Cách xử trí khi trẻ sơ sinh bị té đập đầu xuống đất
Mục Lục
Qua một tuổi, trẻ bắt đầu tập đi, bò trườn, leo trèo, vận động khá nhiều và rất dễ té ngã. Đôi khi bé bị té đập đầu xuống đất khiến cả nhà rất lo lắng, kèm theo có thể xuất hiện một số biểu hiện khác thường ở trẻ. Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo đã có những chia sẻ rất chi tiết về cách xử trí khi bé té đụng đầu. Ba mẹ hãy cùng Avakids tìm hiểu nhé!
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo là thủ khoa đầu vào trường Đại học Y dược TPHCM năm 1997, tốt nghiệp Y khoa trường Đại học Monash (Australia) với học bổng toàn phần AusAid của chính phủ Australia, và học tiếp Thạc sĩ Y khoa tại Đại học Sydney. Bác sĩ Huyên Thảo từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại các bệnh viện. Năm 2018 sáng lập và điều hành phòng khám riêng
Happy Baby
và cũng là tác giả bộ sách nổi tiếng
“Bác sĩ riêng cho bé yêu”
nhiều bà mẹ yêu mến.
1Những mức độ khi bé té đụng đầu
Té ngã ở khoảng cách thấp chỉ gây xây xát nhẹ cho bé. Ảnh: unsplash
Mức độ nhẹ
Đầu là một bộ phận quan trọng nên ba mẹ luôn phải để tâm và lo lắng cho bé. Tin tốt lành là đa số các trường hợp té ngã đơn thuần hoặc khi té từ ghế thấp, giường thấp xuống đất, chấn thương đầu thường là những chấn thương nhẹ, trầy xước, vết bầm ngoài da hoặc đôi khi chảy máu vì xây xát.
Bởi vì da đầu có rất nhiều mạch máu nên khi bị tổn thương có thể gây ra vết bầm to hoặc gây chảy máu nhiều. Thực chất mức độ không nghiêm trọng.
Trong 100 ca chấn thương đầu, chỉ khoảng 1 đến 2 ca có thể bị nứt xương sọ. Đa số các trường hợp nứt xương sọ chỉ gây nhức đầu kéo dài và cũng không cần can thiệp nhiều, vết thương sẽ tự lành hẳn trong vài tuần.
Biến chứng hiếm gặp
Một số biến chứng hiếm gặp nhưng lại làm cho các y bác sĩ quan tâm nhất đó là tổn thương não bên trong gây “chấn động não”.
Não bộ con người là một khối chất mềm, được bao bọc bằng xương sọ. Bên trong não là một loại dịch bao quanh giúp giảm chấn động và giảm chấn thương cho não.
Khi một lực đủ mạnh tác động lên đầu, lớp dịch bên trong không thể giúp não giảm chấn động, khiến não bị rung lắc. Não đụng vào thành cứng của xương sọ gây ra “chấn động não”.
Nếu lực quá lớn có thể gây dập, bầm não hoặc tệ hơn làm vỡ các mạch máu lớn nuôi não, gây xuất huyết não. Những biến chứng này có thể xảy ra chậm một vài ngày hoặc vài tuần sau đó, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tri giác, thần kinh của con người và cũng có thể gây tử vong không mong muốn.
Bài viết liên quan: Những lưu ý tuy nhỏ bé nhưng có thể giúp bố mẹ bảo vệ an toàn cho con trẻ trong mọi tình huống
2Dấu hiệu và cách xử trí khi bé té đụng đầu
Theo bác sĩ Huyên Thảo, không thể dự đoán trước được 100% rằng chấn thương đầu mức độ nào là lành tính hay nguy hiểm. Tuy nhiên, ba mẹ có thể nhận biết một số dấu hiệu để có cách xử trí thích hợp.
Có thể dựa vào một vài dấu hiệu cơ bản để nhận biết mức độ chấn thương của trẻ. Ảnh: pexels
Trường hợp nhẹ
Dấu hiệu
Khi trẻ té trúng đầu, trường hợp nhẹ trẻ ít quấy khóc, tỉnh táo, nôn mửa một, hai lần sau đó ăn uống bình thường. Lúc này cha mẹ có thể yên tâm ở nhà theo dõi và thực hiện những sơ cứu cơ bản.
Cách sơ cứu
-
Nếu thấy trẻ có vết bầm sưng, nên chườm đá lên chỗ sưng ngay lập tức, trong khoảng 15-20 phút. Việc sơ cứu ban đầu này sẽ giúp trẻ đỡ đau và chỗ bầm không lan ra thêm. Nếu vết bầm nhiều, có thể tiếp tục chườm đá 1 giờ sau đó, làm thường xuyên 2 – 3 lần trong ngày và tiếp tục chườm thêm 1-2 ngày sau.
-
Đối với vết trầy xước nông, nên rửa sạch bằng nước và xà phòng
-
Nếu vết thương có chảy máu ít, nên sử dụng gạc y tế sạch hoặc miếng khăn sạch. Cầm máu bằng cách ấn thẳng vào vết thương khoảng 10 phút hoặc cho đến khi không còn chảy máu.
-
Nếu trẻ ói 1-2 lần, nên cho trẻ nghỉ ngơi, chỉ uống nước lọc nếu cần. Khi thấy trẻ uống được và không ói thêm, ba mẹ có thể cho trẻ ăn uống bình thường 1-2 giờ sau đó.
-
Để trẻ nằm nghỉ ngơi và theo dõi trong 2 giờ đầu sau chấn thương.
-
Nếu trẻ có triệu chứng đau đầu, ba mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau.
Lưu ý: thời gian uống thuốc là phải ít nhất 2 giờ sau khi bị té, tránh trường hợp uống thuốc ngay trẻ bị nôn ói khiến ba mẹ lo lắng hơn
.
Các loại thuốc an toàn sử dụng là Acetaminophen (Efferalgan, Hapacol, Tylenol, Pandadol… cho trẻ em) hoặc Ibuprofen (Advil, Brufen…). Ba mẹ nên kiểm tra kỹ liều lượng phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ.
-
Nếu trẻ ổn định, hoàn toàn bình thường, ba mẹ nên theo dõi thêm trong 48 – 72 giờ tiếp theo để biết chắc không có gì cần lưu ý.
-
Một điều quan trọng khác cần nhớ là không nên chỉ tập trung chấn thương phần đầu. Ba mẹ nên kiểm tra những nơi khác của trẻ, đặc biệt là phần cổ.
Trường hợp nặng, nguy hiểm
Dấu hiệu
-
Trẻ bị bất tỉnh (sau khi té, trẻ không tỉnh, không mở mắt, không phản ứng)
-
Nôn ói nhiều lần sau đó (trên 2-3 lần)
-
Có những dấu hiệu thần kinh như co giật, yếu liệt tay chân, đi loạng choạng, không vững.
-
Lừ đừ, mệt mỏi quá mức
-
Sắc mặt nhợt nhạt, không hồng hào và sự nhợt nhạt kéo dài trên 1 giờ
-
Tai hoặc mũi chảy máu hoặc có chất lỏng bất thường chảy ra
-
Trẻ khó chịu, quấy khóc không dỗ được
-
Không nhận biết được người quen và rối loạn về địa điểm, con người (tùy lứa tuổi)
-
Ở trẻ lớn hơn, nếu trẻ nói rằng không nhìn thấy rõ hoặc thấy một vật thành hai, nên cho trẻ đi khám ngay lập tức
-
Khi ba mẹ sờ đầu trẻ thấy có chỗ lõm hoặc vết bầm lớn tại chỗ ngay sau khi té.
-
Tại vết thương chảy máu nhiều, dài và sâu
-
Trẻ nói rằng nghe tiếng động lạ trong tai
-
24 giờ sau khi té trẻ vẫn còn than nhức đầu
Cách xử lý
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu xảy ra chấn thương nghiêm trọng. Ảnh: pixabay
Ba mẹ cần đưa trẻ cần đi khám bác sĩ hoặc đưa vào phòng cấp cứu ngay để được đánh giá tình hình. Nên làm các xét nghiệm chẩn đoán như chụp phim Xquang đầu sọ, chụp CT, MRI não… để có quyết định nhập viện, điều trị tùy theo mức độ của chấn thương.
Những vết thương dài, sâu cần được may lại để cầm máu và sớm lành.
Nếu ba mẹ có bất kỳ lo lắng nào, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi – độ tuổi dễ bị chấn thương khó đoán, khó đánh giá.
Trẻ sơ sinh bị té đập đầu xuống đất có thể tiềm ẩn nhiều mối nguy. Việc phòng tránh các nguy cơ té ngã của con trẻ là điều mà ba mẹ nên lưu tâm để giảm thiểu nguy cơ chấn thương. Avakids hy vọng thông qua những lời khuyên từ bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống, giúp con yêu luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.
Ngọc Hà tổng hợp
1. Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo: https://www.facebook.com/huyenthao.bacsi/posts/730082190712172
2. Kids Health Info: Head injury – general advice; The Royal Children’s Hospital, Melbourne, Australia; Accessed 2017.
3. Head Injury in Children; Havard Medical School; Havard Health Publications; America; February, 2013.
4. Head Injury; Seattle Children’s Hospital; America; Last reviewed January, 2012.