Cách xử trí vết bỏng phồng nước
Nguyễn Văn Bình (Hà Nội)
Khi bị bỏng da thường xuất hiện những mụn nước có kích thước tùy vào mức độ phỏng nặng hay nhẹ. Ngoài tác dụng làm mát, những vết phồng nước còn có tác dụng ngăn cách vết thương với môi trường bên ngoài, tránh nhiễm trùng và giúp vết bỏng nhanh lành, hạn chế để lại sẹo. Nhiều người khi bị phỏng thường chọc thủng những vết phồng nước bởi họ cho rằng làm như vậy vết thương sẽ nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi khi bị bỏng, lớp da trên cùng bị chết hoàn toàn và cần thời gian nhất định để lên da non. Lúc này vết bỏng sẽ dễ dàng bị xâm nhập bởi vi khuẩn và các chất độc từ môi trường bên ngoài. Hãy giữ cho bọng nước càng lâu càng tốt, tuyệt đối không được chích nốt phồng nước hay cắt da nơi bị bỏng. Khi bị bỏng, tốt nhất là ngâm tay, chân hoặc vùng bị bỏng vào nước lạnh trong vòng 30 phút để làm mát vết thương. Sau đó dùng bông tiệt trùng để thấm khô vết thương rồi bôi một lớp mỏng mỡ kháng sinh để chống nhiễm trùng, sau đó băng lỏng vết thương lại. Khi xuất hiện vết phồng nước, hãy vệ sinh vết thương nhẹ nhàng bằng nước muối pha loãng, thấm khô vết thương và bôi kem kháng khuẩn. Lặp lại hàng ngày đến khi vết bỏng tự tiêu. Lưu ý, tránh làm vỡ nốt phỏng. Khi vết bỏng tự tiêu cũng không được bóc phần da chết đi, hãy để nó tự khô và bong ra như thế sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bị sẹo.