

Thầy cô giáo là một thành tố chính trong công cuộc giáo dục và cải cách giáo dục. Có thực sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo thì mới có thể đẩy mạnh công cuộc cải cách giáo dục.

Báo Thanh Niên ngày 17/11/2008 đưa tin về buổi tọa đàm Đổi mới phương pháp giảng dạy do Báo Tuổi Trẻ và Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 17/11/2008 với sự tham dự của Phó Thủ tướng- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có ghi nhận ý kiến các phát biểu như sau: “Các ý kiến phát biểu cho rằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy còn gặp những khó khăn như: sĩ số lớp học đông, trình độ giáo viên chưa đồng đều, bị hạn chế tính chủ động trong thực hiện chương trình, cách đánh giá, kiểm tra giáo viên và học sinh của Bộ còn cứng nhắc…”. Rõ ràng thầy cô giáo không thể đổi mới được nếu các quy định, cơ chế pháp lý trong ngành ràng buộc họ không thay đổi.

Nhiều thầy cô giáo cho rằng những ràng buộc pháp lý không chỉ ngăn họ không thể đổi mới mà còn thui chột nhiệt tình của họ. Đơn cử như quy định về việc giáo viên phải lập giáo án cho mỗi tiết học.

Dù chưa có định nghĩa pháp lý rõ ràng nhưng giáo án được hiểu bài soạn chi tiết để giáo viên dựa vào đó mà giảng bài cho học sinh. Vấn đề là hiện nay giáo án mẫu đã có cho tất cả các cấp lớp và các môn học nhưng quy định của Bộ Giáo dục vẫn buộc mọi giáo viên phải có giáo án riêng. Lý luận bảo vệ quy định này ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng vụ THPT, Bộ Giáo dục cho rằng “Giáo án mẫu là soạn chung cho mọi tình huống, không đề cập đến điều kiện cụ thể của một lớp học cụ thể với bao nhiêu học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu… Do đó, có thể nói giáo viên lên lớp không có giáo án hoặc dùng giáo án do người khác soạn là không đúng quy định về chuyên môn.”(1). Như vậy, thầy cô giáo có thể lấy giáo án mẫu nhưng phải suy nghĩ và thêm thắt vào giáo án theo tình hình lớp học cụ thể.

Thế nhưng thực tế lại khác hẳn lý luận của ông Tần, vì giáo án là bài soạn chi tiết nên tất cả nội dung của bài giảng đều nằm hết trong giáo án. Cái điều kiện cụ thể một lớp mà ông Tần nêu ra thường không ảnh hưởng đến giáo án mà chỉ có thể ảnh hưởng bài giảng, học sinh tiếp thu tốt thì thầy có thể giảng nhanh, học sinh yếu thì giảng chậm lại nhưng nội dung thì không thể thay đổi. Ngoài ra, đặt trường hợp lớp học của thầy giáo nọ cũng có điều kiện như giáo án mẫu vậy thầy giáo làm sao có thể thêm thắt điều gì vào giáo án. Một điểm phi thực tế khác, nếu lý luận như trên, trong một ngày,  một giáo viên dạy bốn tiết cùng một bài cho bốn lớp khác nhau thì phải làm 4 giáo án khác nhau, điều chưa từng xảy ra.

Bám theo quy định và lý luận trên, nhiều hiệu trưởng đã biến việc lập giáo án thành một biện pháp hành chánh để gây khó dễ người thầy giáo. Có ban giám hiệu buộc giáo viên phải lập giáo án bằng viết tay để giáo viên không thể sao chép giáo án lẫn nhau (2). Chúng ta nghiêng hẳn về quy định hành chánh và quên mất mục đích ban đầu của giáo án là để hỗ trợ người thầy giáo giảng dạy tốt chứ không phải nhằm ràng buộc, gây khó cho người thầy giáo.

Bỏ quy định về việc lập giáo án nói riêng, những quy định bất hợp lý nói chung, ràng buộc, gây lãng phí công sức thời gian của thầy cô giáo trên cả nước là những việc có thể và cần làm ngay để đẩy nhanh cải cách giáo dục.

Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế tri thức, sự phát triển của một đất nước chủ yếu trông cậy vào tri thức của người dân trong nước, không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên nữa. Chậm một ngày trong cải cách giáo dục là đẩy lùi sự phát triển của đất nước thêm một bước.

Tất cả những người xuất thân từ ngành giáo dục đều không bao giờ quên hình ảnh đầu đời nghề giáo, đó là hàng chục cặp mắt trong sáng, tinh anh của học sinh ngước trông lên mình với niềm tin yêu tuyệt đối. Rất mong các vị có thẩm quyền trong ngành giáo dục, hãy nhớ lại hình ảnh này để thấy mình sẽ có lỗi rất lớn đối với học sinh nếu không làm ngay những gì có thể trong cải cách giáo dục.

(1)Vietnamnet ngày 17/10/2007.

(2) Vietnamnet ngày 20/09/2005.

Luật sư Quách Tú Mẫn